Muôn kiểu hút khách mua BĐS tại Trung Quốc: Tặng cổ phần, quyền cư trú
Để thu hút những khách hàng mới mua bất động sản, nhiều nhà phát triển cũng như chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang đưa ra những ưu đãi hết sức đặc biệt, từ tặng cổ phần, cổ phiếu cho tới quyền cư trú vĩnh viễn.
Đủ kiểu ưu đãi thay vì giảm giá
Tháng này, chi nhánh Nam Kinh của công ty phát triển bất động sản nhà nước China Merchants Property đã thông báo rằng những người mua một trong những dự án của công ty sẽ đủ điều kiện nhận các đặc quyền bao gồm các bài học bay và 5% cổ phần trong một chiếc máy bay phản lực tư nhân.
"Chiêu trò" này diễn ra sau một quảng cáo trước đó tuyên bố rằng người mua sẽ được "tặng máy bay phản lực tư nhân", đã lan truyền trên khắp mạng xã hội Trung Quốc.
Trong khi đó, một số ít thành phố trên khắp Trung Quốc, bao gồm các trung tâm đô thị lớn như Tô Châu và Vũ Hán, đã cố gắng thu hút người mua và kích thích nhu cầu bằng cách tuyên bố rằng họ sẽ cho phép người mua nhà không phải là người địa phương nộp đơn xin cư trú.
“Kể từ đầu năm 2024, các nhà phát triển và chính quyền địa phương đã liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Do kiểm soát giá đối với việc bán nhà mới, các nhà phát triển không thể tự do cắt giảm giá bán. Vì vậy, họ đưa ra nhiều ưu đãi có giá trị hơn đóng vai trò là chiết khấu thực tế”, Xiaoxi Zhang, nhà phân tích tài chính Trung Quốc tại công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics, cho biết.
Vì sự hỗ trợ về mặt pháp lý “luôn ở mức cận biên” do các nhà hoạch định chính sách nỗ lực giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào bất động sản, các nhà phát triển tư nhân đã phải dựa vào nguồn lực của chính họ để bán nhà sau khi thị trường bất động sản gần như sụp đổ, bà Zhang cho biết thêm.
Đủ kiểu kích cầu vẫn ảm đạm
Bên cạnh những nỗ lực bán hàng của các nhà phát triển và chính quyền địa phương, Bắc Kinh cũng đang đưa ra những chính sách hỗ trợ đầy hứa hẹn nhằm giúp vực dậy thị trường BĐS.
Ví dụ, hồi tháng 5, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC)đã ban hành một khoản cho vay trị giá 300 tỷ NDT (42 tỷ USD) cho các chính quyền địa phương để mua lại những ngôi nhà chưa bán được và biến chúng thành nhà ở giá rẻ, đồng thời xóa bỏ giới hạn thấp nhất của quốc gia về lãi suất thế chấp đối với ngôi nhà đầu tiên và thứ hai để kích cầu.
Các chính quyền địa phương, mặc dù chậm chạp trong việc thực hiện các nỗ lực cụ thể để giải phóng kho nhà ở, đã ban hành hơn 70 biện pháp trong tháng qua để thúc đẩy thanh khoản trên thị trường nhà ở.
Nhiều thành phố như Bắc Kinh, Nam Kinh, Thanh Đảo và Quảng Châu đều đã thực hiện các quy định khuyến khích cư dân bán nhà cũ “để đổi” lấy nhà mới , Quảng Châu thậm chí còn chính thức dỡ bỏ các hạn chế đối với công dân không phải là người Trung Quốc đại lục mua nhà trong thành phố.
Chính quyền địa phương của Trung Quốc cũng được cho là đang có kế hoạch phát hành trái phiếu đặc biệt để tài trợ cho việc mua nhà và bơm tiền vào các công ty xây dựng đang gặp khó khăn, một động thái mà các nhà phân tích coi là có lợi hơn so với cơ chế cho vay lại, do chi phí tài trợ của hình thức này thấp hơn.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, giá nhà tại 70 thành phố lớn đã giảm trong tháng thứ 14 liên tiếp vào tháng 7, trong khi doanh số bán hàng do 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu của đất nước tạo ra đã giảm 36,4% so với tháng trước xuống còn 279 tỷ NDT, dữ liệu từ Tổng công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc cho thấy.
Do thị trường nhà ở vẫn ảm đạm, các nhà phát triển ở các thành phố hạng hai đang sử dụng các chiến thuật tiếp thị tích cực hơn so với các công ty cùng ngành ở các thành phố hạng ba và hạng tư, vì "ngay từ đầu đã không có đủ nhu cầu ở những thành phố hạng thấp hơn", Yan Yuejin, phó chủ tịch Viện nghiên cứu và phát triển E-house Trung Quốc cho biết.
Trong khi đó, tại các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải, các nhà phát triển có xu hướng dè dặt hơn trong các nỗ lực quảng bá của họ vì nhu cầu ở đây mạnh mẽ hơn những nơi khác, ông Yan nói thêm.
Trong số những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc, giá nhà tại Bắc Kinh đã giảm nhiều nhất, với giá nhà trong tháng 8 giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 43.006 NDT/m2, theo dữ liệu do E-house tổng hợp.
Giá mỗi m2 giảm 3% xuống còn 12.015 NDT tại Quảng Châu và tăng 2% lên 65.746 NDT tại Thâm Quyến, thành phố phía nam giáp với Hong Kong.
Giá tại Thượng Hải, một ngoại lệ trong thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm, đã tăng 6% lên 75.568 NDT/m2.
Tyran Kam, giám đốc cấp cao về xếp hạng doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, cho biết: "Các thành phố hạng cao hơn với nền tảng kinh tế vững mạnh hơn, triển vọng nhân khẩu học tốt hơn và nguồn tài chính của chính quyền địa phương có khả năng mạnh hơn có thể linh hoạt hơn trong việc triển khai các chính sách mới để thúc đẩy thị trường bất động sản".
“Tuy nhiên, do thiếu các chính sách hỗ trợ rộng rãi hơn từ chính quyền trung ương, chúng tôi tin rằng áp lực giá nhà, kể cả ở các thành phố hạng cao hơn, có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới”, chuyên gia này nhận định.