Ôm tiền qua Malaysia đầu cơ nhà đất, đại gia Việt mắc kẹt ở 'thiên đường'
Mặc dù được cảnh báo trước về khả năng “đóng băng” nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn choáng ngợp trước quy mô khổng lồ cũng như sự đầu tư bài bản của dự án bất động sản (BĐS) ở Malaysia.
Khu căn hộ Ataraxia Park thuộc Forest City - Malaysia
Lời ảo, lỗ thật ở “thiên đường” hoang vắng
Chị Trần Thu Hằng, một nhà đầu tư cá nhân tại quận 5 (TP. HCM) cho hay, trong chuyến du lịch tìm hiểu đầu tư BĐS tại Malaysia vào đầu năm 2022, gia đình chị đã quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng (giá trị quy đổi) mua 1 căn hộ biển có diện tích 65m2 tại dự án Forest City được mệnh danh là “Thiên đường” xanh tại Malaysia. Nhưng, hiện nay việc cho thuê rất khó khăn chưa tới 10 triệu đồng/tháng, và bán lại thì hầu như không có khách mua.
Cùng đầu tư ở đây, anh Vũ Châu, ở quận 8 cho biết, mặc dù được cảnh báo trước về khả năng "đóng băng" nhưng nhiều du khách Việt Nam trong đó có vợ chồng anh vẫn choáng ngợp trước quy mô khổng lồ, cũng như sự đầu tư bài bản của dự án Forest City đã 6 năm qua nên quyết định mua một căn biệt thự với giá trên 9 tỷ đồng. Dẫu vậy, hiện tại gia đình anh quyết định bỏ cọc, số tiền mất khoảng 1.9 tỷ đồng do không thanh khoản được BĐS ở quận 1 (TP. HCM).
Anh Châu cho hay, mới bay sang vào thời điểm này, các khu vực trọng điểm của Forest City như sân goft chuẩn quốc tế Golf Resort, khu vực café và nhà ăn thưa thớt người qua lại. Cách đó khu căn hộ cao cấp gần biển cũng chẳng khá hơn khi chỉ lác đác vài bóng người qua lại ở khu giải trí ngoài trời, dù khu vực này có tầm nhìn phóng sang Singapore khá đẹp. Dọc quanh bãi biển các bảng cấm tắm được dựng lên vì không có nhân viên cứu hộ làm việc. Còn trên khu vực Shophouse có đến quá nửa các cửa hàng treo bảng ngừng hoạt động.
Nói về lý do đầu tư tại đây, anh Châu thổ lộ, do thông tin vĩ mô tốt, ví dụ nguồn thu từ khách du lịch tăng lên trong 5 năm qua, từ mức 78,6 triệu Ringgit (hơn 400 tỷ đồng) năm 2015 lên 91 triệu Ringgite năm 2019 (461 tỷ đồng). Các nhà đầu tư từ lâu đã xem Malaysia là điểm đến yêu thích bởi nền kinh tế tại đây luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, với tỉ lệ 4,5 - 5,5%/năm.
Mặt khác, giá nhà tương đối thấp, là hai yếu tố biến vùng đất này trở thành “nam châm” thu hút hàng loạt nhà đầu tư quốc tế. Riêng dự án mà anh đầu tư có khoảng 300 khách hàng người Việt.
Còn chị Thu Hằng cho hay, qua nghiên cứu chị thấy giá nhà đất tại Kuala Lumpur lại rẻ hơn rất nhiều so với ở các đô thị lớn trong cùng khu vực. Từ sân bay KUL về đến thủ đô Kuala Lumpur (chừng 50km), dọc hai bên đường cao tốc, rất nhiều khu nhà ở dân cư mới mọc lên có giá rất hấp dẫn nếu so sánh với thị trường Việt Nam. Đơn cử, một biệt thự độc lập giá từ 7- 9,5 tỷ đồng, còn nhà liền kề giá khoảng 2,3 – 4 tỷ đồng.
“Từ năm 2002, Bộ Nội vụ Malaysia đã đưa ra chương trình Malaysia My Second Home (MM2H) để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tài sản. Riêng sở hữu căn hộ Forest City, chính quyền cho phép miễn thị thực dài hạn tới 10 năm. Với mức thời gian dài như vậy, cư dân nước ngoài được sinh sống làm việc tương tự như công dân Malaysia và hưởng những ưu đãi không tưởng như miễn phí giáo dục, y tế, đó là điều hấp dẫn tôi đầu tư”, chị Hằng nói.
Trước đó, năm 2018, gia đình em trai chị Hằng cũng từng mua căn hộ tại dự án Star Residences Two toạ lạc ở thủ đô Kuala Lumpur do Anpha Holdings (Việt Nam) và PropNex International (Singapore) xây dựng cũng được giới thiệu cho các nhà đầu tư Việt Nam theo chương trình MM2H.Thời điểm đó, nhà đầu tư Trung Quốc cũng sang Malaysia mua nhà đất, chung cư kéo theo làn sóng đầu tư bởi vị thế rất gần Singapore.
Nhưng hiện tại, việc bán lại căn hộ rất khó, hầu như không có người hỏi mua. Còn tại đại dự án Forest City cũng không khá hơn. Nhiều quảng cáo bán căn hộ 48m2 ở Jorhor với giá chỉ khoảng 2,1 tỷ đồng, trong khi 2 năm trước đó là hơn gần 4,7 tỷ đồng để mua một căn tương tự.
Ngậm trái đắng chờ tương lai
Chị Tường Vy, giám đốc pháp chế của một quỹ đầu tư BĐS tại TP. HCM nhận định: “trái đắng” xuất phát từ lý do khách quan, sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc bị “chôn chân” vì đại dịch. “Lệnh giãn cách ở Trung Quốc khiến giới đầu tư BĐS của quốc gia này “bất động”.
Tuy nhiên, hị Vy tỏ ra không bi quan, vì đơn cử một căn hộ ở Linbag mà chị đang tìm hiểu có giá tầm 5 tỷ đồng (3 phòng ngủ, diện tích 100m2), nằm ngay khu phố thương mại sầm uất lâu đời của Jorhor Bahru và bàn giao vào năm 2026. Số tiền bỏ ra để sở hữu một căn hộ ở Jorhor Bahru thấp hơn vị trí tương tự ở TP. HCM tầm 45%.
Mặt khác, người nước ngoài mua nhà sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ. Chẳng hạn, nếu không có đủ tài chính, nhà đầu tư Việt có thể vay ngân hàng trong thời hạn 20 năm với lãi suất lãi suất tương đương lãi suất mua ô tô, tức khoảng 2-4%/năm. Ngoài ra, người nước ngoài còn được quyền sở hữu tài sản BĐS, được cấp visa ưu tiên và miễn thuế mua một chiếc ô tô.
Còn ông Liu Chang, một nhà đầu tư từ Trung Quốc cho hay, tiềm năng đầu tư địa ốc của Jorhor Baru vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng khi chính quyền ở đây đang có kế hoạch thúc đẩy giao thương. Nổi bất nhất là dự án xây dựng hệ thống metro trực tiếp từ Singapore sang Malaysia trong vòng 8 phút, với khoảng 10.000 lượt khách mỗi giờ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026.
“Năm 2021, đã có 341 triệu Ringgite (hơn 1.600 tỷ đồng) đầu tư vào Jorhor Bahru. Dự kiến con số đầu tư sẽ tăng lên 400 triệu Ringgite (hơn 2.000 tỷ đồng) vào năm 2025. Tốc độ phát triển như vậy được ví như Hàng Châu 10 năm trước”, ông Liu Chang nói.
Ông cho biết cũng bởi vì các nhà đầu tư Trung Quốc chưa hoạt động trở lại nên đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước khác tham gia vào các vị trí đắc địa ở đây với mức giá hấp dẫn. Bản thân ông cũng đang thử sức với dự án BĐS hơn 15.000 m2 đối diện mặt biển và cách tuyến metro nối hai quốc gia đang xây dựng khoảng 10 phút đi bộ.
“Tôi nghĩ việc bỏ cọc của một số nhà đầu tư Việt là do đứt gãy dòng tiền trong nước, còn sản phẩm địa ốc của Malaysia có chất lượng tốt, cho thuê cũng thu về tương đương với cho thuê nhà ở TP. HCM, quan trọng là giá cả sản phẩm còn rẻ và có dư địa tăng trưởng, ông Chang cho hay.
Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là những tính toán của các ông chủ dự án, các nhà môi giới... còn nhà đầu tư Việt chỉ còn biết ngậm 'trái đắng' chờ tương lai