Thông tư 06: Doanh nghiệp địa ốc, người mua nhà khó vay vốn

HoREA cho rằng, việc bổ sung thêm nhiều quy định cấm cho vay trong Thông tư giống như dựng thêm “rào chắn”, khiến việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây

 

Thông tư 06: Doanh nghiệp địa ốc, người mua nhà khó vay vốn - Ảnh 1

Ông Châu kiến nghị Thủ tướng, NHNN sửa đổi Thông tư 06 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn ngay từ khi dự án đủ điều kiện triển khai.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tín dụng bất động sản.

Theo đó, để triển khai Nghị quyết 97 của Chính phủ, có thể đẩy mạnh bơm tín dụng ra thị trường, HoREA đề nghị NHNN sửa 3 Thông tư gồm Thông tư 06/2023/TT-NHNN, 03/2023/TT-NHNN và 08/2020/TT-NHNN.

Cụ thể, về Thông tư số 06 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023, HoREA cho rằng, việc bổ sung thêm nhiều quy định cấm cho vay trong Thông tư giống như dựng thêm “rào chắn”, khiến việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn.

Trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản, mà việc tiếp cận vốn tín dụng là “phao cứu sinh” để vượt qua khó khăn hiện nay, bởi lẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tuy nhiên, Thông tư 06 sẽ khiến doanh nghiệp không thể vay vốn.

Đơn cử, Thông tư 06 quy định cấm tổ chức tín dụng cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh”.

Hiệp hội cho rằng, quy định trên không đúng, không phù hợp thực tế, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA phân tích thêm, việc Thông tư 06 bổ sung các trường hợp không được tiếp cận vốn tín dụng không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh bất động sản thuộc “ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” mà còn tác động “tiêu cực” đến đầu tư phát triển nói chung vì một số dự án đầu tư khác cũng sẽ rơi vào trường hợp bị cấm cho vay, như các dự án đầu tư theo phương thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) thực hiện các công trình hạ tầng, cầu đường, cảng, sân bay, nhà máy phát điện, bệnh viện, trường học, nông, lâm, ngư nghiệp…

Bởi lẽ, doanh nghiệp sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là chủ đầu tư dự án PPP thì đã có đủ pháp lý và tại thời điểm này mới phát sinh nhu cầu huy động vốn để bù đắp tài chính cho các khoản đầu tư thực hiện dự án, hoặc có nhu cầu tìm “bên thứ 3” để mời góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án. Nhưng khoản 9 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) lại quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với “bên thứ 3”.

Ngược lại, khi các dự án PPP này đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh cũng là lúc mà dự án đã hoàn thành thì chủ đầu tư sẽ có nguồn thu từ dự án. Ví dụ như dự án đầu tư nguồn phát điện sau khi đã hoàn công, đấu nối, phát thử nghiệm, đã có giá bán điện, thì tại thời điểm này các chủ đầu tư không còn nhu cầu huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư nữa.

Do đó, theo Chủ tịch HoREA, Thông tư 06 chưa tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án bất động sản được hợp tác với các nhà đầu tư.

Ông Châu cho rằng việc không cho vay vốn tín dụng “để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư” trong giai đoạn dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nhưng “chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” (mặc dù dự án đã có đầy đủ pháp lý như “quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư” hoặc “Giấy phép xây dựng”) là chưa thỏa đáng.

Ông Châu kiến nghị Thủ tướng, NHNN sửa đổi Thông tư 06 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn ngay từ khi dự án đủ điều kiện triển khai.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống