SCIC dự kiến đầu tư 6.800 tỷ đồng thông qua việc mua cổ phần Vietnam Airlines
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến sẽ đầu tư 6.800 tỷ đồng thông qua việc mua cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.
Theo SCIC, qua 15 năm thành lập, SCIC hiện đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 1.076 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 30.553 tỷ đồng, trong đó có 23 tổng công ty và tập đoàn, 34 công ty TNHH MTV và 2 thành viên.
Sau 15 năm, đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn Nhà nước đã tiếp nhận, chỉ có 24 doanh nghiệp nhỏ trong diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ (chiếm 3%), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp trong toàn danh mục đạt gần 20%.
Đặc biệt có một số doanh nghiệp ROE bình quân rất cao trên 30% như: Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), Cty TNHH Khai thác và chế biến đá An Giang (68%), CTCP sữa Việt Nam (35%), CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (35%), CTCP viễn thông FPT (31%)…
SCIC đã đẩy mạnh triển khai thoái vốn Nhà nước. Bình quân vốn Nhà nước tại các doanh nhiệp trong danh mục quản lý của SCIC đã giảm từ 56% tại thời điểm tiếp nhận xuống còn 32% tại thời điểm hiện nay. Tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước lũy kế trên 38 nghìn tỷ đồng.
Về hoạt động cổ phần hóa, sắp xếp công ty TNHH một thành viên, tính đến nay, SCIC đã tiếp nhận 34 công ty TNHH 1, 2 thành viên với giá trị sổ sách phần vốn Nhà nước là 425 tỷ đồng.
Trước khi tiếp nhận, hầu hết các doanh nghiệp này đều có quy mô nhỏ, tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, một số doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi tiếp nhận, SCIC đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý tồn tại về tài chính để doanh nghiệp đủ điều kiện sắp xếp, cổ phần hóa. SCIC đã hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa và bán vốn tại 30 doanh nghiệp.
15 năm qua, SCIC cũng đã bán vốn tại 1.017 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 913 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 85 doanh nghiệp, bán quyền tại 19 doanh nghiệp) với giá trị sổ sách bán vốn là 11.776 tỷ đồng, thu về 48.847 tỷ đồng, chênh lệch là 37.071 tỷ đồng (giá bán gấp 4,1 lần so với giá vốn).
SCIC đã triển khai bán vốn thành công, mang lại hiệu quả cao tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Vinaconex…
Trong quá trình triển khai, các đơn vị tư vấn bán cổ phần bao gồm cả các ngân hàng đầu tư nước ngoài đã phối hợp với SCIC tiếp cận giới thiệu cơ hội đầu tư đến rộng rãi các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, hỗ trợ SCIC rà soát và tư vấn về thủ tục chào bán để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần.
Trong đó, SCIC đã chủ động đề xuất phương án đầu tư vào Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sau tác động của dịch bệnh COVID-19.
Dự kiến SCIC sẽ đầu tư 6.800 tỷ đồng thông qua việc mua cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, SCIC cũng cho rằng, dù đã nỗ lực triển khai sàng lọc, nghiên cứu bài bản các dự án, cơ hội đầu tư nhưng công tác giải ngân không đạt như kỳ vọng do gặp nhiều vướng mắc về pháp lý.
Trong đó, chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm chưa được phê duyệt; thẩm quyền ra quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC đối với mức vốn các dự án nhóm B chưa được làm rõ.
Quy định pháp lý chưa rõ ràng trong việc xác định phạm vi, lĩnh vực SCIC được phép đầu tư, đặc biệt đối với một số lĩnh vực bị hạn chế đối với các doanh nghiệp Nhà nước như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, kinh doanh bất động sản…
Cùng với đó, cơ chế thoái vốn hiện hành đối với các khoản đầu tư mới chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư tài chính. Quy định về bảo toàn và phát triển vốn đầu tư chưa sát với thực tế.