Long An có khu đô thị 3 tỷ USD, sốt đất Thanh Hà làm nóng Hà Nội
KĐT Thanh Hà: Giá đất tăng lên hơn 90 triệu/m2, chủ hủy cọc chờ giá cao hơn; 'Để tránh vỡ nợ, doanh nghiệp BĐS phải cân nhắc bán tài sản, chấp nhận lỗ'; Long An có khu đô thị mới rộng 930ha, vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD; Hà Nội dừng dự án cao ốc trên đường Lê Văn Lương của công ty Louis
KĐT Thanh Hà: Giá đất tăng lên hơn 90 triệu/m2, chủ hủy cọc chờ giá cao hơn
Sau một thời gian dài nằm im, gần 3 tuần nay, các sàn môi giới bất động sản tại dự án Khu đô thị Thanh Hà bỗng hoạt động nhộn nhịp khi nhiều khách hàng đến tìm hiểu mua đất. Hoạt động rao bán của các môi giới trên cộng đồng mạng cũng sôi nổi hơn.
Nguyên nhân cơn sóng đất này là vào cuối tháng 10 vừa qua, UBND TP. Hà Nội thống nhất cho phép tiếp tục triển khai các quy trình thủ tục theo quy định để đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng, không có vi phạm về quy hoạch, đất đai, xây dựng tại khu đô thị Thanh Hà.
Hơn nữa, các sàn môi giới cũng truyền tay nhau văn bản của chủ đầu tư dự án – Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5, về việc thông báo khởi công xây dựng công trình nhà ở thấp tầng B1.1 tại dự án.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, nhân viên một sàn môi giới cho biết ngay sau các văn bản trên, giá đất tại khu đô thị Thanh Hà, đặc biệt là khu B1.1 đã nhanh chóng bắt nhịp tăng. Hiện các lô biệt thự, liền kề tại đây có giá dao động từ 65 - 95 triệu đồng/m2 với mặt đường 14-25m, thậm chí có lô 120 triệu đồng/m2 với mặt đường 30m.
Nhân viên sàn môi giới này cho biết thêm, nếu như thời điểm trước ngày 31/10, một căn liền kề 90m2 tại đây có giá từ 5,2 tỷ đồng thì hiện tại đã ở mức hơn 6,4 tỷ đồng/căn. Mức giá này cao hơn so với thời điểm trước khi có thông tin chủ đầu tư khởi công khu nhà thấp tầng từ 10 giá. Thậm chí, lô mặt đường lớn tăng đến 20 giá nhưng có hàng để bán. (Xem thêm)
Hà Nội dừng dự án cao ốc trên đường Lê Văn Lương của công ty Louis
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 12 HĐND TP khoá XVI. Trong đó, cử tri đề nghị thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm soát tiến độ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ về việc kiên quyết thu hồi các dự án treo, chậm triển khai, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn thành phố.
Cụ thể là dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương; dự án số 48 đường Trần Duy Hưng và dự án số 216 đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) đã giải phóng mặt bằng xong nhiều năm nhưng chưa triển khai .
Trả lời kiến nghị trên, UBND TP. Hà Nội cho biết liên quan đến ô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương có tổng diện tích 12.560,6m2, đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2016. Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis làm chủ đầu tư.
Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng có phát sinh đơn thư. Căn cứ báo cáo của Thanh tra thành phố về việc xem xét đơn thư, từ tháng 2/2020, UBND thành phố đã có chỉ đạo về việc dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án. (Xem thêm)
'Bất động sản đi qua vùng đáy, phục hồi chậm mà chắc'
Báo cáo thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, thị trường đã đi qua "vùng đáy", tuy nhiên, về tổng thể thì thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết nhận định trên thể hiện rất rõ nét tại thị trường bất động sản TP. HCM. Bởi, quý I năm nay tăng trưởng bất động sản âm 16,2%, nhưng vào cuối quý III vừa qua, tuy vẫn còn tăng trưởng âm 8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm. Sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42,3% so với quý I.
Cũng theo ông Châu, trong 9 tháng đầu năm nay, nguồn cung nhà ở tại TP. HCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn, tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhưng doanh thu huy động giảm 4,7%. (Xem thêm)
Long An có khu đô thị mới rộng 930ha, vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD
Bộ kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Tân Mỹ theo đề nghị của UBND tỉnh Long An.
Bộ cho biết hồ sơ dự án đã đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Tân Mỹ với hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin dự án khu đô thị mới Tân Mỹ tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa có diện tích khoảng 930,8 ha, dân số khoảng 80.969 người.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khu đô thị mới Tân Mỹ là 74.406 tỷ đồng (tương đương hơn 3 tỷ USD), trong đó chi phí đầu tư xây dựng là 60.196 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 14.210 tỷ đồng. (Xem thêm)
'Để tránh vỡ nợ, doanh nghiệp BĐS phải cân nhắc bán tài sản, chấp nhận lỗ'
Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế đến hết tháng 10 năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 209.150 tỷ đồng, cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái rất nhiều. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm ưu thế với 99.023 tỷ đồng (tức 47,3% tổng số), theo sau là nhóm bất động sản với 68.256 tỷ đồng (chiếm 32.6%).
Nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.
Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp bất động sản đã mua lại khoảng 219.000 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã mua lại khoảng 153.800 tỷ đồng. Trong khi, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm bất động sản 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, lần lượt đạt 15.600 tỷ đồng và 121.100 tỷ đồng.
Để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, chuyên gia của VARS cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ. Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Đây cũng là khoảng lặng giúp nhà đầu tư có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài). (Xem thêm)