Sắp lên quận, giá đất tại Gia Lâm nhảy múa điên đảo
Giá đất trung bình tại Gia Lâm (Hà Nội) hiện đang ở mức cao hơn rất nhiều so với các huyện khác sắp lên quận. Các lô đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng được chào giá từ 150-200 triệu đồng/m2 thì nay giá rao bán là 180 – 220 triệu đồng/m2.
Tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP.Hà Nội với các đơn vị liên quan tổ chức vào cuối tháng 12/2021, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu cần tập trung cao độ cho huyện Gia Lâm lên quận trong năm 2023.
Đến nay, huyện Gia Lâm đã đạt 25/27 tiêu chí lên quận, trong đó nhiều tiêu chí đã đạt về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của quận theo quy định.
Trước thông tin này, thị trường bất động sản tại Gia Lâm tăng chóng mặt trong 2 năm trở lại đây. Giá đất trung bình tại Gia Lâm ở mức cao hơn rất nhiều so với các huyện chuẩn bị lên quận khác.
Một trong những phân khúc bất động sản sinh lời được phần lớn các nhà đầu tư ưa chuộng vẫn là dòng sản phẩm đất thổ cư. Mức tăng cao tập trung ở những mảnh đất nằm ở trục đường chính, gần trung tâm và các khu chung cư cao cấp như ở Vincity Ocean Park.
Giá đất thuộc khu vực Trâu Quỳ (Gia Lâm) ở thời điểm hiện tại có thể lên tới hơn 200 triệu đồng/m2, dao động ở mức trung bình từ 80-90 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng cách đây mấy năm được chào giá từ 100-120 triệu đồng/m2 nay giá rao bán là 180-220 triệu đồng/m2.
Tại các xã lân cận như Đông Dư, Đa Tốn, Đặng Xá, giá đất cũng từ 40-50 triệu đồng/m2, tương đương tăng gấp đôi cách đây 3 năm.
Một môi giới giới thiệu lô đất 100 m2 ở Ngọc Động (Đa Tốn) cho hay, giá sẽ dao động trong khoảng 44 đồng/m2. Theo giới thiệu, mảnh đất này cách 10m ra trục đường chính, 700m ra Vincity Gia Lâm, 1 km ra Ecopark, rất tiện ích…
Trước tình trạng giá đất tại những khu vực có thông tin quy hoạch được đẩy giá chóng mặt, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng một số nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương…
“Điểm này giống như các cơn sốt đất diễn ra hồi đầu năm 2021 và những năm trước. Tại các điểm sốt đất, giới đầu tư thường tung tin đồn thổi, mua đi bán lại, lôi kéo người dân tham gia vào các giao dịch bất động sản gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá nhà đất lên cao để lợi dụng trục lợi. Sốt đất đi qua, người chịu thiệt nhất chính là người dân” – ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.