Nghệ An: Hủy kết quả đấu giá đất, nhà đầu chấp nhận bỏ cọc vì cơn ‘sốt đất ảo’
Lao vào cơn ‘sốt đất’ nền tại Nghệ An thời gian qua, 73 khách hàng trúng đấu giá đất ở Nghệ An đã chấp nhận mất số tiền này chứ không đóng đủ tiền để nhận đất.
Cụ thể, UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa có văn bản về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo đó, UBND huyện Diễn Châu hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 73 lô đất với tổng số diện tích là 13.418,74m2 tại các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ.
Được biết, việc hủy bỏ kết quả đấu giá đất này là do các hộ gia đình, cá nhân được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy định.
Hơn 15,7 tỷ đồng tiền cọc mà 73 khách hàng trúng đấu giá 73 lô đất trên đã đóng được nộp ngân sách Nhà nước.
Trong đó, xã Diễn Vạn và xã Diễn Phúc là địa phương có số lô đất bỏ cọc nhiều nhất. Trong số những khách hàng chấp nhận “vứt” tiền cọc đã đóng, ngoài một số người là dân ở trên địa bàn huyện Diễn Châu thì còn có nhiều người quê ở Hà Nội.
Ông Hoàng Thiên Long - Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết, đầu năm 2022, xã này tổ chức đấu giá 50 lô đất với giá khởi điểm 5 triệu đồng/m2, sau đó người dân tham gia phiên đấu giá đã đẩy mức giá lên hơn 10 triệu đồng/m2.
Mỗi khách hàng đều phải đóng cọc từ 110-150 triệu đồng. Đến nay, 32/50 lô đất này đã phải huỷ kết quả trúng đấu giá do chủ không đóng đủ tiền theo quy định.
“Theo quy định sau khi hoàn tất thủ tục, người trúng đấu giá phải hoàn thành đóng tiền trong vòng 90 ngày. Nhưng rất nhiều người sau khi đóng tiền cọc thì không đóng tiền nữa”, ông Long nói và cho hay khi hỏi thăm một vài người trong xã trúng đấu giá chậm nộp tiền thì được trả lời vì tình cảnh bắt buộc nên chấp nhận bỏ cọc, không nhận đất.
Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương có thị trường bất động sản vốn rất sôi động hơn một năm qua ở Nghệ An. Theo một số người làm nghề môi giới, khoảng vài tháng gần đây, người đi xem các dự án bất động sản rất ít, không còn cảnh chen chúc xem đất như một số thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2022.
Một môi giới trú tại đây cho biết, vài tháng gần đây, nhiều “cò đất” chuyên mua bán đất theo hình thức lướt sóng chấp nhận bỏ cọc hàng trăm triệu đồng do thị trường bỗng chốc ế ẩm. Bản thân anh Q. cũng đặt cọc 100 triệu đồng để mua một miếng đất 2,5 tỷ đồng ở xã Diễn Phúc (huyện Diễn Châu), hy vọng chờ bán lướt trong vòng 1 tháng. Song chờ đến hạn nộp tiền cũng không ai hỏi mua, anh đành huỷ hợp đồng, chấp nhận bỏ tiền đặt cọc.
“Trước đây đất sốt thì chừng 1 tuần đã bán được rồi, không lãi nhiều thì ít nhưng mua bán rất nhanh. Nay chẳng ai ngó nữa. Bởi thế nên thà mất 100 triệu đồng tiền cọc còn hơn phải gánh lãi tiền vay ngân hàng 2,5 tỷ đồng”, người này nói.