Nhà đầu tư đang tìm đến bất động sản để “găm giữ” tiền sau Tết?
Dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi vẫn tìm bất động sản là nơi để “găm tiền” theo cách tìm kiếm lợi nhuận lâu dài.
Theo các chuyên gia trong ngành, triển vọng đầu tư của thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai vẫn theo xu hướng khả quan. Khi các nhà đầu tư tìm kiếm một phân khúc bất động sản để rót vốn, mối quan tâm của họ thường là tiềm năng và khả năng sinh lời của phân khúc đó. Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, bất động sản đang là một kênh thu hút nhà đầu tư, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dòng tiền lớn đang chờ đổ vào bất động sản. Trong khi nguồn cung rất khan hiếm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường bằng những thương vụ trị giá lên đến hàng tỷ đô tại Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó về cầu, nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường còn vượt con số 30% như các nghiên cứu được công bố.
Đặc biệt, những "tay to" đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM đang ở trạng thái bảo toàn vốn. Họ đã lãi lớn và rút khỏi thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc từ trước khi thị trường lao dốc. Nguồn vốn của họ hiện rất nhiều và chờ chực đầu tư tiếp.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dự báo, giá nhà đất năm 2021 dự báo tăng 10% năm 2020. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ mức 2020 sẽ dẫn đến kích thích đầu tư mạnh hơn. Dòng tiền vẫn tìm đến bất động sản để "cất giữ" trong trung, dài hạn.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, sau Tết, dòng tiền vẫn có xu hướng đổ vào thị trường bất động sản. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư cơ hội luôn tìm kiếm các bất động sản mà nhà đầu tư khác đang muốn bán ra thu dòng tiền.
Theo vị chuyên gia này, trong ngắn hạn, chúng ta đã có những lợi thế cả về mặt tinh thần, con người, về thị trường, trong nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng.
Năm 2021 thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Đối với thị trường bất động sản nói chung, thị trường nhà ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng, và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020.
Mặt khác, đối với thị trường bất động sản văn phòng, Trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra.
"Thay vì bi quan, tôi có lời khuyên cho các doanh nghiệp bất động sản là hãy xem những khó khăn trước mắt như là một điểm để bắt đầu tạo ra các tiền đề cho tương lai. Khi đầu tư vào các cao ốc, văn phòng, TTTM, khách sạn dịch vụ, thông thường thời gian hoàn vốn là trong 10 năm, nên 1 - 2 năm khó khăn không phải là một vấn đề quá lớn. Nhưng đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì sẽ rất khó khăn trong việc duy trì. Hiện tại các khách sạn, trung tâm thương mại trên thị trường Việt Nam thường hầu hết đã hoạt động được 5 - 7 năm, vậy nó đã có được dòng tiền tích lũy", ông Khương nhấn mạnh.
TS. Sử Ngọc Khương cũng đồng thời đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư bất động sản. Tùy theo kỳ vọng từ 1 - 2 năm có lời thì với bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân nên hạn chế sử dụng đòn bẫy tài chính.
Ngoài ra, câu chuyện bất động sản nhà ở luôn là câu chuyện mà mọi người quan tâm nên thủ tục pháp lý là cái phải luôn lưu ý. Cuối cùng là việc chọn lựa dự án có thể đạt được các mục tiêu mà mình đưa ra thì phải dựa trên các yếu tố như tính thanh khoản, giá trị gia tăng và quản trị rủi ro vì đây là các yếu tố quan trọng khi chúng ta đầu tư vào một dự án.