Nguồn cung NOXH thiếu xa so với nhu cầu thực tế

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính từ đầu năm đến hết ngày 24/10/2024, Hà Nội có 12.341 căn nhà từ 14 dự án đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, trong đó, chỉ có hơn 200 căn thuộc phân khúc NOXH.

Trong số này, có hơn 7.620 căn chung cư, gần 4.700 nhà thấp tầng và 35 căn thương mại dịch vụ. Đáng chú ý, trong số 14 dự án đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội có 12 dự án là các dự án chung cư, liền kề, biệt thự, shop house, chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội nằm tại Mê Linh là dự án có giá bán thấp nhất trong số các dự án mới, với mức giá từ 13 đến 15 triệu đồng/m2. Các dự án chung cư tại Hà Nội hiện có giá bán bình quân là 69 triệu đồng/m2, các dự án biệt thự, liền kề có giá bán từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/m2.

Nguồn cung NOXH thiếu xa so với nhu cầu thực tế - Ảnh 1

Nguồn cung NOXH thiếu xa so với nhu cầu thực tế

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.

Tính từ thời điểm năm 2021 đến hết quý II/2024, cả nước đã khởi động triển khai trên 619 dự án nhà ở xã hội, cung cấp cho thị trường hơn 560.000 căn hộ. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chậm và chỉ có khoảng 79 dự án đã hoàn thành, tương đương với 40.600 căn hộ. Hiện vẫn còn 128 dự án đang được xây dựng và 412 dự án khác được chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Dù đã được trợ lực chính sách nhưng việc giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân vẫn đang là thách thức lớn. Nhiều hội nghị lớn được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn này nhưng theo phản ánh của “người trong cuộc” là doanh nghiệp, cơ quan quản lý lẫn các địa phương thì các vướng mắc được đề cập chưa có hướng giải quyết triệt để.

Tính đến 24/10/2024, theo số liệu đã nêu trên, NOXH cũng chỉ có hơn 200 căn được chào bán trong tổng số hơn 12.000 căn hộ cho thấy khoảng cách giữa các phân khúc bất động sản vẫn là vấn đề đang báo động hiện nay.

Sáng nay, 28/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về thị trường bất động sản cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Theo đó, trường bất động sản và nhà ở xã hội đang mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân trong khi nhu cầu của người dân lớn.

Nguồn cung chủ yếu từ các dự án triển khai trong giai đoạn trước đó, rất ít dự án mới. Một số dự án gặp vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

"Nhiều khu đô thị bị bỏ hoang. Giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội nêu.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu. Hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra; ngược lại, có nơi không phù hợp nhu cầu dẫn đến không có người mua, người thuê, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế vĩ mô, “sức khỏe” của doanh nghiệp bất động sản cũng như các ngân hàng thương mại, gia tăng rủi ro cho thị trường trái phiếu, giảm thu ngân sách nhà nước, gia tăng nợ xấu; mặt khác, gây bất ổn về xã hội, lao động, việc làm và an sinh nhà ở cho người dân....

Giải pháp quan trọng nhất vẫn nằm ở chính sách

Tại tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải đưa thị trường bất động sản vào quỹ đạo phát triển ổn định, đồng thời bảo đảm cung cấp nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.

Các Đại biểu cho rằng, cần phải ngăn chặn đầu cơ, giảm bớt “cơn sốt” giá đất vì đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất bình thường của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác quản lý, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Theo đại biểu, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhưng chưa thực sự thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp do các chính sách hiện tại vẫn chưa tạo động lực rõ ràng.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng từng chỉ rõ về khó khăn trong quá trình phát triển nhà ở xã hội mà trở ngại đầu tiên đối với nhà đầu tư là tiếp cận quỹ đất. Cùng đó là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn; thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng còn bất cập; lựa chọn chủ đầu tư và phê duyệt giá tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp.

Hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội còn thấp, chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội do có nhiều khu công nghiệp, nhưng số dự án thực hiện lại rất ít. Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng chưa đạt kết quả như mong đợi do nhiều nguyên nhân; trong đó, có việc một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và một số doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về tín dụng..., Bộ Xây dựng thông tin.

Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét hiệu quả thực hiện những giải pháp “gỡ khó” xem đã sát thực tế và phù hợp với điều kiện đáp ứng của doanh nghiệp chưa. Chỉ khi nào những chính sách, giải pháp được vận dụng vào thực tế thì những vướng mắc mới dần xóa bỏ.

Minh Hương

Theo Chất lượng và cuộc sống