TS Nguyễn Văn Đính: “Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng khoảng 1-2% cho thị trường bất động sản”

Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi dòng vốn chảy vào bất động sản bị hạn chế. Theo đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, Ngân hàng nhà nước nên nới room tín dụng khoảng 1-2% cho thị trường bất động sản, tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia, tạo nền tảng để thị trường sôi động trở lại.

Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn trong 10 năm đổ lại đây.

Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đây là một năm đầy khó khăn của thị trường bất động sản khi cả nguồn cung và giao dịch đều giảm mạnh. Cụ thể, tổng cung toàn thị trường chỉ đạt hơn 22.000 sản phẩm – con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, chỉ bằng 1/7 so với năm 2018. Giao dịch thị trường cũng giảm mạnh khi chỉ đạt hơn 11.000 giao dịch, bằng 1/10 so với năm 2018.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết một trong những thách thức lớn nhất của thị trường chính là dòng vốn. Khó khăn về dòng tiền khiến nhóm doanh nghiệp trên thị trường đối mặt với hàng loạt thách thức lớn.

Với doanh nghiệp là các chủ đầu tư bất động sản, ngoài 20% tiền mặt có sẵn thì để triển khai dự án, họ bắt buộc phải đi vay. Thế nhưng các kênh dẫn vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản đều đang bị siết chặt khiến hoạt động của các doanh nghiệp bị gián đoạn. Họ buộc phải dừng, hoãn các dự án đang triển khai. Doanh thu sụt giảm khiến họ buộc phải cắt giảm, sa thải nhân sự để có thể tiếp tục vận hành bộ máy. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy là sự phá sản của các doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, sẽ gây ra những đổ vỡ của nền kinh tế.

Trước những khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt, ông Đính kiến nghị cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa luật, nhưng nội dung sửa cần bám sát thực tế để tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong công tác xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án, tạo hành lang thông thoáng để thúc đẩy nguồn cung thị trường.

Ngân hàng nhà nước nên nới room tín dụng khoảng 1-2% cho thị trường bất động sản, tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia, tạo nền tảng để thị trường sôi động trở lại. Theo ông Đính, ngân hàng chỉ cần kiểm soát tốt dòng tiền để nó chảy đúng đối tượng, đúng mục đích, dành nguồn vốn tín dụng áp dụng riêng cho các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

TS Nguyễn Văn Đính: “Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng khoảng 1-2% cho thị trường bất động sản” - Ảnh 1

Song song với đó, ông Đính cho rằng các các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần có sự thay đổi về chính sách phát triển sản phẩm, cơ cấu lái ản phẩm, hướng tới sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực của đại chúng, những người lao động, công chức, thu nhập thấp,... để cân bằng thị trường, phát sinh giao dịch giúp thị trường sôi động trở lại.

Cũng nhằm mục đích gỡ khó về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, đề xuất nới 1% room tín dụng. Trong văn bản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền, mà nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Hiệp hội cho rằng, các giải pháp xử lý không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết. Đi đôi với đó là một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.

HoREA cũng cho rằng, một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão. Hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản chỉ còn tập trung trong tháng 12/2022 đến ngày 06/01/2023 với tổng cộng 36 ngày.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1%, tức nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.

HoREA đề nghị các tiêu chí để các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế…

“Nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống