Muôn hình vạn trạng các hình thức lừa tiền đặt cọc nhà đất

Thị trường bất động sản (BĐS) đang bị ảnh hưởng bởi “sốt” đất liên tục diễn ra ở nhiều địa phương, tạo sự khan hiếm và gây ra sự nôn nóng cho người mua. Đánh vào tâm lý muốn sở hữu ngay nhà đất để tránh nguy cơ trượt giá do giá cả lại tăng nhanh, nhiều hình thức lừa đảo xuất hiện và chủ yếu đánh vào lòng tin tưởng của người mua.

 

Muôn hình vạn trạng các hình thức lừa tiền đặt cọc nhà đất - Ảnh 1

Hình thức đặt cọc được xem như hoạt động “làm tin” để 2 bên có thời gian chuẩn bị các giấy tờ cho hồ sơ chuyển nhượng, buôn bán bất động sản. Tuy nhiên, tưởng chừng đạt được hiệu quả mua bán giữa đôi bên, hình thức đặt cọc này có khi để lại nhiều biến tướng khó kiểm soát, nhiều vụ án lừa đảo hàng trăm triệu hay thậm chí hàng tỷ đồng cũng từ đây mà ra.

Nhận tiền đặt cọc rồi “bốc hơi”

Hành vi lừa đảo này được cho là khá thông dụng khi người mua đặt sự tin tưởng của mình vào người bán. Trường hợp anh N.T.K. ngụ quận 6 TP.HCM, bức xúc chia sẻ về lần mua nhà đầu tiên của mình bằng tiền tích lũy nhiều năm đi làm mới có được. Anh cho biết, bên bán yêu cầu đặt cọc một phần giá trị của căn nhà hay thửa đất đó, theo như hợp đồng thì sau khoảng 1 tháng, hai bên sẽ tiến hành giao kết hợp đồng mua bán và hoàn tất các giấy tờ pháp lý tại phòng công chứng.

Tuy nhiên, đến thời gian giao hẹn thì người bán bỗng dưng “bốc hơi”, anh K. không tìm được cách liên lạc cũng như mọi liên lạc với người bán cũng trở nên “biệt vô âm tính”. Lúc này, anh K. mới vỡ lẽ ra mình bị lừa mất tiền cọc từ người bán. Trường hợp của anh K. không phải là duy nhất, may mắn là anh vẫn còn đủ bằng chứng để trình báo cơ quan công an về vụ việc lần này hòng tìm lại số tiền đã mất. Rất nhiều trường hợp phải “nuốt nước mắt” chịu mất tiền oàn vì đặt niềm tin quá lớn vào người bán và không để lại bất cứ giấy tờ hay biên nhận giao dịch nào.

Nhiều đối tượng lừa đảo đã dùng số tiền đặt cọc để chi tiêu cá nhân, cố ý lừa tiền cọc của bên mua hay trước đó bên bán đã đem nhà đất thế chấp ngân hàng,… Ở trường hợp này, nếu may mắn tìm lại được bên bán thì các bên có thể tự thoả thuận với nhau, không thỏa thuận được thì bên mua tiếp tục khởi kiện ra toà. Song việc tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện cũng khá nhiêu khê và mất nhiều thời gian.

Cảnh giác lừa đảo: Nhận tiền cọc rồi “bốc hơi”
Cảnh giác lừa đảo: Nhận tiền cọc rồi “bốc hơi”

Mạo danh chính chủ để lừa bán đất

Khi người mua không xem xét các giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến quyền sở hữu nhà đất đối với người bán hay bên nhận đặt cọc, họ có nguy cơ rất cao rơi vào bẫy lừa đảo mà không dễ dàng nhận ra.

Như trường hợp anh Trần Văn T. (ngụ tại phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) đã ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất với Phạm Văn Phong có nội dung: “Phong bán cho anh T. thửa đất có diện tích 223m2, tọa lạc tại Phường 10, TP. Vũng Tàu với giá 1.7 tỷ đồng.”

Khi được anh T. yêu cầu những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu thì người chủ sở hữu không phải tên của Phong mà là tên người khác. Khi anh T. đặt vấn đề, lúc này Phong “lấp liếm” thông tin, cho rằng mình chính là chủ của thửa đất này, vì một số lý do bất khả kháng mà chưa thể hoàn tất thủ tục sang tên.

Tin lời Phong, anh T. đưa cho Phong số tiền 300 triệu để đặt cọc mua đất. Khi đã quá thời hạn và đã nhiều lần yêu cầu nhưng anh T. vẫn không thấy Phong thực hiện việc làm thủ tục sang tên như đã thỏa thuận.

Sau đó, anh T. chủ động tìm gặp người đứng tên trên sổ đất thì mới vỡ lẽ ra rằng mảnh đất nói trên là thuộc quyền sở hữu của bà, còn Phong chỉ là người được bà nhờ giới thiệu tìm người mua đất.

Sau khi biết đã rơi vào bẫy lừa đảo mua bán nhà đất của Phong, anh T. đã đến Công an TP. Vũng Tàu tố giác hành vi lừa đảo của đối tượng này.

Nhiều người “mất trắng” khi bị kẻ mạo danh chủ sỡ hữu lừa bán đất
Nhiều người “mất trắng” khi bị kẻ mạo danh chủ sỡ hữu lừa bán đất

Bán nhà, đất cho nhiều người cùng lúc

Cùng với cơn sốt đất từ nửa đầu năm nay, nhiều địa phương tại đây thường xuyên nhận được nhiều đơn tố cáo hành vi lừa đảo tiền cọc, bán cùng một bất động sản cho nhiều người hòng chiếm đoạt tài sản.

Để thực hiện hành vi lừa đảo mua bán nhà đất này, các đối tượng sẽ đăng tin rao bán nhà đất với giá khá thấp so với thị trường với hình ảnh sổ sách, giấy tờ nhà đất xác thực, rõ ràng, cùng lời mời gọi hấp dẫn.

Sau khi tiếp cận được khách hàng mua nhà đất, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu khách cọc tiền hoặc chồng tiền một phần với cam kết chỉ bằng giấy tay. Và cứ lặp lại như vậy, kẻ lừa đảo lại tiếp tục gom tiền của nhiều người nhẹ dạ, cả tin rồi “cao chạy xa bay”.

Làm sao để tránh “sập bẫy”?

Trước khi xuống tiền đặt cọc cho bất kỳ giao dịch nào có gí trị lớn, đặc biệt là bất động sản, người mua nên chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh sập vào bẫy những kẻ lừa đảo.

Thứ nhất, để tránh bị lừa mua phải bất động sản không thuộc quyền sở hữu của người bán, hãy yêu cầu được kiểm chứng giấy tờ bản gốc có đầy đủ tính chính danh và minh bạch mọi thông tin.

Thứ hai, kiểm tra khu vực đó có nằm trong diện chờ quy hoạch hay không? Việc kiểm tra này thường diễn ra trước khi đặt cọc, vì thực tế nhiều căn nhà bán là do vướng quy hoạch. Người môi giới sẽ giúp chủ nhà điều tra các thông tin này, thường là môi giới khu vực họ sẽ nắm chắc vấn đề này nên chủ nhà cần tham khảo và lên tận Phòng Quản lý Đô thị tại UBND Quận, Huyện nơi giao dịch bất động sản.

Thứ ba, kiểm tra bất động sản có đang bị chặn giao dịch chuyển nhượng không. Một số bất động sản bị chặn giao dịch chuyển nhượng do vi phạm xây dựng, do chiếm dụng và tranh chấp, kiện tụng và đang bị thi hành án… và bị các phòng công chứng đưa vào dạng “cấm bán”.

Kim Yến

Theo Chất lượng và cuộc sống