Nhìn lại 5 sự kiện gây 'chấn động' thị trường địa ốc năm 2023
Từ đầu năm đến nay, với các động thái thúc đẩy quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, thị trường bất động sản đã ghi nhận chuyển biến nhất định. Nhiều khả năng, năm 2023 là thời điểm để bất động sản Việt Nam “nằm vùng” chờ cơ hội phục hồi.
Chính phủ tích cực “tung chiêu” gỡ khó cho bất động sản
Thị trường bất động sản bước vào năm 2023 với hàng loạt khó khăn, vướng mắc chờ đợi được tháo gỡ. Trong bối cảnh đó, cuối tháng 1/2023, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 03 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,…
Tiếp đó, tại phiên họp thường kỳ ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp,...
Ngày 17/2, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Buổi làm việc có sự tham gia của các tập đoàn bất động sản hàng đầu cả nước như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Becamex, GP Invest...
Ngay sau hội nghị, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng...
Bộ Xây dựng có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai Nghị quyết 33, định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Các địa phương có nhiệm vụ kết luận các dự án bất động sản đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để các dự án sớm được tiếp tục triển khai nhất là các dự án lớn. Chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án.
Về phía các doanh nghiệp cần cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa...
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến cuối tháng 9, TP. HCM đã giải quyết vướng mắc cho 67/180 dự án bất động sản, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án. Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Mới đây nhất, ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành thêm Công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nhà ở xã hội được “tiếp sức” bằng gói tín dụng 120.000 tỷ
Ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, hay còn được gọi là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo đó, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng. Tuy nhiên, cơ chế vay do các ngân hàng này tự quyết định bằng nguồn vốn của tổ chức.
Mức lãi suất của gói tín dụng này sẽ giảm 1,5% so với mức cho vay thông thường đối với với các chủ đầu tư tham gia phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Đối với người mua sẽ được hỗ trợ giảm 2%.
Tại phiên họp Quốc hội sáng 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố danh 53 dự án tham gia chương trình. Đến tháng 11, đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.
Condotel được cấp sổ hồng
Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Một trong những điểm đáng chú ý được bổ sung tại Nghị định này là các công trình lưu trú du lịch được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất (sổ hồng) theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Nghị định số 10 được xem là tín hiệu vui với những nhà phát triển dự án, người mua sản phẩm căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và các loại công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ, kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc tồn tại bấy lâu trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel.
Kể từ khi Nghị định 10 có hiệu lực từ ngày 20/5, thị trường condotel sau đó đã có những tín hiệu ấm dần, song đến nay nhìn chung vẫn chưa có sự phục hồi rõ rệt. Theo giới chuyên gia, để tháo gỡ hàng loạt vướng mắc pháp lý của loại hình này, cần thêm những chính sách tháo gỡ cụ thể, đồng bộ giữa các luật hiện hành.
Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua
Ngày 27-28/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cả hai luật này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và có nhiều điểm mới.
Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép cấp sổ hồng đối với căn hộ chung cư mini; không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; Tổng Liên đoàn Lao động được xây NOXH; bãi bỏ điều kiện cư trú trong quy định hưởng chính sách hỗ trợ NOXH; chuẩn hóa quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cho phép người Việt Nam ở nước ngoài có quyền kinh doanh bất động sản; doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng; chủ đầu tư chỉ được thu tiền cọc tối đa 5% giá bán; không thu quá 95% giá trị hợp đồng nếu chưa cấp sổ; siết chặt phân lô, bán nền; khuyến khích giao dịch qua sàn thay vì bắt buộc.
Năm ngấm đòn của thị trường bất động sản
Báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường bất động sản nửa đầu năm nay tiếp tục tình trạng trầm lắng kéo dài của 2022. Nửa cuối năm, thị trường có những tín hiệu tích cực hơn, biểu hiệu rõ ràng nhất ở các phân khúc đất nền, chung cư có thanh khoản hơn.
Tuy nhiên, nếu tính đến hết quý III, có khoảng hơn 320.000 giao dịch thành công, ước đạt hơn 41% của năm 2022. Như vậy, lượng giao dịch sau ba quý vẫn chưa bằng nửa của năm ngoái. Chủ yếu giao dịch thành công trong phân khúc đất nền và chung cư, nhưng cũng chỉ bằng hơn 35% của năm 2022. Trong đó, lượng giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ chỉ bằng hơn 63% so với năm 2022.
Số liệu từ Tổng cục thống kê còn cho thấy, tổng cộng 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so cùng kỳ.