Luật về bất động sản sẽ tác động thế nào đến thị trường từ nay đến cuối năm?
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, những quy định mới tại các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản cuối năm nay.
Ở một chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, và có hiệu lực từ ngày 1/8.
Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành 5 nghị định và 1 quyết định, 2 thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, đều có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
"Như vậy, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã kịp thời đảm bảo tiến độ thực hiện và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024", Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, có một số điều mới tác động đến thị trường bất động sản.
Đầu tiên với Luật Nhà ở 2023, đã được sửa đổi, bổ sung một số quy định phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển các dự án, nhất là bổ sung các quy định về giai đoạn của dự án đầu tư nhà ở; đồng thời, Nghị định 95/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ đã có quy định rõ ràng các giai đoạn đầu tư dự án xây dựng nhà ở; trình tự triển khai các dự án theo quy trình đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian.
Đối với phát triển nhà ở xã hội, các quy định mới nêu rõ trách nhiệm dành quỹ đất cho các địa phương; cắt giảm quy định điều kiện cư trú đối với đối tượng thuê mua nhà ở xã hội, chỉ còn một điều kiện về thu nhập.
Chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Trong khi đó, với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành quy định rõ các loại sản phẩm, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, công khai thông tin bất động sản; về điều kiện áp dụng với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản…
“Trong tháng 8 và tháng 9 tới, Bộ Xây dựng và cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp phổ biến pháp luật, các nghị định có hiệu lực từ ngày 1-8, tới 63 tỉnh, thành trong cả nước để đưa luật và các nghị định vào đời sống, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu.
Trước đó, chia sẻ về tác động của các Luật mới đến thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định các vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản thì 70% liên quan đến pháp lý. Có thể kể đến như: xác định tiền sử dụng đất, phê duyệt đầu tư dự án, đấu thầu dự án… Thực tế, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy cả nước năm 2023 có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc chủ yếu về mặt pháp lý.
“Nếu việc áp dụng áp dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sớm, đồng thời các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì có thể xử lý được nhiều “vướng mắc pháp lý” của dự án bất động sản”, ông Châu bình luận.