Nhà đầu tư vẫn chưa “tin tưởng” vào bất động sản nghỉ dưỡng

Dữ liệu từ các đơn vị phân tích thị trường cho thấy, với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận trầm lắng khi tỷ lệ hấp thụ rất thấp. Có thể thấy, niềm tin của nhà đầu tư với phân khúc này vẫn chưa quay lại.

Condotel giao dịch trầm lắng

Theo Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý III/2023 của BHS Group cho thấy, với loại hình căn hộ du lịch sở hữu có thời hạn (condotel) chiếm tới 80% trong nguồn cung mới 2.130 căn hộ nghỉ dưỡng tung ra thị trường trong quý III vừa qua, nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ nhỉnh hơn 15%.

Trong khi đó, căn hộ nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài là điểm sáng hiếm hoi của thị trường với tỷ lệ hấp thụ cao, khoảng 48%. Loại hình này nhận được sự quan tâm hơn của khách hàng do có sổ đỏ, vừa đáp ứng nhu cầu an cư tại chỗ, vừa có thể khai thác cho thuê. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ du lịch có sổ đỏ khá hạn chế, chủ yếu đến từ dự án Icon40 ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nguồn: BHS Group.  
Nguồn: BHS Group.  

Còn với hình bất động sản nghỉ dưỡng thấp tầng cũng tiếp tục trầm lắng trong quý này, với nguồn cung và giao dịch đều ở mức rất thấp.

Thị trường chỉ ghi nhận một dự án mở bán mới trong quý là Sapa Heritage, còn đa phần nguồn cung đến từ hàng tồn kho cũ. Phần lớn các dự án đều duy trì ở trạng thái khóa bảng hàng do thị trường trầm lắng.

Trước đó, theo báo cáo thị trường BĐS của DKRA Group, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng không có nhiều chuyển biến đáng kể. Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng chỉ có duy nhất 1 dự án mới mở bán, cung cấp cho thị trường 40 căn, giảm 88% so với cùng kỳ. Nguồn cung mới tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý II/2022 cho đến nay.

Nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do lượng đặt cọc giữ chỗ không như kỳ vọng khiến nguồn cung giảm mạnh - chỉ tương đương 12% so với cùng kỳ.

Bên cạnh nguồn cung sụt giảm, sức cầu cũng khiêm tốn. Giữa bối cảnh khó khăn của thị trường, mức giá chào bán tương đối cao, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản trầm lắng. Giá bán sơ cấp hiện không biến động nhiều so với tháng 6/2023. Nhiều chủ đầu tư tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40-50%... nhằm kích cầu khách mua.

Theo nhận định của các chuyên gia, các yếu tố về pháp lý, lãi suất, sự hồi phục chậm của ngành du lịch cũng là nguyên nhân khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục ảm đạm. Khi thị trường lao dốc, sản phẩm BĐS có giá trị lớn càng khó giao dịch. Tình trạng này đang diễn ra với biệt thự nghỉ dưỡng, khi lượng tiêu thụ tháng 8 vừa qua chỉ bằng 15% so với cùng kỳ, dù nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40 - 50%. Một vài giao dịch trong tháng 8 tập trung chủ yếu ở những sản phẩm có mức giá tương đối mềm, dưới 10 tỷ đồng/căn.

Nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay lại thị trường

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, mức giá chào bán tương đối cao cùng với đó là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản trở nên trầm lắng. Ngoài ra, các yếu tố về pháp lý, lãi suất và sự hồi phục chậm của ngành du lịch cũng là nguyên nhân khiến thị trường nghỉ dưỡng tiếp tục ảm đạm.

Thực tế, dù có những chính sách điều tiết, mặt bằng lãi suất vẫn chưa thể điều chỉnh giảm nhanh, dẫn tới nhiều người mua chưa mạnh dạn tham gia vào thị trường, đặc biệt khi tính thanh khoản của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng nói chung đang khá thấp.

Số liệu từ BHS Group cho thấy, tại miền Bắc giá căn hộ nghỉ dưỡng cao tầng dao động trong khoảng 37 - 65 triệu đồng/m2, tăng từ 1,5 - 6% so với quý trước.

Tại miền Trung, giá điển hình căn hộ nghỉ dưỡng cao tầng dao động trong khoảng 48 - 60 triệu đồng/m2. Khánh Hòa ghi nhận mức giá cao nhất lên đến 180 triệu đồng/m2 tại dự án Melia Nha Trang.

Tại miền Nam, giá căn hộ nghỉ dưỡng cao tầng trung bình tại Kiên Giang và Vũng Tàu lần lượt là 99 triệu đồng/m2 và 95 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng khoảng 1,2 – 2,3% so với quý trước.

Thay vì giảm giá bán để có thanh khoản, theo BHS, các dự án đang tạm thời đóng bảng hàng hoặc trong tình trạng đặt chỗ, chờ thời điểm tốt khi sức cầu tăng để mở bán.

Bà Phạm Thị Miền, Phó Ban nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản thuộc Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức do sức cầu thị trường chưa cải thiện.

Nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng trở lại thị trường trong khi giá bán sản phẩm phân khúc này vẫn ở mức rất cao. Nguồn cung mới của các chủ đầu tư tiếp tục tăng giá và hàng tồn kho vẫn giữ ở mức giá rất cao.

Một lý do khác khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa hồi phục được bà Miền chỉ ra rằng, các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể đi vào thực tiễn.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển