Năm 2023 khó có sốt đất

Phân khúc đất nền trong năm 2023 được dự báo có khả năng phục hồi khi có room tín dụng mới, song rất khó xuất hiện tình trạng sốt đất như giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022.

 

Năm 2023 khó có sốt đất - Ảnh 1

Đất nền từng là “tâm điểm”

Nhìn lại diễn biến phân khúc đất nền thời điểm cuối 2021 đầu 2022 có thể gói gọn trong từ khóa “sốt nóng”.

Cụ thể vào thời điểm này, làn sóng nhà đầu tư, môi giới, cò đất đổ dồn đi xem đất, mua đất tại các địa phương trên khắp cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa… diễn ra phổ biến kéo giá đất tại đây tăng vọt.

Theo các chuyên gia, cuối năm 2021 là giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công với hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm tại các địa phương được phê duyệt và triển khai. Bên cạnh đó, tâm lý kinh tế dần hồi phục sau đại dịch COVID-19 đi kèm với tỷ suất sinh lợi hấp dẫn đã lôi kéo dòng tiền “đổ” mạnh vào đất nền.

Cơn sốt đất âm ỉ và lan sang tận đến những tháng đầu năm 2022. Đến nửa cuối 2022, đất nền tại nhiều địa phương dần hạ nhiệt và có xu hướng thanh khoản lao dốc. Đáng chú ý nhất trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2022, đặc biệt trong tháng 9, là thời điểm đất nền “chạm đáy” (nhìn từ báo cáo của DKRA Group).

Thống kê nguồn cung và sức tiêu thụ đất nền từ tháng 7 - 11/2022 của DKRA Group.  
Thống kê nguồn cung và sức tiêu thụ đất nền từ tháng 7 - 11/2022 của DKRA Group.  

Thị trường liệu có đảo chiều?

Căn cứ vào bối cảnh hiện tại, các chuyên gia bất động sản bày tỏ quan điểm không lạc quan sẽ tiếp tục xuất hiện sốt đất trong năm mới 2023.

Theo ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), từ tháng 7/2022 trở đi, thị trường bất động sản liên tục hứng chịu những “gáo nước lạnh” liên quan đến vốn. Nổi bật là chính sách kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, siết tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư vào bất động sản cũng sụt giảm kéo thanh khoản giảm khiến nguồn vốn huy động từ khách hàng cũng gặp khó.

Một số phân khúc bất động sản tại một số địa phương ghi nhận xu hướng giảm giá, đặc biệt tại các khu vực xa trung tâm thành phố, hạ tầng chưa phát triển. Nhà đầu tư nắm giữ những tài sản này phải bán cắt lỗ do sử dụng nhiều đòn bẩy.

Ông Hoàng cho biết thêm, kể cả khi các ngân hàng thương mại có room tín dụng mới thì thị trường bất động sản cũng chỉ xuất hiện giao dịch tập trung tại các sản phẩm phục vụ nhu nhu cầu ở thực của người dân.

“Lượng giao dịch sẽ không bùng nổ để tạo ra cơn sốt như đã từng xảy ra vì sau những cuộc đua huy động vốn thì lãi suất cho vay mua nhà cũng tăng lên đáng kể”, ông Hoàng dự báo.

Phó Tổng thư ký VARS cũng đưa ra nhận định phân khúc ở thực sẽ trở thành “điểm sáng” trong năm 2023. Thị trường bất động sản trong năm 2023 cũng sẽ dần phục hồi, minh bạch hơn và lành mạnh hơn do Luật Đất đai sửa đổi, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường của Chính phủ… sẽ giúp “gỡ tắc” thanh khoản, gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, tạo điều kiện để người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở xã hội dễ dàng hơn.

Cùng quan điểm sẽ không xảy ra sốt đất trong năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu quan điểm, thị trường bất động sản sẽ phục hồi khi có room tín dụng mới.

“Sẽ không có chuyện sốt đất xảy ra như hồi đầu năm 2022. Room tín tín dụng mới tuy không nhiều nhưng vẫn là động lực giúp thị trường bất động sản có thêm giao dịch từ người mua nhà ở thực và những nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ”, ông Đính nói.

Đạt Trần

Theo Kinh doanh và Phát triển