'Sau Tết Quý Mão, bất động sản sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm'
TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam dự báo, sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh, lúc đó thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm.
- Nhìn lại thị trường bất động sản 5 năm trở lại đây, ông có đánh giá gì?
Ông Nguyễn Văn Đính: Trong 5 năm trở lại đây, nguồn cung có xu hướng giảm rõ rệt, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Tổng nguồn cung căn hộ mới giai đoạn 2018 đến 9 tháng năm 2022 gần 300 nghìn sản phẩm. Năm 2017 - 2018, thị trường chứng kiến sự bùng nổ ở các phân khúc bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 đạt gần 180.000 sản phẩm.
Đến giữa năm 2019, chính quyền triển khai rà soát pháp lý, rất nhiều dự án không thể triển khai được theo đúng tiến độ khiến nguồn cung sản phẩm ra thị trường giảm sút nghiêm trọng, tổng nguồn cung căn hộ mới đạt 110.000 sản phẩm.
Năm 2020, đại dịch toàn cầu Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và thị trường bất động sản. Nguồn cung tiếp tục khan hiếm, giảm còn hơn 90.000 sản phẩm (tương đương 50% năm 2018). Công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án… phải dừng hoặc lùi vô thời hạn, giao dịch sụt giảm. Cuối năm 2020, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cực thấp, nhà nước triển khai nhiều gói kích cầu nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.
Bước sang đầu năm 2021, thị trường đón nhận hàng loạt cơn sốt đất trên diện rộng. Số lượng các nhà đầu tư bất động sản tham gia thị trường tăng cao chưa từng có, tỷ lệ thuận với số lượng các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán. Trái phiếu doanh nghiệp nở rộ, doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 27,7% tổng khối lượng phát hành.
Dù vậy, năm 2021, thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm.
Tổng cung 9 tháng năm 2022 đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 24% so với năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ trung bình chỉ đạt 43%. Riêng quý III, giảm mạnh so với quý I + II, chỉ đạt 33,5%; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với việc thiếu nguồn cung trầm trọng, giá bất động sản bị đẩy quá cao, không phù hợp nhu cầu người dân. Trong đó, áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, nhân công, giá đất, chi phí vốn và lạm phát tăng cao đã gây áp lực lên giá thành bất động sản. Dù những tháng cuối năm 2022 giá có giảm, nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm 2018. Việc cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn.
- Thị trường bất động sản năm 2022 có phải đang lặp lại chu kỳ khủng hoảng, thưa ông?
Nhìn lại quá khứ, năm 2007 thị trường bất động sản bùng nổ, tạo bong bóng, đến năm 2008 đóng băng, sau đó quay lại bong bóng vào năm 2009. Giai đoạn 2010 - 2013, thị trường tiếp tục quay trở lại thời kỳ đóng băng, tạo ra khoảng gần 40.000 căn hàng tồn kho khó bán, tương đương giá trị 95.000 tỷ đồng. Nợ xấu lên đến gần 9% dư nợ tín dụng, buộc Chính phủ phải thành lập tổ chức mua bán nợ. Ở thời điểm đó, nhu cầu mua nhà của người lao động rất lớn nhưng hàng tồn kho vẫn bị đóng băng, nghịch bởi căn nhà quá lớn, giá trị quá cao, khó tiêu thụ.
Nguyên nhân dẫn đến thị trường đóng băng là năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dòng vốn FDI tăng vọt (năm 2007 tăng 30% so với 2006; năm 2008 tăng 43% so với 2007) cùng với dòng tiền chốt lời khi chứng khoán đạt đỉnh 1.140 điểm đổ vào bất động sản khiến thị trường bất động sản bùng nổ.
Còn năm 2008, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Việt Nam suy thoái, lạm phát và nợ xấu tăng nhanh (cả năm 2009 tăng 19,89%), lãi suất vay ngân hàng rất cao (23-24%/năm). Chính sách thắt chặt tín dụng (tăng trưởng tín dụng năm 2008 là 22%) của Chính phủ nhằm kiểm soát bóng bóng bất động sản và kiềm chế lạm phát khiến giá nhà đất lao dốc mạnh, giao dịch nguội lạnh vì thiếu dòng tiền.
Để kích cầu đầu tư, năm 2009, Chính phủ thực hiện chính sách nới lỏng và cấp gói tín dụng tương đương khoảng 1 tỷ USD cho nền kinh tế nhưng không kiểm soát và định hướng, phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh nên dòng vốn bị chảy vào đầu tư bất động sản nhiều làm thị trường bất động sản lại bùng nổ và tiếp tục hiện tượng bong bóng.
Năm 2011, do đầu tư nhiều nhưng không nắm được thực chất nhu cầu sử dụng nên bất động sản hầu hết bị đẩy giá. Hơn nữa, bất động sản khi đó được làm diện tích rất lớn, không phù hợp nhu cầu thị trường, dẫn đến không tiêu thụ được, thị trường đóng băng hoàn toàn. Điều này kéo theo tình trạng nợ xấu tăng vì dự án không có doanh thu.
Còn thị trường giai đoạn năm 2022, các doanh nghiệp phát triển dự án và các nhà đầu tư, khách hàng rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng không thuận lợi, tỷ lệ phát hành thành công rất nhỏ. Nhiều dự án bất động sản phải tạm dừng hoạt động, xuất hiện nhiều hơn hiện tượng chào mới, chuyển nhượng dự án nhưng tỷ lệ quan tâm và giao dịch cũng không đáng kể. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh và cắt giảm bộ máy nhân sư.
Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật có dấu hiệu không còn phù hợp, không theo kịp tốc độ phát triển, vô tình tạo thành những điểm nghẽn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư. Chính vì vậy, các dự án bất động sản chậm nhịp tham gia thị trường, tạo sự khan hiếm nguồn cung nhất thời ở giai đoạn này.
Do khan hiếm nguồn cung cộng với áp lực tăng giá đầu vào nên giá bất động sản bị đẩy lên cao bất thường thậm chí vượt khả năng chi mua, dẫn đến tính thanh khoản thị trường yếu. Cơ cấu nguồn cung trên thị trường không hợp lý, nguồn tồn kho hầu hết là sản phẩm cao cấp, phục vụ đầu tư, trong khi rất hiếm sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực như nhà ở bình dân, giá rẻ, nhà cho công nhân, cho thuê, nhà ở xã hội...
Sau một giai đoạn dòng tiền “dễ” đầu năm 2022 được bơm vào thị trường, không được kiểm soát tốt dẫn đến dòng tiền hướng vào hoạt động đầu tư, đầu cơ tạo sốt đất, bong bóng ở một số khu vực. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước lại đột ngột “đạp phanh” tạo hiện tượng dừng lại mọi hoạt động đầu tư trên thị trường khiến doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động phát hành trái phiếu thực hiện theo Nghị định 65, rất chặt chẽ và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế các nhà đầu tư trái phiếu ở Việt Nam chỉ có thể đáp ứng 10-20% điều kiện của quy định mới này nên phát hành trái phiếu của doanh nghiệp vẫn chưa đạt hiệu quả.
- So sánh giữa 2 giai đoạn này, ông thấy có những điểm giống và khác nhau nào?
So sánh giai đoạn 2008-2013 với năm 2022 có điểm giống là đều phát triển nóng, nguồn vốn chảy vào bất động sản mạnh, không kiểm soát được hoạt động đầu tư, đầu cơ bất động sản. Do vậy, dẫn đến thị trường bất động sản bị đẩy giá, tạo sốt, hiện tượng bong bóng, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, khó tiêu thụ. Từ đó, nhà nước phải sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để điều chỉnh và ổn định nền kinh tế dẫn tới các doanh nghiệp khó huy động vốn.
Doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án và tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm có giá phù hợp tại các dự án mới.
Nhìn chung ở hai giai đoạn, nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của nền kinh tế thế giới. Do vậy, phải áp dụng chính sách tiền tệ để điều chỉnh vĩ mô. Đều có hiện tượng bơm vốn vào thị trường bất động sản, ồ ạt mà không kiểm soát. Dẫn đến bùng nổ bong bóng bất động sản và trầm lắng.
Tuy nhiên, sự khác biệt ở hai thời kỳ là giai đoạn 2008 - 2013, thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, sức khỏe nguồn lực quốc gia yếu. Thị trường bất động sản có dấu hiệu khủng hoảng bởi cung thừa hàng hóa là rất lớn nên chính sách vĩ mô khi đó phải giải quyết để phá băng hàng tồn quá lâu.
Còn năm 2022, nền kinh tế ổn định, nguồn lực quốc gia tốt. Thị trường bất động sản không có dấu hiệu khủng hoảng bởi lực cầu rất mạnh và lượng cung yếu tạm thời. Khẳng định tạm thời vì cung ít, nhưng chưa phù hợp nhu cầu hiện tại. Nguồn cung trong tương lai là rất nhiều, nhưng đang phải đợi được chính sách điều chỉnh mới có thể cung cấp vào thị trường, ước lượng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
- Với thực trạng hiện nay, ông dự báo thị trường bất động sản năm 2023 sẽ ra sao?
Theo quan điểm của tôi sẽ có 2 kịch bản xảy ra với thị trường bất động sản trong năm 2023. Thứ nhất, sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh, lúc đó thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm. Kịch bản thứ hai là năm 2023, thị trường khả năng vẫn còn khó bởi dòng vốn chưa được khơi thông.
Tuy nhiên, tôi dự báo thị trường khả năng xảy ra theo kịch bản 1. Do vậy, để thích ứng, doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, đồng thời tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới. Khi đó thị trường sẽ lưu thông và thanh khoản tốt hơn.
- Là lãnh đạo Hiệp hội, ông có kiến nghị giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời gian tới?
Để tháo gỡ, kích hoạt thị trường nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa rất cần phải thúc đẩy hoạt động phát triển cho các dự án bất động sản phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tổ Công tác của Chính phủ có thể đề xuất một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ cho những dự án cấp thiết, phù hợp với phần lớn nhu cầu của xã hội. Cơ chế cho các dự án thương mại cao cấp nếu chuyển đổi thành sản phẩm phù hợp với đại bộ phận người dân, bổ sung ưu tiên cấp nguồn vốn và điều chỉnh chính sách để khơi thông nguồn vốn cho những dự án có tính chất nêu trên.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa luật, nội dung sửa cần bám sát thực tế, phải thực sự tháo gỡ được điểm nghẽn đang hiện hữu. Nếu còn vướng mắc thì còn phải sửa, không nên vội vã phê duyệt, nhất là Luật Đất đai, đồng thời quá trình sửa luật cần thường xuyên được cập nhật, công khai để xã hội nắm bắt, củng cố niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư.
Cuối cùng, các dự án nên chủ động bám sát nhu cầu thị trường, xây dựng chính sách sản phẩm phù hợp với đa số nhu cầu của thị trường, người dân, điều chỉnh các dự án phát triển chưa phù hợp theo hướng phù hợp hơn.