Lợi nhuận loạt ngân hàng tăng mạnh nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng

9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, đa số các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng một phần lớn nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Đơn cử như ngân hàng ACB. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hoạt động chính của ACB đem về 17.079 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ tăng 21% đạt 2.599 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác cao gấp 12 lần đạt 849 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, ACB được hoàn nhập 180 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ cùng kỳ trích lập hơn 2.812 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm hơn 13.503 tỷ đồng, tăng 51%. Nếu so với kế hoạch 15.018 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, ACB đã thực hiện được được gần 90% sau 9 tháng.

Lợi nhuận loạt ngân hàng tăng mạnh nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng - Ảnh 1

Tại ngân hàng MB, tính chung 9 tháng đầu năm 2022 thu về 26.394 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 39% so với cùng kỳ. Hầu hết nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ giảm nhẹ 4%, chỉ còn 2.912 tỷ đồng, do chi phí về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh lên 4.273 tỷ đồng (+47%). Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 17% và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 2%.

9 tháng đầu năm, ngân hàng MB chỉ dành ra hơn 4.462 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 26%, do đó MB lãi trước thuế gần 18.192 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng cũng tăng 53%, ghi nhận gần 14.049 tỷ đồng.

So với kế hoạch 20.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, MB đã thực hiện được gần 90% sau 9 tháng.

Đối với Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm 2022 đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6%, giúp chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục trong xu hướng giảm, cuối tháng 9/2022 là 1.200 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ, do tình hình tài chính nhiều khách hàng được cải thiện.

Những ngân hàng quy mô nhỏ cũng tăng lợi nhuận nhờ tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Đơn cử như ngân hàng Bản Việt, 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 13%, chỉ còn hơn 546 tỷ đồng. Nhưng kỳ này, Ngân hàng giảm trích lập dự phòng 49%, còn hơn 123 tỷ đồng, do đó BVB vẫn báo lãi trước thuế tăng 10%, đạt hơn 423 tỷ đồng.

So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2022, BVB đã thực hiện được 94% chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng sau 9 tháng.

Tương tự, ngân hàng Việt Á ghi nhận thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng âm. Tuy nhiên, do ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro đến 85% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 33 tỷ đồng, do đó VietABank thu được gần 810 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 55%. So với kế hoạch 1.158 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho năm 2022, VietABank đã thực hiện được 70% chỉ tiêu sau 9 tháng.

Lợi nhuận loạt ngân hàng tăng mạnh nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng - Ảnh 2

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2022 do Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, kết quả kinh doanh quý III chưa được như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý IV, kéo theo kết quả cả năm 2022, nhưng mức độ thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Về lợi nhuận năm 2022, đa số dự kiến sẽ tăng trưởng so với năm 2021, nhưng vẫn có gần 7% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận giảm và khoảng 5% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng có thể sẽ tăng trưởng chậm lại, do dư địa room tín dụng quý IV đang cạn dần. Lợi nhuận giai đoạn 2022 - 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021. Động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng bị suy giảm do dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng và có độ trễ.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ