Nhà đầu tư và người mua nhà vẫn chờ giá giảm thêm?
Thanh khoản của thị trường bất động sản thời gian qua cực kỳ “èo uột”, từ đó có thể thấy, tâm lý phòng thủ, chờ giá giảm sâu hơn của nhà đầu tư cũng như người mua nhà khiến thị trường nhà đất ảm đảm suốt một thời gian dài.
Nhà đầu tư và người mua nhà vẫn chờ giá giảm thêm
Kể từ từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá bất động sản đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo đó, nhiều người kỳ vọng bất động sản sẽ có mức giá hạ nhiệt hơn vào cuối năm.
Thực tế khi, khi thị trường bất động sản khó khăn, nhà đầu tư và người mua nhà đợi chờ giảm giá để sở hữu được một sản phẩm với giá tốt được xem là tâm lý bình thường. Tuy nhiên, cũng chính điều này có thể dẫn đến giao dịch bất động sản trên thị trường chững lại từ những do dự phía người mua.
Theo nhận định của chuyên gia của Batdongsan.com.vn, đa số nhà đầu tư và người mua nhà vẫn có tâm lý chờ đợi thị trường bất động sản sẽ giảm giá.
Ngoài việc chờ đợi giảm giá nhà, nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp cũng đang chờ dòng tín dụng được khơi thông và lãi vay giảm thêm. Lãi suất giảm và có nhiều chính sách ưu đãi là cơ hội tốt để nhà đầu tư xuống tiền, nhưng với tình hình hiện tại, khách sẽ vẫn chờ.
Đồng thời, người mua nhà cũng kỳ vọng các chính sách vĩ mô sẽ nhanh chóng ngấm vào thực tế, từ đó tăng nguồn cung, kéo giảm giá nhà trong thời gian tới.
Như đã đề cập việc người mua nhà và nhà đầu tư đang chờ đợi đã khiến thanh khoản trên thị trường cực kỳ “ảm đạm”. Thậm chí, nhiều dự án được mở bán kèm mức chiết khấu cao nhưng vẫn vắng khách mua.
Đơn cử như tại TP.Thủ Đức, nhiều dự án được các nhà đầu tư thứ cấp chào bán với mức giảm cao nhất 30%. Trong khi đó, chung cư tại quận 2,6,9 đồng loạt đóng rổ hàng mới và chưa có kế hoạch mở lại ít nhất đến cuối quý II/2023. Có dự án chiết khấu lên đến 40% nhưng vẫn vắng khách.
Không chỉ trên thị trường thứ cấp, các doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp cũng đang bùng nổ các đợt chiết khấu để “nịnh” khách xuống tiền sớm. Nhiều dự án tại Hà Nội thời gian qua có mức chiết khấu cao trên 20%, một số nơi còn giảm giá cả tỷ đồng/căn nếu trả trước 95% giá trị.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp đang tung ra nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu khủng để kích thích khách hàng xuống tiền. Tuy nhiên, sức mua chậm là bởi tâm lý phòng thủ vẫn đang lên ngôi, nhiều người vẫn kỳ vọng giá giảm thêm.
Chưa kể, phần lớn các dự án có mức chiết khấu 30-40% là các dự án trung hoặc cao cấp, sau thời gian dài sốt nóng đã thiết lập mặt bằng giá mới, nay giảm nhưng vẫn còn rất “chát” khiến nhiều khách không mặn mà. Những người mua vào chủ yếu là những nhà đầu tư có tiền mặt, tầm nhìn 5-7 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), từng khẳng định trong thời điểm này, doanh nghiệp cần giảm kỳ vọng lợi nhuận, giảm giá bán 45-50%, chiết khấu sâu, chuyển đổi trái phiếu… để huy động vốn từ khách hàng.
Ông Châu cũng đề nghị doanh nghiệp sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ sức đầu tư tiếp để có thể tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, hướng vào các dự án nhà giá rẻ
Giá liệu còn tiếp tục giảm?
Báo cáo của chuyên trang Batdongsan.com.vn cho thấy, trong những tháng đầu năm 2023, thanh khoản nhà đất đã suy giảm mạnh, nhu cầu mua bất động sản tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm lần lượt 30% và 22% so với cuối năm 2022.
Dù thị trường trầm lắng nhưng thực tế, giá bán căn hộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận động thái tăng giá với mức tăng diễn ra khác nhau ở từng khu vực và phân khúc.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc giá bất động sản chỉ tăng khó giảm xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến tình trạng giới đầu cơ, đầu tư lướt sóng ở thị trường thứ cấp khiến giá nhà liên tục tăng cao qua các năm.
Dự báo về thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, mức giá vào thời điểm từ nay đến cuối năm có thể không biến động quá nhiều.
Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính, nhìn chung trên thị trường giá bất động sản khó giảm mạnh do đặc thù về sự khan hiếm, nhu cầu thực tế trên thị trường còn lớn.
Ông cho rằng, lượng giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa trong những quý cuối năm sẽ tăng so với quý 2. Mức giá sẽ vẫn giữ được ở mức ổn định. Làn sóng đầu tư, mua sắm trong 2 quý cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản cả nước.
Nhìn chung, các nhận định đều cho rằng quý IV/2023 là thời điểm lĩnh vực bất động sản sẽ bắt đầu chu trình mới với sự phục hồi dần dần ở một số phân khúc và thị trường chủ lực là các đô thị lớn.
Nhưng thời điểm hiện tại, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tiếp tục “bắt mạch” thị trường, đưa ra những quyết sách chống khủng hoảng, nhằm duy trì hoạt động và chờ thời cơ đến, như: tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh; duy trì hệ thống điều hành trong điều kiện cắt giảm chi phí; giữ mối quan hệ với các chủ đầu tư, nguồn hàng; phát triển nguồn hàng, phân khúc hàng hóa mới để xử lý và cân đối dòng tiền...