Nhà đầu tư lại ‘ngã ngửa’ với đất nông thôn: Có nơi giá cao gấp chục lần
Thời gian qua, nhiều phiên đấu giá tại các vùng quê đất khiến nhà đầu tư ‘phát hoảng’ khi giá được đẩy lên quá cao so với giá khởi điểm, có nơi cao gấp 5, gấp 10 lần.
Nhìn lại phiên đấu giá tại tỉnh Gia Lai (Tây Nguyên) được diễn ra vào ngày 25 – 26/3 vừa qua, giá được đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất thuộc Khu quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phường Chi Lăng, cách trung tâm TP Pleiku 10 km.
Cụ thể, 104 lô đất được đấu giá tại Gia Lai có giá khởi điểm là hơn 21,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau phiên đấu giá con số này được đội lên gấp nhiều lần. Lấy đơn cử như một lô đất diện tích hơn 130 m2 với giá khởi điểm 175 triệu đồng, sau phiên đấu giá giá lô đất này đã lên đến 1 tỷ đồng. Hay như một lô với diện tích hơn 210 m2 được đấu lên với giá hơn 3 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư phải thốt lên rằng “mình không thể theo kịp” giá đất tại đây. Với số tiền vài tỷ có thể mua được những lô đất tại khu vực gần TP Pleiku hơn, diện tích rộng và giàu tiềm năng hơn.
Ngoài Gia Lai, tại Nghệ An thời gian qua, những phiên đấu giá đất tại địa phương cũng diễn ra khá sôi động. Cụ thể, 59 lô đất thuộc khu quy hoạch Ruộng Bông – Trọt Hồ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã được tổ chức đấu giá. Điều đáng nói là 59 thửa đất này đã được trả giá gần 223 tỷ đồng – mức giá kỷ lục mà đơn vị này thực hiện tại huyện Đô Lương.
Các lô đất có diện tích 145,94 – 204,95 m2/lô, giá khởi điểm từ 1,76 – 3,091 tỷ đồng/lô tương đương từ 8 – 20 triệu đồng/m2. Một lô đất có diện tích 170 m2 được đấu giá lên tới 6,2 tỷ đồng, trong khi giá khởi điểm là 3,4 tỷ đồng. Các lô còn lại có giá giao động từ 5,5 – 5,7 tỷ đồng.
Kết thúc phiên đấu giá, số tiền đã được đẩy lên cao gấp nhiều lần (tăng khoảng 61% giá khởi điểm).
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, sau khi tỉnh Nghệ An công bố thông tin quy hoạch thị trấn Đô Lương lên thị xã vào năm 2030, giá đất ở đây và các khu vực lân cận đã lên cơn sốt.
Hay như tại Hà Tĩnh, 9 lô đất ở nông thôn tại xã Lâm Trung Thủy cũng vừa được UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phê duyệt và ký kết với Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (thành phố Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá. Vị trí 9 lô đất này cách trung tâm hành chính huyện Đức Thọ gần 4km.
Các lô đất này có diện tích từ 160m2 – 263m2 với giá khởi điểm từ 3,5 – 4,7 tỷ đồng. Và bước giá trên một lần đấu là từ 176 triệu đồng đến 237 triệu đồng, tùy theo diện tích từng lô.
Trước những phiên đấu giá diễn ra, không ít người dân địa phương bất ngờ với giá đất cao ngất ngưởng như vậy. Trung bình mỗi m2 đất có giá khởi điểm khoảng 22 triệu đồng.
“Tôi cũng thấy giá huyện đưa ra khá cao, người dân ở đây cũng không thể có tiền để mua đất đấu giá. Và thực tế sau khi công ty đấu giá mở bán hồ sơ lần 1 nhưng cũng chưa bán được hồ sơ nào cả”, Ông Đinh Văn Nam – bí thư Đảng ủy xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ cho biết.
Siết chặt lại quản lý đấu giá đất
Sau vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Bộ Tư pháp đã vào cuộc nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng trả giá quá cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ trúng đấu giá, gây nhiều bất ổn cho thị trường.
Qua đó, Bộ Tư pháp kiến nghị, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 40/QT-TTg ngày 2-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Đặc biệt chú trọng việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm đấu giá.
Trước tình hình xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc đấu giá đất cao ‘ngất ngưởng’ rồi bỏ cọc, Bộ Xây dựng cho biết, kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội…
Các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm còn có ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.
Giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản; các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả.
Qua đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.