Người dân thận trọng "rót tiền", thị trường bất động sản còn gặp khó

Với thị trường bất động sản hiện nay, theo giới chuyên gia, nguồn lực trong dân không phải là mới nhưng còn hấp dẫn hơn nguồn đầu tư từ nước ngoài. Vấn đề là làm sao huy động được nguồn sinh lực này để thúc đẩy thị trường hồi phục trong thời gian sắp tới.

Còn nhiều trở ngại

Tại hội nghị Bất động sản Việt Nam 2023 (VRES 2023) ngày 12/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế 2023 chưa đạt mục tiêu.

Thị trường vốn chưa hoàn toàn hồi phục, nhiều loại lãi suất đã giảm nhưng lượng tiền gửi vẫn đang tăng mạnh. 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92% thì 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiền gửi dân cư đã lên tới 9,95%.

“Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản chưa được phục hồi mạnh, người dân vẫn chọn tiết kiệm ngân hàng để bảo toàn tài sản. Do vậy, lượng giao dịch và hoạt động doanh nghiệp chưa cải thiện”, ông Quốc Anh nhìn nhận.

Đánh giá về thị trường BĐS năm 2024, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam chắc chắn còn nhiều khó khăn do thế giới bất ổn, từ đó giảm lực cầu.

Nguồn hàng sẽ tiếp tục khan hiếm do các dự án chưa được tháo gỡ một cách quyết liệt, bài bản. Một số luật đã thông qua nhưng đến năm 2025 mới thực thi.

Đặc biệt, Luật Đất đai có thể được thông qua trong quý I/2024 hoặc cũng có thể tiếp tục phải tranh luật. Nếu như các điểm nghẽn chưa thực sự được cởi bỏ hẳn thì chắc chắn Quốc hội sẽ còn phải xem xét.

Hàng nghìn dự án “nằm im”, ngành du lịch chưa cải thiện rõ rệt nên thị trường BĐS du lịch chắc chắn còn bị ảnh hưởng nhiều.

Động lực nào cho thị trường?

Tại toạ đàm, các diễn giả có chung nhận định, dù thị trường đang khó khăn nhưng tiềm năng của thị trường là rất lớn vì nhu cầu sở hữu, ở thực của người dân luôn hiện hữu cũng như những nguồn sinh lực tác động tích cực đến thị trường trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Thành Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BĐS Thiên Khôi cho biết, nguồn sinh lực của thị trường BĐS đến từ nguồn vốn FDI, vốn tín dụng của Nhà nước thông qua rất nhiều chính sách.

Người dân thận trọng "rót tiền", thị trường bất động sản còn gặp khó - Ảnh 1

Theo giới chuyên gia bất động sản, nguồn lực trong dân vẫn còn rất nhiều.

“Đặc biệt, có một nguồn sinh lực theo tôi không phải là mới nhưng vốn dĩ trên thị trường rất lớn, đó là nguồn lực từ trong dân. Vấn đề là làm sao huy động được tất cả các nguồn lực này để thúc đẩy cho thị trường BĐS hồi phục trong thời gian sắp tới. Trong đó, nền tảng cơ bản là sự phát triển của kinh tế đất nước trong năm 2024 tiếp đà hồi phục của năm 2023”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Chủ tịch HĐQT Thiên Khôi, điều quan trọng nhất là nguồn lực trong dân vẫn còn rất nhiều. Lượng giao dịch trong dân vẫn rất tốt thể hiện được nguồn lực tài chính của người dân.

Trong năm 2024, để nguồn sinh lực từ mảng BĐS dự án được đẩy mạnh cần giải quyết bài toán niềm tin. Niềm tin này đến từ việc các nhà đầu tư và người dân nhìn vào năng lực của các chủ đầu tư về yếu tố về pháp lý, năng lực về nguồn vốn, tài chính để giải quyết công nợ.

Bên cạnh đó là chính sách tài chính của Nhà nước cũng như sự cởi mở về pháp lý từ phía Nhà nước giúp khơi thông các dự án.

“Khi người dân đặt niềm tin vào Chính phủ và các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án thì nguồn lực trong dân sẽ phát triển mạnh. Tôi đánh giá nguồn lực này còn hấp dẫn hơn nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào. Lòng tin của người dân trở lại với thị trường là rất quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, có nhiều cơ hội cho thị trường BĐS trong năm sau.

Trong đó, đáng chú ý là việc Chính phủ quyết liệt điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt phát triển các loại hình dự án phù hợp với nhu cầu xã hội như nhà ở xã hội với mức giá phù hợp.

Giai đoạn cuối năm nay và trong năm 2024, đầu tư công được Chính phủ đẩy mạnh hơn. Trong đó, chất lượng lượng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và chất lượng đô thị hoá sẽ được phát triển. Từ đó sẽ kích thích sự phát triển của thị trường BĐS.

Cũng theo ông Đính, trong năm 2024, muốn phát triển kinh tế và không rơi vào khó khăn, suy thoái thì chắc chắn chính quyền các địa phương sẽ chọn lựa việc thúc đẩy phát triển, đặc biệt là tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN ở địa phương, các dự án BĐS tại địa phương. Đây là xu hướng bắt buộc mà các địa phương sẽ phải làm.

Một điểm sáng nữa tác động đến thị trường BĐS năm tới là hiện tại quy hoạch của 63 tỉnh, thành đã phê duyệt được một nửa.

“Tôi nghĩ trong năm 2024 cơ bản các địa phương sẽ được phê duyệt quy hoạch. Việc Chính phủ phê duyệt quy hoạch sẽ là bước đệm, là cơ hội rất tốt cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển”, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định.

Lãi suất giảm, đơn giản hoá thủ tục cho vay cũng tiếp tục là yếu tố trợ lực cho thị trường. Ngoài ra, mặc dù Luật Kinh doanh nhà ở, Luật Bất động sản chưa được thi hành nhưng Quốc hội và Chính phủ đã rất cố gắng trong việc giải quyết các điểm nghẽn khi các nội dung này đều được đưa vào luật.

“Ngay cả khi luật chưa được ban hành nhưng theo tôi đây chính là động lực quan trọng cho thị trường. Bởi lẽ Chính phủ sẽ dựa vào nội hàm này để ban hành các văn bản, nghị định, thông tư nhằm giải quyết, tháo gỡ cho các dự án BĐS trong giai đoạn tới”, ông Đính chia sẻ.

 

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam