Nhận diện vai trò của VGROUP trong vụ mua bán 105 lô đất Tam Anh Nam
Theo cơ quan Thuế, việc cho phép Công ty VGROUP chỉ định khách hàng để buộc chủ đầu tư dự án Tam Anh Nam xuất hóa đơn là trái quy định về hóa đơn, chứng từ, gây thất thu Thuế cho ngân sách nhà nước.
Như đã thông tin, Hợp đồng mua bán số 17/HĐMB/PL-DAC ngày 07/10/2020 mua bán 105 lô đất dự án Tam Anh Nam giai đoạn 3 (tỉnh Quảng Nam cũ, nay là Tp. Đà Nẵng) được ký kết giữa Công ty TNHH Phú Long (chủ đầu tư – bên bán) và Công ty DAC (Công ty CP Thương mại dịch vụ văn hóa sự kiện Việt D.A.C. Đặc biệt, các rắc rối xảy ra đều do Chủ đầu tư không chấp hành đúng quy định về hóa đơn GTGT, thuế và có dấu hiệu “mập mờ” với Công ty VGROUP (Công ty cổ phần đầu tư bất động sản VGROUP).
Thương vụ rắc rối do làm trái quy định về hóa đơn, thuế
Hợp đồng mua bán số 17 trị giá 105 tỷ đồng, Công ty DAC đã thanh toán gần 76 tỷ đồng nhưng Công ty TNHH Phú Long không giao đất, sổ đỏ con (GCN QSDĐ) và hóa đơn GTGT tương đương với số tiền đã nhận.

Ngày 26/1/2021, Công ty DAC có văn bản 26.01/DAC yêu cầu Công ty TNHH Phú Long phải ra sổ đỏ và xuất hóa đơn cho Công ty DAC theo Hợp đồng số 17 và quy định của Thuế, Kế toán… Thế nhưng Công ty TNHH Phú Long có văn bản phản hồi không đồng ý và tự ý ký chuyển nhượng QSDĐ cho hàng chục khách hàng của Công ty VGROUP (Công ty CP đầu tư bất động sản VGROUP) tại Văn phòng công chứng Đinh Xuân Nghiêm với đơn giá thấp hơn giá đã bán cho Công ty DAC theo Hợp đồng mua bán số 17 và thấp hơn giá nhà nước quy định.
Trong khi Công ty DAC dừng thanh toán để kiến nghị đến cơ quan chức năng hướng dẫn việc xuất hóa đơn GTGT và tố cáo việc Công ty TNHH Phú Long bán 19 lô đất cho 02 đối tượng (vừa bán cho Công ty DAC, vừa bán cho khách hàng) kê khai giá bán không đúng giá trị giao dịch, trốn thuế…; thì Công ty TNHH Phú Long viện lý do thanh toán chậm để khởi kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán số 17…
Theo đó, Công ty Phú Long đề nghị thu hồi 26 lô đất tương ứng với số tiền chậm nộp, chỉ giao cho Công ty DAC 43 lô đất và 19 sổ đỏ đã ra tên khách hàng (gồm 4 sổ đã giao cho khách hàng, 15 sổ chưa giao), giữ 17 lô đất để thanh toán tiền phạt trả chậm 21 tỷ đồng (mức phạt 20% trên tổng giá trị hợp đồng).
Đáng nói, khi thấy công ty DAC tố cáo, Công ty TNHH Phú Long lại có văn bản ngày 7/8/2021 đề nghị Công ty DAC nhận 15 sổ đỏ. Tuy nhiên, do sổ đỏ và hóa đơn GTGT không đúng tên Công ty DAC, không đúng giá trị đã ghi tại phụ lục Hợp đồng mua bán số 17 ngày 07/10/2020 nên Công ty DAC không nhận.
Cùng thời điểm này, nhiều khách hàng liên quan đến 15 sổ đỏ khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH Phú Long giao sổ đỏ đã được ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Phía Công ty VGROUP và nhiều khách hàng khác đã nộp tiền mua đất cho công ty này cũng có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Công ty TNHH Phú Long lập thủ tục chuyển nhượng trực tiếp và giao GCNQSDĐ cho 39 khách hàng do Công ty VGROUP chỉ định.

Bị các khách hàng, Công ty VGROUP khởi kiện, Công ty Phú Long đề nghị Tòa án nhập chung cùng vụ kiện với Công ty DAC. Tuy nhiên, Công ty TNHH Phú Long không đồng ý nội dung khởi kiện của Công ty VGROUP và khẳng định: bên mua của của Hợp đồng mua bán số 17 ngày 07/10/2020 là Công ty DAC, do đó, Công ty DAC mới có quyền đề nghị nhận sản phẩm từ Công ty Phú Long?!
Công ty DAC (bị đơn) cũng phản tố không đồng ý các nội dung khởi kiện của Công ty TNHH Phú Long (nguyên đơn) và yêu cầu công ty này phải tiếp tục thực hiện Hợp đồng mua bán số 17. Vì Công ty TNHH Phú Long đã nhận gần 76 tỷ đồng trong tổng số 105 tỷ đồng, hơn 2/3 giá trị hợp đồng, nhưng chưa thực hiện bất cứ một nghĩa vụ nào cho Công ty DAC.
Mặt khác, do vi phạm Hợp đồng mua bán số 17 nên Công ty Phú Long đã bị phạt 16,5 triệu đồng nhưng vẫn không thực hiện Kết luận thanh tra số 6116/KL-CTQNA ngày 22/08/2023 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam (nay là Chi cục Thuế khu vực XII): điều chỉnh 19 hóa đơn GTGT do không đúng tên Công ty DAC và phụ lục ốp giá 19 lô đất; xuất hóa đơn gần 76 tỷ đồng giao cho Công ty DAC. Vì vậy, Công ty Phú Long không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Công ty DAC cũng không đồng ý mức phạt 20% trên tổng giá trị hợp đồng 105 tỷ đồng vì trái với quy định của Luật thương mại và Luật kinh doanh bất động sản mức phạt không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Công ty DAC cũng phản tố đề nghị Tòa án tách vụ án do Công ty VGROUP, khách hàng kiện Công ty TNHH Phú Long vì không cùng bị đơn và nội dung. Theo Công ty DAC: khách hàng, Công ty VGROUP khởi kiện Công ty Phú Long về chuyển quyền sử dụng đất; còn Công ty TNHH Phú Long và Công ty DAC là tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại về bất động sản giữa 2 pháp nhân. Do đó, Công ty DAC không cùng chủ thể bị kiện.
Công ty VGROUP là khách hàng thứ cấp hay nhà phân phối?
Theo Công ty VGROUP, ngày 21/10/2020, Công ty DAC có văn bản 2110/DAC chỉ định Công ty VGROUP phân phối 105 lô đất dự án Tam Anh Nam theo Hợp đồng số 17; tổ chức thu hộ tiền đặt mua và ký Hợp đồng đặt mua với khách hàng.
Tại Biên bản cuộc họp ngày 23/3/2021, Công ty DAC thống nhất phân chia 77 sản phẩm thuộc Hợp đồng mua bán số 17 cho Công ty VGROUP. Do đó Công ty VGROUP là một khách hàng thứ cấp của Hợp đồng mua bán số 17. Theo đó, Công ty VGROUP thanh toán cho Công ty Phú Long hơn 73 tỷ đồng bằng 100% giá trị của 77 lô đất thông qua ông Trương Thanh Vũ. Do đó, Công Phú Long phải lập thủ tục chuyển nhượng 77 lô đất này cho khách hàng do Công ty Vgroup chỉ định.

Tuy nhiên tại văn bản ngày 7/8/2021, Công ty TNHH Phú Long tỏ rõ quan điểm khi Công ty VGROUP đòi nhận 15 sổ đỏ: “Việc ký kết các thỏa thuận giữa Công ty VGROUP và Công ty DAC là vấn đề nội bộ của 2 bên. Công ty TNHH Phú Long không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với Công ty VGROUP. Vì vậy, việc đề nghị bàn giao GCNQSDĐ của Công ty VGROUP là không có cơ sở để Công ty TNHH Phú Long thực hiện”.
Theo người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: “Công ty TNHH Phú Long không có thỏa thuận hoặc trách nhiệm thực hiện hợp đồng với Công ty VGROUP; đề nghị Tòa án xem xét cẩn trọng khi quyết định các vấn đề liên quan đến việc ra sổ đỏ cho khách hàng của VGROUP, tránh trường hợp gây ảnh hưởng đến thu ngân sách của Nhà nước đối với giá trị thực tế mà VGROUP đã giao dịch với khách hàng”.
Đáng chú ý, tại các văn bản xác nhận công nợ, Công ty Phú Long đều thừa nhận đã nhận của Công ty DAC số tiền gần 76 tỷ đồng theo Hợp đồng mua bán số 17. Kết luận thanh tra số 6116/KL-CTQNA ngày 22/08/2023 của cơ quan Thuế cũng buộc Công ty Phú Long phải lập hóa đơn giao cho Công ty DAC đối với gần 76 tỷ đồng đã nhận. Từ đó, Công ty DAC sẽ chuyển nhượng GCN QSDĐ, lập hóa đơn giao cho các khách hàng hoặc Công ty VGROUP và kê khai doanh thu, thuế theo giao dịch mới khác với Hợp đồng mua bán số 17.
Phía Công ty DAC cho biết, Công ty DAC là bên mua của Hợp đồng mua bán số 17 và là chủ sở hữu của 105 lô đất bị Công ty TNHH chậm ra sổ đỏ. Ông Trương Thanh Vũ là 1 trong 5 cổ đông góp vốn cho Hợp đồng mua bán số 17. Theo đó, mỗi cổ đông góp 21 tỷ đồng nhưng ông Vũ vẫn chưa góp đủ. Ông Vũ đại diện nộp tiền cho Công ty DAC.
Công ty VGROUP được giao phân phối 77 sản phẩm cho Công ty DAC và hưởng tiền môi giới theo quy định. Công ty VGROUP ngộ nhận mình là khách hàng thứ cấp của Hợp đồng mua bán số 17. Thêm vào đó, trong thời gian phân phối sản phẩm, do Công ty VGROUP có hành vi lạm quyền: thu hộ tiền đặt mua vượt mức và không giao nộp tiền và hợp đồng đặt mua về cho Công ty DAC nên Công ty DAC đã có văn bản chấm dứt quyền phân phối của Công ty VGROUP.
Công ty VGROUP đã thu bao nhiêu, kê khai doanh thu, thuế như thế nào đối với các lô đất thuộc quyền sở hữu của Công ty DAC… cho đến nay vẫn chưa quyết toán số liệu cụ thể. Theo quy định của pháp luật và Hợp đồng mua bán số 17 thì không thể chấp nhận các yêu cầu của Công ty VGROUP buộc chủ đầu tư giao 15 sổ đỏ, tiếp tục làm thủ tục cho khách hàng do Công ty VGROUP chỉ định.
Theo kháng nghị giám đốc thẩm của cơ quan Thuế, việc Bản án phúc thẩm buộc Công ty TNHH Phú Long xuất hóa đơn GTGT trực tiếp cho 39 khách hàng của Công ty VGROUP đối với 39 lô đất là vi phạm Thông tư 39 của Bộ Tài chính và Nghị định 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, nguy cơ gây thất thu thuế cho NSNN.