Top 10 ngân hàng huy động vốn nhiều nhất quý I/2025
Tính đến hết quý I/2025, 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã huy động tổng cộng 12.025 nghìn tỷ đồng, tăng 6,35% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn
Theo số liệu từ Wichart, tính đến hết quý I/2025, 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã huy động tổng cộng 12.025 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 6,35% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về số dư tuyệt đối, các "ông lớn" thuộc nhóm Big4 tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu. BIDV là ngân hàng đứng đầu về huy động vốn với số dư 2.173,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,62% so với cùng kỳ. VietinBank giữ vị trí thứ hai với 1.812,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,02%. Trong khi đó, Vietcombank – dù vẫn thuộc nhóm dẫn đầu – là ngân hàng duy nhất trong Big4 ghi nhận mức giảm, với 1.492,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3%.
Theo sau là nhóm ngân hàng tư nhân với những tên quen thuộc như MB, Techcombank, ACB, VPBank, Sacombank, SHB và HDBank.

Trong nhóm này, MB giữ vững vị trí dẫn đầu với quy mô huy động đạt 861,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank đứng thứ hai với 672,4 nghìn tỷ đồng, tuy mức tăng trưởng khiêm tốn hơn ở mức 0,83%. ACB xếp ngay sau với 661,6 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 4%. Đáng chú ý, VPBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng huy động nhanh nhất trong nhóm, đạt 628,7 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 14,2% – một tỷ lệ vượt trội so với các đối thủ cùng nhóm.
Ba cái tên còn lại cũng duy trì xu hướng tăng là Sacombank đạt 618,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6%), SHB đạt 569,8 nghìn tỷ đồng (tăng 6,07%) và HDBank đạt 552,3 nghìn tỷ đồng (tăng 6,66%).
Xét về tốc độ tăng trưởng huy động vốn, VPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng huy động vốn cao nhất, tăng tới 14,2%. Theo sau là BVB với 11,52% và KienLong Bank với 11,21%. Đáng chú ý, tính đến ngày 31/3/2025, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm về số dư huy động so với đầu năm, gồm Vietcombank (giảm 1,3%), TPBank (giảm 2,7%) và SeABank (giảm 4,4%).
Tỷ lệ LDR của các ngân hàng vẫn ở mức cao
So với đầu năm 2025, khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn tại nhiều ngân hàng đã thu hẹp đáng kể. Nếu như thời điểm đầu năm chỉ có 9/27 ngân hàng niêm yết duy trì tỷ lệ LDR (tín dụng/huy động) dưới 85%, thì đến cuối quý I/2025, con số này đã tăng vọt lên 22/27 ngân hàng. Đồng thời, tính đến hết quý I/2024, chỉ còn VPBank có tỷ lệ LDR vượt 100%, ở mức 101,59%. Song nếu so với đầu năm, tỷ lệ LDR của VPBank đã giảm tới 23,78 điểm %.
Dựa trên chênh lệch gia tăng giữa tăng trưởng huy động và tín dụng trong quý I/2025, có thể thấy rằng các ngân hàng niêm yết đã huy động vốn tốt hơn so với tình hình chung. Tuy nhiên, với việc tỷ lệ LDR hiện dao động quanh mức 77% - 83%, tiệm cận mức trần quy định 85%, cho thấy các ngân hàng phải tính toán kỹ lưỡng hơn khi giải ngân trong các quý tới.
Trước đó, trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia TPS cho biết, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ LDR toàn ngành tăng nhẹ lên mức ước tính 82,3%, cao hơn so với cùng kỳ là 81,4%. Mặc dù vẫn dưới mức trần quy định của NHNN là 85% nhưng vẫn gia tăng áp lực huy động ở một số ngân hàng.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ LDR tăng nhẹ trong năm 2024 là do tổng huy động của các ngân hàng tăng khá chậm, chỉ khoảng 10% trong khi tổng tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong 2024. Bên cạnh đó, theo quy định của Thông tư 26/2022/TT-NHNN, trong năm 2024, lượng tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước được tính vào cấu phần tổng tiền gửi khi tính toán tỷ lệ LDR sẽ bị khấu trừ 60%, tăng từ mức 50% áp dụng trong 2023. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại chỉ còn được tính 40% tiền gửi có kỳ hạn của KBNN vào cấu phần tổng tiền gửi.
Trong năm 2024, kênh huy động tiền gửi từ tổ chức có vẻ khó khăn hơn kênh dân cư, chủ yếu do các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, thị trường, ít mở bán nên giảm tiền gửi và áp lực TPDN đến hạn làm tăng nhu cầu tiền mặt. Cùng với đó, nền lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp.
Theo các chuyên gia TPS, xu hướng này có thể tiếp tục sang 2025, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh hơn ở thị trường huy động khu vực dân cư. Đồng thời, các ngân hàng phụ thuộc vào tiền gửi của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy vậy, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng, từ đó tạo thêm dư địa cho các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ LDR và tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.