Nhiều ông lớn phía Bắc lại chuyển hướng đầu tư, đổ bộ các thị trường phía Nam
Sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, mở lại các dịch vụ, thị trường bất động sản bắt đầu tái khởi động. Đáng chú ý, trong sự sôi nổi trở lại, không thể không kể đến động thái “Nam tiến” của các ông lớn miền Bắc.
Đại gia địa ốc phía Bắc “Nam tiến”
Ngay sau giãn cách, nhiều đại gia địa ốc phía Bắc đã công bố kế hoạch Nam tiến. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, thị trường liên tiếp đón nhận thông tin về các kế hoạch “khủng” của các ông lớn bất động sản khu vực này.
Gần đây nhất, Tân Hoàng Minh công bố đầu tư tỷ đô cho quần thể du lịch tại Phú Quốc. Dự án nằm tại Bãi Trường, cách sân bay Phú Quốc 10km. Quần thể có vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng, quy mô 34 ha, bao gồm hệ thống khách sạn 5 sao, 129 shophouse, 76 biệt thự và 15 toà căn hộ khách sạn condotel với khoảng 7.000-8.000 căn… Tổ hợp phát triển theo mô hình khu du lịch mở “một điểm đến mọi nhu cầu” là nơi tích hợp vừa nghỉ dưỡng, vừa vui chơi giải trí.
UBND TP. Cần Thơ cũng vừa chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn T&T khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 3 dự án đầu tư tại quận Bình Thủy và huyện Phong Điền. Cụ thể, 3 dự án đó là, dự án Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 3) quy mô khoảng 219 ha tại hai phường Bình Thủy và Long Hòa, quận Bình Thủy. Dự án thứ hai là thành phố khoa học ứng dụng công nghệ cao Cù Lao Phong Điền quy mô khoảng 260 ha tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Và dự án thứ ba nằm ở khu vực Cồn Sơn quy mô khoảng 75 ha tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.
Hôm 16/10, FLC Group công bố dự án FLC Gia Lai Golf Club & Luxury Resort – quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái ở Tây Nguyên. Theo quảng cáo của chủ đầu tư, dự án thiết kế nhiều tiện ích gồm: khách sạn năm sao, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf 36 hố, công viên bảo tồn bonsai đầu tiên tại Tây Nguyên. Ngoài ra, dự án còn có khu động vật bán hoang dã, trường học liên cấp, bệnh viện đa khoa quốc tế lớn nhất Gia Lai, sân khấu nhạc nước diện tích 15.000 m2, bể bơi vô cực…
Cũng lựa chọn khu vực Tây Nguyên như FLC, Tân Á Đại Thành đã đưa ra phương án quy hoạch sơ bộ với dự án khu đô thị trung tâm hành chính ở Đắk Lắk. Doanh nghiệp này cho biết, dự án có diện tích khoảng 72 ha, vị trí tại thôn 9 xã Ea Đar, giáp với khu trung tâm hành chính mới của huyện. Dự án bao gồm hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với Quốc lộ 26. Trong đó lấy cụm công trình trụ sở UBND, trung tâm thương mại và công viên cây xanh làm trung tâm… với tổng mức đầu tư dự kiến trên 2.700 tỷ đồng.
Lý giải xu hướng Nam tiến của các ông lớn phía Bắc
Trên thực tế, xu hướng các ông lớn phía Bắc “Nam tiến” đã có từ khá lâu, gắn với giai đoạn thị trường bất động sản hồi phục sau khủng hoảng 2010-2013. Đi theo làn sóng Nam tiến của các ông lớn còn là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. Thời điểm thị trường sôi động sau khủng hoảng 2010-2013, các nhà đầu tư phía Bắc chiếm môt tỉ lệ không nhỏ trong các buổi mở bán của nhiều dự án phía Nam. Khi đó, các chủ đầu tư phía Nam cũng thường xuyên tổ chức mở bán ngoài Hà Nội để thu hút tập khách hàng là nhà đầu tư phía Bắc. Khoảng hơn 2 năm qua, thị trường bất động sản chứng kiến thêm làn sóng chủ đầu tư phía Nam “Bắc tiến”, nhưng nhìn chung, làn sóng này không mạnh mẽ bằng xu hướng các ông lớn phía Bắc “Nam tiến”.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản phía Nam có sự bài bản, chuyên nghiệp cao hơn phía Bắc. Khu vực phía Bắc, như thị trường Hà Nội, trong một số trường hợp, việc phát triển dự án lại dựa trên các yếu tố thân quen, có quan hệ. Chính bởi vậy, các ông lớn và các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng Nam tiến do thấy được sự hấp dẫn, cởi mở của thị trường phía Nam. Trong khi đó, các nhà đầu tư phía Nam khi ra Hà Nội nếu không thích ứng được với thực tế thì rất khó phát triển. Nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam sau khi Bắc tiến một thời gian đều từ từ rút, chỉ còn lại một số ít chủ đầu tư có sự thích ứng, linh hoạt nên “trụ” lại với thị trường.
Cũng theo ông Đính, quy mô của thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh và miền Nam nói chung lớn hơn so với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Những năm qua, các chủ đầu tư ở Hà Nội bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, đầu tư tiện ích và cải thiện quy trình bàn giao nhưng chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam. Trong con mắt của các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh và phía Nam, nhìn chung, cơ hội Bắc tiến không nhiều và không tiềm năng như thị trường miền Nam.