Nhà đầu tư địa ốc vẫn đang chờ chu kỳ điều chỉnh giá kết thúc để “xuống tiền”?
Thời gian qua, Quốc hội đã liên tiếp thông qua các bộ luật chính liên quan đến bất động sản, kỳ vọng sẽ là cú hích lớn, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, hiện tại giới đầu tư địa ốc vẫn đang chờ đợi những dấu hiệu cho thấy chu kỳ điều chỉnh giá hiện tại đã kết thúc trước khi xuống tiền.
Cú hích lớn cho thị trường
Có thể thấy, giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024 đánh dấu một chuyển biến lớn của thị trường bất động sản Việt Nam. Quốc hội đã liên tiếp thông qua các bộ luật chính liên quan, gồm: Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Các bộ khung pháp lý này đóng vai trò quan trọng trên nhiều khía cạnh, từ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, an toàn quốc gia đến môi trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ chế, chính sách về nhà ở và kinh doanh bất động sản được ban hành sẽ tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả để vận hành, hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Trong đó, Luật Kinh doanh Bất động sản có nhiều nội dung mới mang tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thiết lập nhiều công cụ kiểm soát quản lý để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Đơn cử như quy định công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai.
Đặc biệt, Luật cũng quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân tự xây dựng nhà ở và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho tổ chức; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; hợp đồng trong kinh doanh bất động sản; sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản…
Thời gian qua, rất nhiều vụ việc tranh chấp, kiện tụng xảy ra liên quan đến việc một số chủ đầu tư cố tình huy động vốn của khách hàng đối với nhà ở hình thành trong tương lai, song không thực hiện đúng cam kết ban đầu. Hoặc tình trạng, nhân viên môi giới, “cò” nhà đất thổi giá gây nhiễu loạn thị trường… Tuy nhiên, với các quy định mới, chặt chẽ, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi sẽ hạn chế tối đa tình trạng này.
Trước đó, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11/2023, đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, Chính phủ đã đề xuất cho phép hai luật này có hiệu lực sớm hơn 6 tháng, cùng thời điểm với Luật Đất đai 2024 cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ ngày 1/7/2024...
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở là hai đạo luật quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thực thi chủ trương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản, có tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh sống của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều Luật khác có liên quan. Chính vì vậy, mới đây nhất, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ chế, chính sách về nhà ở và kinh doanh bất động sản được ban hành sẽ tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả để vận hành, hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Động thái mới của giới đầu tư địa ốc
Trong bối cảnh toàn thị trường bất động sản vẫn đang chờ đợi những luật liên quan chính thức đi vào thực tiễn thì động thái của giới đầu tư cũng đang trong tâm lý chờ đợi, chưa thực sự quyết liệt tham giá thị trường.
Cụ thể, theo CBRE, nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương còn khá yếu, trong khi nhu cầu bán dự án lại ở mức cao. Với chu kỳ tăng lãi suất đã chững lại ở các thị trường lớn trên toàn cầu, các nhà đầu tư đang chờ đợi những dấu hiệu cho thấy chu kỳ điều chỉnh giá hiện tại đã kết thúc trước khi xuống tiền.
Nhà đầu tư ở hầu hết các thị trường sẽ tiếp tục giữ động thái chờ đợi và quan sát trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024 và các ngân hàng trung ương tại Châu Á Thái Bình Dương cũng sẽ điều chỉnh theo, nhờ đó mà các hoạt động mua bán dự án bất động sản thương mại sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.
Theo CBRE, phần lớn nhà đầu tư vẫn bị thu hút bởi các thị trường có tính thanh khoản cao và ổn định. Mặt khác, với việc hầu hết các nhà đầu tư ở Châu Á Thái Bình Dương ưa thích tìm kiếm các mục tiêu lợi nhuận hai con số, các nhà đầu tư đã chuyển sang chiến lược đầu tư tập trung vào các tài sản có thể tăng giá trị hoặc các tài sản đang có vấn đề trong việc chi trả nợ, buộc phải giảm giá.
Cũng theo đơn vị này, Việt Nam đứng thứ hai trong số các thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng, chỉ xếp sau Ấn Độ.
Thị trường Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư bao gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng.
Nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, tạo nên nhu cầu mạnh cho việc quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần hiệu quả. Các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng từ những động lực này nên rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp.
Ngoài bất động sản thương mại, đất dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các tài sản giảm giá hoặc tài sản thuộc sở hữu của chủ đất đang phải đối mặt với những khó khăn pháp lý hoặc nguồn vốn. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của phân khúc nhà ở tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phạm Anh Duy, Giám đốc BP. Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam, nhận định: “Nhà đầu tư có tầm nhìn dài về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam và sẵn sàng đầu tư vốn có thể hưởng lợi ngay từ chu kỳ điều chỉnh giá vừa qua. Điều này đặc biệt đúng với hiện trạng hiện nay khi bên mua được hưởng lợi từ các bên bán là nhà đầu tư hiện hữu trên thị trường đang cần thoái vốn sau khi đã nắm giữ vận hành tài sản đủ một thời gian nhất định”.