Xu hướng “Nam tiến” không còn, nhà đầu tư chuyển hướng về thị trường Hà Nội
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đất nền vùng ven Hà Nội và các thị trường vệ tinh liên tục nóng sốt, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2021. Nhiều nhà đầu tư dần bẻ lái sang “đánh bắt gần bờ” thay vì xu hướng “Nam tiến” như thời gian trước.
Sau giai đoạn khủng hoảng bất động sản năm 2008-2010, phía Nam nhanh chóng tạo sức hút khi liên tiếp sôi động với các con sóng hiện diện ở nhiều điểm nóng từ thành phố Thủ Đức, khu Nam, khu Tây TP Hồ Chí Minh và các thị trường vệ tinh Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Bên cạnh đó, phía Nam còn có lợi thế lớn trong phát triển bất động sản nghỉ dưỡng với đường bờ biển dài và đặc trưng khí hậu nóng ẩm quanh năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản phía Bắc lại bình lặng với những cơn sốt nhỏ, lẻ tẻ, ăn theo những biến động về quy hoạch, hạ tầng.
Thời điểm đó, các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng “Nam tiến” để tìm cơ hội đầu tư. Thế nhưng, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện cùng hệ lụy giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, cùng với đó là thị trường dậy sóng với hàng loạt cơn “sốt đất” diễn ra khắp mọi nơi đã khiến xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư phía Bắc có sự thay đổi. Thay vì những cuộc “viễn chinh xa xôi”, giới đầu tư phía Bắc đã chọn những điểm đầu tư gần thủ đô.
Sự “trỗi dậy” của thị trường BĐS Hà Nội
Theo khảo sát của batdongsan.com, nếu năm 2019, các thị trường được nhà đầu tư Thủ đô quan tâm gồm Hà Nội (53%), TP Hồ Chí Minh (17%), Bình Dương (5%), Đà Nẵng (4%) thì bước sang quý 1/2021 xu hướng người Hà Nội chủ yếu mua bất động sản tại Hà Nội (86%), TP Hồ Chí Minh chỉ còn 2%, các tỉnh khác như Hoà Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Hải Phòng chỉ chiếm 1-2%.
Thực tế cho thấy, hiện nay 3 lực đẩy mạnh nhất cho thị trường bất động sản Hà Nội là đồ án quy hoạch sông Hồng vừa được công bố, hàng loạt công trình giao thông lớn đã hoàn thiện, cùng với đó là sự khan hiếm nguồn cung mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng đồ án quy hoạch Sông Hồng vừa được công bố, cùng với hàng loạt công trình giao thông lớn đã hoàn thiện, cộng thêm sự khan hiếm nguồn cung là những nguyên nhân chính khiến cho thị trường BĐS Hà Nội “tăng nhiệt” thời gian qua. Dự báo giá sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là phân khúc nhà ở thấp tầng trong bối cảnh Hà Nội đang ngày càng mở rộng về phía tây.
Cụ thể, tháng 3 vừa qua, thông tin đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được nghiên cứu trên không gian dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở với diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn 13 quận, huyện đã tác động đến tâm lý thị trường khiến giá đất tại hàng loạt khu vực Đông Anh, Long Biên… tăng chóng mặt, có những nơi giá được đẩy 30% chỉ trong vòng vài ngày.
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cho hay đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên sau thời gian “nóng sốt”, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh. Mặc dù vậy, nhu cầu của nhà đầu tư vẫn rất mạnh và họ có xu hướng tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn hơn.
Cùng quan điểm với ông Đính, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, mặc dù cơn sốt đất nền tại các tỉnh có thể đi qua nhưng mức giá sẽ khó giảm mạnh. Nguyên nhân bởi hầu hết nhà đầu tư trên thị trường đều có tiềm lực tài chính nên sẽ không có chuyện bán tháo cắt lỗ mạnh mà giá chỉ giảm nhẹ, giao dịch sẽ chững lại trong bối cảnh thị trường thiết lập mức giá mới.
Theo ông Quốc Anh, Hà Nội vẫn là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư hiện nay bởi giá bất động sản tại Hà Nội mới chỉ bằng 2/3 giá nhà đất tại Sài Gòn: “Thị trường bất động sản Hà Nội đang ở thời kỳ tăng trưởng gần giống Sài Gòn cách đây 2-3 năm. Nếu cách đây 5 năm, bất động sản Hà Nội luôn cao hơn Sài Gòn thì nay tình hình đã đảo ngược khi giá bất động sản Hà Nội hiện chỉ bằng 2/3 Sài Gòn”.
“Đây cũng là nguyên nhân từ đầu năm 2021 nhiều nhà đầu tư chọn Hà Nội là nơi dừng chân. Con số cho thấy nếu trước kia 53% nhà đầu tư Hà Nội chọn Hà Nội để đầu tư thì đến nay con số này đã tăng lên 86%. Trong bối cảnh cơn sốt thị trường tỉnh lẻ hạ nhiệt nhiều khả năng Hà Nội sẽ tiếp tục là vùng trũng hút dòng tiền của nhà đầu tư”, ông Quốc Anh cho biết.