Nhiều ‘ông lớn’ địa ốc kỳ vọng thế nào vào thị trường bất động sản 2022?
Nhiều kế hoạch phát triển lớn được các doanh nghiệp đề ra kỳ vọng sẽ kích thích sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản trong năm 2022.
Trở ngại từ Covid-19 đã làm nhiều dự định trong năm 2021 bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp dồn nguồn lực vào các kế hoạch phát triển mới trong năm 2022 hứa hẹn mở ra một năm tăng trưởng ổn định cho thị trường.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển trong năm 2022 – 2023, đại diện Tập đoàn Van Phuc Group cho biết, năm nay sẽ tiếp tục đầu tư vào KĐT Van Phuc City 10.000 tỷ tập trung phát triển 3 nhóm hạng mục chính là công trình vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ và nhà ở sinh thái ven sông. Bên cạnh đó năm 2022, Van Phuc Group tiếp tục triển khai dòng sản phẩm biệt thự bên hồ Sunlake Villas giai đoạn 2 và lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường dòng sản phẩm căn hộ cao cấp có diện tích từ 55 – 100 m2 tại TP. Thủ Đức.
Tập đoàn Nam Long cho biết đã cơ bản tái cấu trúc công ty thành 3 đơn vị kinh doanh gồm đơn vị phát triển quỹ đất, đơn vị phát triển nhà ở và khu đô thị và đơn vị đầu tư mạo hiểm. Trong năm 2021 ở cấp độ dự án tập đoàn đã bắt tay hợp tác cùng Hankyu Realty – Nhật Bản phát triển khu đô thị Izumi 170 hecta, hợp tác cùng Nishitetsu phát triển khu đô thị Nam Long – Đại Phước 45hecta. Tập đoàn cũng đã mua thêm quỹ đất mới Nam Long – An Đồng- PG Hải Phòng để mở rộng phát triển ra phía Bắc.
Trong giai đọan đầu năm 2022-2023, Nam Long đặt mục tiêu tập trung phát triển các dòng nhà ở vừa túi tiền, trở thành chủ đầu tư các khu đô thị tích hợp có quy mô lớn được phát triển theo mô hình chung khu đô thị tích hợp “modern township” của quốc tế. Bên cạnh đó, Nam Long sẽ đa dạng hóa nguồn thu với nhiều loại hình kinh doanh mới có tiềm năng trưởng mạnh trong 10 năm tới như phát triển và vận hành bất động sản văn phòng, khu công nghiệp, bất động sản bán lẻ, y tế, giáo dục, hợp tác đầu tư mạo hiểm. Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu quỹ đất sạch 681 ha tại những vị trí tốt đảm bảo cho kế hoạch phát triển với hàng loạt cổ đông và đối tác chiến lược quốc tế tên tuổi lớn như Nam Viet Ltd. (thuộc Goldman Sachs), IFC (thành viên ngân hàng thế giới), Ibeworth (tập đoàn Keppel Land), Mekong Capital…Ở mức độ dự án, Nam Long hợp tác cùng các đối tác có kinh nghiệm sâu rộng về bất động sản quốc tế như: Hankyu Hanshin, Nishitetsu Group, tập đoàn Gamuda, Indochina Capital.
Nam Long cũng được IFC- thành viên của World Bank có kế hoạch đầu tư số vốn dự kiến là 44 triệu USD. Đây là tin tốt cho thị trường khi thông qua công ty con Nam Long ADC sẽ tập trung, kiên trì với dòng sản phẩm Affordable Housing đem lại những sản phẩm thương mại vừa túi tiền cho người dân.
Công ty cổ phần địa ốc An Gia cũng chia sẻ kế hoạch phát triển giai đoạn 2022 – 2024, doanh nghiệp dự kiến tung ra thị trường khoảng 11.400 sản phẩm, góp phần đưa doanh thu mỗi năm tăng gấp đôi và đạt 32.500 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, song song với các dự án đang triển khai, An Gia đang tập trung hoàn thiện pháp lý một số dự án tại Bình Chánh, dự án quy mô 27 ha tại Tân Kiên cung cấp ra thị trường khoảng 4.200 sản phẩm bao gồm căn hộ và biệt thự nhà phố thấp tầng. Còn dự án BC 3.1 có quy mô 3,1 ha tại thị trấn Tân Túc, cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai một loạt các dự án ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An… với trọng tâm là sản phẩm nhà ở trong phân khúc trung khá, phục vụ nhu cầu nhà ở thực.
Cũng đặt kỳ vọng lớn vào 2022, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cen Land cho biết, năm 2022 Cen Land đã có một nguồn hàng lớn nhờ hợp tác với các chủ đầu tư khác như Hồng Lam Xuân Thành, Vinhomes, Novaland… Với số tiền thu được gần 2.016 tỷ đồng từ gọi vốn, Cen Land dự kiến nhận chuyển nhượng nhiều BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai.
Đánh giá về những kế hoạch mới của các doanh nghiệp địa ốc, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận định, sự khác biệt rõ rệt trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 của đa số doanh nghiệp địa ốc. Đó không chỉ là kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt, hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường BĐS như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý đã dần sửa đổi, hoàn thiện nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư. Đặc biệt, năm 2022 cũng là năm hoạt động đầu tư công diễn ra mạnh mẽ, nhất là các dự án về hạ tầng được triển khai sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh. Trong bối cảnh mới, các chủ đầu tư sẽ phải định hình được chiến lược đầu tư mới. Năm 2022 sẽ là năm Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án. Ngay với TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu, nên các chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn.
Với số dân hơn 10 triệu người, làn sóng giãn dân đô thị tại TP Hồ Chí Minh sẽ ngày một mạnh mẽ và người dân có xu hướng hướng tới những khu vực xa hơn, nơi quỹ đất còn nhiều và giá đất cũng hợp lý hơn. Những yếu tố này tiếp tục thúc đẩy xu hướng “ly tâm” ra vùng ven của các nhà phát triển BĐS, điều đã diễn ra trong một vài năm qua. Trước đây, sự dịch chuyển này được xem là giải pháp tình thế do các chủ đầu tư buộc phải tìm hướng đi mới vì dư địa khai thác thị trường TP Hồ Chí Minh ngày một khó khăn, nhưng nay câu chuyện này đã khác, khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ dần trở thành tâm điểm mới của thị trường phía Nam.