Nhận diện nguy cơ thất thoát, lãng phí từ giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá

Giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, gây thất thoát tài sản nhà nước, khiến nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đã phải chịu chế tài pháp luật xử lý thích đáng. Liên quan đến tình trạng này, Kinh doanh và Phát triển đã nhiều lần phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh song đến nay chưa được các cơ quan, địa phương khắc phục triệt để. Các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai vì thế vẫn tái diễn với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Kẽ hở cho tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai

Do hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật đất đai chưa hoàn thiện, mới chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn rộng và chưa cụ thể. Đó là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà mà điển hình là hàng loạt các vụ đại án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại UBND thành phố Đà Nẵng, vụ Sabeco tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua.

Theo Luật Đất đai 2013, có 9 trường hợp giao đất, cho thuê đất không cần thông qua đấu giá.

Nhận diện nguy cơ thất thoát, lãng phí từ giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá - Ảnh 1

Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều địa phương, đơn vị, vẫn xuất hiện tình trạng giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá ngoài 9 trường hợp được nêu trên, gây thất thoát tài sản nhà nước, khiến nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đã phải chịu chế tài pháp luật xử lý thích đáng. Liên quan đến tình trạng này, Kinh doanh và Phát triển đã nhiều lần phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh song đến nay chưa được các cơ quan, địa phương khắc phục triệt để. Các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai vì thế vẫn tái diễn với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai như giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá đã gây thất thoát cho Nhà nước, khi phát hiện đều bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn ngừa cho vi phạm không xảy ra, không để tiền, tài sản nhà nước bị thất thoát, tức là xử lý tận gốc rễ vấn đề là bài toán khó được đặt ra hiện nay.

Để phát hiện vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra, cảnh báo sớm cần được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, những kết quả phát hiện, kiến nghị xử lý theo vụ việc chỉ phản ánh được một phạm vi nhất định. Điều quan trọng, đó là các cơ quan có liên quan phải sửa đổi chính sách quản lý cho phù hợp, chặt chẽ. Nhận thấy vấn đề này, Kinh doanh và Phát triển với chức năng là cơ quan báo chí, đã tổ chức thực hiện Chuyên đề: Nhận diện nguy cơ thất thoát, lãng phí từ giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá.

Chuyên đề sẽ đi sâu phân tích thực trạng hiện nay trong công tác quản lý đất đai, nhất là tại các địa phương có các “điểm nóng” về đất đai, để kịp thời phát hiện những dấu hiệu, nguy cơ về lãng phí, thất thoát trong quản lý, giao đất, thuê đất. Đồng thời, từ quá trình nghiên cứu thực tế, tìm hiểu hồ sơ, bằng phương pháp khoa học sẽ đưa ra kiến nghị tới các cơ quan chức năng chỉnh sửa, “bịt lỗ hổng” trong chính sách để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội cũng như thất thu ngân sách nhà nước.

Góc nhìn từ việc giao đất cho Công ty Hoành Sơn ở Hà Tĩnh

Trong quá trình thực hiện chuyên đề trên, tòa soạn đã ghi nhận sự việc liên quan tới công tác quản lý, giao đất, thuê đất tại Hà Tĩnh có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Cụ thể, vào tháng 01 năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định số 230/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, cho thuê sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi đối với 1.797,6m2 đất tại 116 đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, và cho Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn thuê toàn bộ diện tích này để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ mà không thông qua đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.

Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn, trực thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam, tiền thân là Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Trong bài viết này được gọi tắt là Công ty xi măng Bỉm Sơn. Trong năm 1996 và năm 1999, Chi nhánh Công ty xi măng Bỉm Sơn được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho thuê 03 khu đất lần lượt là: Khu văn phòng làm việc và kho chứa tại phường Trần Phú, thị xã Hà Tĩnh (Nay là thành phố Hà Tĩnh), diện tích 1.797,6 m2; Khu cửa hàng bán xi măng tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, diện tích 243 m2; Khu kho xi măng tại xóm Trung Thượng, thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh (Nay thuộc phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh), diện tích 1.408,3m2.

Nhận diện nguy cơ thất thoát, lãng phí từ giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá - Ảnh 2

Do chuyển đổi mô hình tiêu thụ từ tự bao tiêu sản phẩm sang hình thức bán trực tiếp cho khách hàng, dẫn đến Công ty xi măng Bỉm Sơn không còn nhu cầu sử dụng đất nên Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản trên đất thông qua hình thức đấu giá tài sản từ tháng 2/2013 cho Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Ngày 02/4/2013, Công ty xi măng Bỉm Sơn gửi văn bản số 0783 xin chấm dứt Hợp đồng thuê đất tại tất cả các khu đất của Công ty xi măng Bỉm Sơn, và trả lại đất cho nhà nước.

Đồng ý với phương án của Công ty xi măng Bỉm Sơn, trên cơ sở tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất chấm dứt Hợp đồng thuê đất và thu hồi đối với toàn bộ diện tích đất tại các khu đất nêu trên.

Trong đó, khu đất tại địa chỉ số 116, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh (Ngay ngã tư giao giữa đường Nguyễn Du và đường Trần Phú), được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thu hồi và cho Tập đoàn Hoành Sơn thuê sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ theo Quyết định số 230 ngày 16/01/2015.

Điều đáng nói là, sau khi Công ty xi măng Bỉm Sơn có văn bản xin trả lại đất, thời hạn cho thuê đất của Hợp đồng thuê đất chỉ còn 12 năm với mục đích thuê đất không thay đổi, nhưng ngày 05/5/2014, Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản số 1789/UBND-NL1 đồng ý cho Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn được lập quy hoạch, dự án đầu tư và thuê khu đất của Công ty xi măng Bỉm Sơn tại khu đất ở số 116, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh để làm văn phòng làm việc kết hợp Trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn (Xây dựng mới). Hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm kể từ ngày cấp Giấy Chứng nhận đầu tư dự án.

Căn cứ văn bản tham mưu cùng ngày của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 16/01/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 230, đồng ý thu hồi 1.797,6m2 tại số 116, đường Trần Phú, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh. Cũng trong Quyết định 230, UBDN tỉnh Hà Tĩnh cho Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn thuê toàn bộ khu đất này để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ. Sau khi có văn bản xác định đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm của Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện chủ sở hữu đất đã ký Hợp đồng thuê đất số 30/2015/HĐTĐ ngày 16/3/2015 cho Công ty Hoành Sơn thuê đất với hình thức trả tiền hàng năm; Thời hạn cho thuê 50 năm kể từ ngày 16/01/2015; Giá cho thuê 173.165 đồng/m2/năm (ổn định trong 05 năm kể từ ngày 01/02/2015). Như vậy với 311.177.505 đồng/năm (xấp xỉ 26.000.000 đồng/tháng), Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn được sử dụng 1.797,6m2 đất tại vị trí đắc địa nằm trong lòng trung tâm thành phố Hà Tĩnh.

Về nguyên tắc, căn cứ tại các điều 175, 189 Luật Đất đai 2013 thì: Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật này; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án. Nhà nước có chính sách cho người mua tài sản trên đất được tiếp tục thuê đất là để tạo điều kiện thuận lợi cho người mua tài sản trên đất trong việc tiếp tục triển khai dự án, khai thác tài sản trên đất, tránh lãng phí tài sản.

Trao đổi với Kinh doanh và Phát triển về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đình Giáp, thuộc Đoàn Luật sư Hà Tĩnh cho biết: Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho Tập đoàn Hoành Sơn thuê đất “để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ (xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ) ” với thời hạn cho thuê đất 50 năm trong trường hợp này là chưa phù hợp quy định tại các điều 175, 189 Luật Đất đai 2013 và các quy định liên quan khác như Luật đấu giá tài sản…. Đó là việc thay đổi mục đích sử dụng đất và tăng thời hạn thuê đất so với quy định đến gần 38 năm mà không nêu căn cứ cụ thể. Về nguyên tắc, khi Tập đoàn Hoành Sơn mua tài sản trên đất thì được phép tiếp tục thuê đất (hay còn gọi là thuê lại đất của Công ty xi măng Bỉm Sơn), nhưng phải sử dụng đúng mục đích như mục đích mà Công ty xi măng Bỉm Sơn đã sử dụng trước đó, và thời hạn thuê đất sẽ là thời hạn còn lại của Công ty xi măng Bỉm Sơn, tức là thời hạn chỉ đến 01/01/2027, hoàn toàn không có căn cứ để kéo dài thời hạn đến ngày 16/01/2065 như trong Hợp đồng thuê đất mà Tập đoàn Hoành Sơn ký với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.

Sau khi mua được tài sản trên đất tại số 116, đường Trần Phú, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh thì Tập đoàn Hoành Sơn đã tháo dỡ toàn bộ tài sản này, không sử dụng và khai thác bất kỳ một hạng mục nào từ việc mua tài sản của Công ty xi măng Bỉm Sơn. Câu hỏi đặt ra, là việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép Tập đoàn Hoành Sơn thuê đất có vì mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Hoành Sơn khai thác và sử dụng tài sản trên đất hay không?

Liệu đây có phải chỉ là cái cớ để Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn được tiếp tục thuê đất với những ưu đãi mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được? Bởi, Công ty Hoành Sơn đã sử dụng đất của dự án mới hoàn toàn khác với mục đích sử dụng của Công ty xi măng Bỉm Sơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn được thuê đất với thời hạn 50 năm (lớn hơn rất nhiều so với thời gian còn lại của Công ty xi măng Bỉm Sơn) mà không cần cạnh tranh với bất kỳ doanh nghiệp nào khi không phải thông qua hình thức đấu giá công khai mà Luật Đất đai đã quy định.

Sự việc này đã đặt ra nhiều câu hỏi, gây băn khoăn cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn về sự “ưu ái” quá mức dành cho một doanh nghiệp của chính quyền địa phương. Đồng thời, sự việc cũng có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách của Nhà nước do quyền sử dụng đất không được đưa ra thị trường đấu giá theo đúng quy định. Điều này cũng sẽ tạo một tiền lệ xấu trong việc lợi dụng chính sách pháp luật của Nhà nước để mua lại tài sản trên đất, nhằm mục đích thuê đất không thông qua đấu giá, sau đó không sử dụng tài sản mà tháo dỡ tài sản, sử dụng đất với mục đích mới.

 

Quỳnh Trang

Theo Kinh doanh & Phát triển