Những thương vụ M&A tỷ đô sắp đổ bộ ngành ngân hàng?

Nếu như năm 2021, thị trường M&A công ty tài chính tiêu dùng dậy sóng, thì năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại.

Nếu như năm 2021, thị trường M&A công ty tài chính tiêu dùng dậy sóng, thì năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại.

Hơn một năm trở lại đây, thị trường mua bán – sáp nhập  (M&A) ngành tài chính – ngân hàng liên tục thiết lập kỷ lục mới. Cuối tháng 10/2021, VPBank chính thức hoàn tất thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác SMBC (Nhật Bản), thu về gần 1,4 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Theo tìm hiểu, trong năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại.

Đầu tiên là thương vụ VPBank bán 15% cổ phần ngân hàng mẹ sẽ diễn ra vào quý 1/2022. Dự kiến thương vụ này sẽ mang về cho VPBank giá trị tương đương thương vụ bán 49% FECredit.

Manh nha một thương vụ M&A có giá trị tỷ USD khác có thể diễn ra nay mai là BIDV chào bán riêng lẻ 8,5% cổ phần. Tuy phía ngân hàng chưa tiết lộ gì về quá trình chào bán riêng lẻ số cổ phần này nhưng với thị giá cổ phiếu hiện nay, BIDV có thể thu về khoảng 14.000 tỷ đồng nếu chào bán thành công.

Trước đó, cuối năm 2019 BIDV từng phát hành riêng lẻ 603,3 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với giá chào bán 33.640 đồng/cổ phần thu về gần 20.300 tỷ đồng, tương đương 875 triệu USD. Thời điểm đó, đây là thương vụ M&A ngành tài chính - ngân hàng có giá trị khủng nhất.

Thương vụ này đã giải quyết cơn khát vốn cho BIDV. Nguồn tiền từ nhà đầu tư chiến lược giúp CAR của nhà băng này giữ được ở mức 8,77% vào cuối năm 2019.

Những thương vụ M&A tỷ đô sắp đổ bộ ngành ngân hàng? - Ảnh 1

Một thương vụ M&A khác dù đã lên kế hoạch từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được Vietcombank triển khai. Cụ thể, Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn cho khối ngoại mà đối tượng hướng đến là đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản. Nếu năm 2022 thương vụ này thành công, Viecombank sẽ thu xấp xỉ 30.000 tỷ đồng.

Loạt ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng đang rục rịch tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược. Tương tự, OCB cũng đang chuẩn bị bán tiếp 10% vốn cho đối tác nước ngoài. Trong báo cáo cập nhật vừa công bố, SSI Research cho biết OCB đang đàm phán với một số nhà đầu tư về phát hành riêng lẻ. Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn từng cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng là khoảng 19,5% và còn khoảng hơn 10% sẽ được OCB bán tiếp.

Ngoài ra, theo kế hoạch tăng vốn năm nay, Nam A Bank cho biết sẽ hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiện room ngoại tại Nam A Bank còn nguyên 30%. Tuy nhiên, sắp kết thúc năm tài chính 2021 kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa triển khai. Khả năng kế hoạch này sẽ thực hiện trong năm 2022.

Tương tự, đầu năm 2021, LienVietPostBank tiết lộ ngân hàng chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm 2021. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin cập nhật về tiến độ này. 

Việc huy động vốn ngoại để tăng tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh luôn được ngân hàng trong nước chủ động. Vì vậy, cả những nhà băng còn nguyên room hay gần cạn room cũng muốn tìm cơ hội.

Dù một số nhà băng đã cạn room vốn ngoại (30%), song theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank).

Hà Phương (T/h)

Theo Sở hữu trí tuệ