Người Việt mua bất động sản ở nước ngoài ngày càng nhiều?
Theo Savills, kể từ sau thời điểm dịch bệnh, giới siêu giàu Việt Nam đã đẩy mạnh việc mua bất động sản ở nước ngoài, tập trung ở loại hình văn phòng, khách sạn. Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ con cái du học và sau đó là gia tăng tài sản, người giàu Việt đang quan tâm nhiều hơn đến bất động sản ở các thị trường phát triển.
Trong báo cáo mới đây, Savills cho biết nhu cầu đầu tư bất động sản nước ngoài của các doanh nghiệp và giới siêu giàu Việt Nam tăng mạnh sau dịch bệnh với giá trị ngày càng lớn. Năm ngoái, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 421 triệu USD, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các ngành thu hút dòng vốn của doanh nghiệp Việt là hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, phân phối điện...
Với giao dịch cá nhân, có thể kể đến giao dịch mua một tòa văn phòng trên phố Old Broad, London của một nhà đầu tư Việt Nam với giá trị hơn 200 triệu bảng (khoảng 257 triệu USD). Đây cũng là giao dịch văn phòng lớn nhất tại London trong năm 2023.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết một số thị trường bất động sản nước ngoài thu hút nhà đầu tư Việt Nam gồm Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản... Điểm chung của các thị trường này là điểm đến du học của con cái những gia đình có thu nhập từ cao đến rất cao. Tại Anh, ghi nhận của Savills cho thấy London là lựa chọn đầu tư bất động sản dẫn đầu, theo sau là Manchester, Birmingham, những thành phố tập trung nhiều đại học và sinh viên quốc tế.
"Nhu cầu liên quan đến giáo dục là động lực hàng đầu để các nhà đầu tư bất động sản Việt Nam xuất ngoại", ông Powell cho hay.
Cũng theo Savills, Việt Nam là thị trường mới nổi với số lượng người giàu muốn đầu tư bất động sản ở nước ngoài đang tăng mạnh.
Ông Jonathan Hewlett, Chủ tịch Savills Private Office toàn cầu, cho biết nhu cầu đầu tiên của người giàu Việt là thuê hoặc mua căn hộ cho con đi du học, có thể là ở Anh, Australia, Canada hoặc Mỹ. Sau đó, họ bắt đầu tìm kiếm những khoản đầu tư tiếp theo khi con cái họ muốn làm việc hoặc định cư ở nước ngoài.
"Xuyên suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ rất nhiều nhà đầu tư có mong muốn mở rộng kênh đầu tư tại thị trường quốc tế, đặc biệt với phân khúc nhà ở và thương mại”,
Chủ tịch Savills Private Office cũng nói thêm, tầng lớp người giàu hiện tại ở Việt Nam đa phần là thế hệ giàu có đầu tiên hoặc thứ 2 trong gia đình, vì vậy họ được thôi thúc phải giữ gìn và gia tăng khối tài sản để có thể truyền lại cho con cháu. Do đó, bên cạnh các khoản đầu tư trong nước, họ có xu hướng đầu tư thêm tại các thị trường đã phát triển với khuôn khổ pháp lý rõ ràng và thanh khoản cao.
Thực tế, Savills cho hay một nhà đầu tư Việt Nam trong năm 2023 cũng đã mua một tòa văn phòng trên phố Old Broad, London trị giá hơn 200 triệu bảng Anh (khoảng 257 triệu USD). Đây cũng là giao dịch văn phòng lớn nhất tại London trong năm qua.
Ông Jonathan cũng cho rằng do đã có nhiều thương hiệu bất động sản quốc tế góp mặt ở thị trường Việt Nam, nên quyết định đầu tư ra nước ngoài của người Việt đang ngày càng dễ dàng hơn.
"Tầng lớp giàu có ở Việt Nam đã quen thuộc với các khu nghỉ dưỡng của Six Senses hay Raffles, do đó khi chúng tôi tiếp thị cho họ các dự án phức hợp của 2 thương hiệu này ở London, có khá nhiều người Việt bày tỏ sự quan tâm", ông Jonathan Hewlett lấy ví dụ.
Giới “siêu giàu” Việt Nam ngày càng nhiều
Trong năm 2023, tốc độ tăng người siêu giàu của Việt Nam là 2,4% so với năm 2022, mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 0,8% của Thái Lan. Tuy nhiên, mức tăng người siêu giàu của Việt Nam vẫn thấp hơn tốc độ tăng người siêu giàu của Singapore với 4%, Indonesia với 4,2% và Malaysia với 4,3%.
Nhưng, từ năm 2023 - 2028, theo Knight Frank, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ nhanh hàng đầu thế giới, có thể đứng thứ 5 tại khu vực châu Á chỉ xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia. Đáng nói, tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam được dự báo cao hơn Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore trong giai đoạn 2023 - 2028.
Thực tế, khi giới nhà giàu và siêu giàu Việt Nam tăng nhanh, đồng nghĩa với việc quan tâm đến các khoản đầu tư nhằm gia tăng tài sản. Trong khi bất động sản Việt Nam đang tương đối khó khăn thì không ít người giàu Việt sẽ chọn đầu tư bất động sản nước ngoài, đặc biệt là những người có xu hướng định cư ở nước ngoài.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội: "Rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam có mong muốn mở rộng kênh đầu tư tại thị trường quốc tế, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở và thương mại". Nhu cầu này được thúc đẩy bởi số cá nhân siêu giàu tại Việt Nam đến năm 2026 dự kiến đạt hơn 1.500 người, tăng 25% so với năm 2021, theo dữ liệu của Statista.
Ông Matthew Powell cho biết thêm: "Ở chiều ngược lại, chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các khách hàng siêu giàu của Savills trên thế giới về việc đầu tư bất động sản tại Việt Nam".
Theo thống kê từ Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR), từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ, trong đó người Việt Nam chiếm 2%, tương đương với số tiền là 3,06 tỷ USD. Trong 5 năm liên tiếp, kể từ 2017 tới nay, người Việt tiếp tục duy trì là 1 trong 10 quốc gia có công dân mua nhà tại Mỹ nhiều nhất thế giới.
Còn theo quan sát của Savills Việt Nam, chỉ những người giàu có nhất mới có đủ khả năng đầu tư vào Mỹ, Anh, Australia và Canada. Và do chương trình EB-5 không có hạn chế về nơi nhà đầu tư có thể mua bất động sản, nên nhiều người dân trong nước có xu hướng đầu tư ở các bang có cộng đồng người Việt hiện tại, chẳng hạn như California, New York và Washington D.C.
Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, người Việt bắt đầu dịch chuyển sang đầu tư vào các nước châu Âu, nơi dễ dàng nhập quốc tịch hơn, bao gồm Síp, Malta, Bồ Đào Nha, Hungary và một số nước Đông Âu có mức đầu tư dễ chịu hơn.