Shophouse “đại hạ giá” nhưng vẫn ế ẩm
Phân khúc shophouse đã đi qua thời hoàng kim. Chỉ tính riêng tại thị trường TP.HCM, có không ít căn shophouse trong tình trạng “đỏ mắt tìm người mua” dù giảm giá sâu.
Từng là được xem là phân khúc “gà đẻ trứng vàng” song trong bối cảnh thị trường chung trầm lắng, thanh khoản và dòng tiền đều khó, shophouse lại trở thành “gánh nặng” cho nhà đầu tư đang nắm giữ.
Để mong bán được hàng, không ít chủ sở hữu sẵn sàng giảm giá sâu. Nhưng kể cả như vậy, những căn shophouse vẫn “đóng cửa then cài”.
Shophouse giảm 50 tỷ vẫn bị “chê”
Anh Phạm Minh Hiếu, nhà đầu tư bất động sản có thâm niên tại TP.HCM cho hay, mấy ngày trước anh được nhân viên môi giới bất động sản gọi điện chào bán một căn shophouse với giá “thấp hơn thị trường 50 tỷ đồng”.
Thấy giá quá hấp dẫn, anh Hiếu hỏi chi tiết hơn thì được biết, chủ căn shophouse này cần tiền gấp nên chấp nhận bán lỗ 50 tỷ để mau chóng “thoát hàng”.
“Nhân viên môi giới quảng cáo, căn shophouse có diện tích 170m2 bao gồm 1 tầng hầm, 1 trệt, 3 tầng lầu và 1 tầng áp mái. Tổng diện tích sử dụng lên tới 750m2. Rất thích hợp để làm văn phòng cho các công ty tài chính, công nghệ, ngân hàng hay showroom nội thất”, anh Hiếu nói.
Sau khi đã “đại hạ giá” 50 tỷ đồng, giá bán của căn shophouse cũng vẫn khiến anh Hiếu toát mồ hôi vì lên tới 150 tỷ đồng.
“Nhân viên môi giới giải thích, trước khi cắt lỗ, căn shophouse này có giá thị trường tận 1 tỷ đồng 1 mét vuông. Sở dĩ có giá đó vì căn này năm ở vị trí đắc địa, trên mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch thuộc khu đô thị cao cấp Sala Thủ Thiêm. Hỏi giá những căn khác gần đó thì cũng tầm 130 đến 160 tỷ 1 căn. Những căn này cũng đều đang giảm giá 20 đến 40 tỷ 1 căn”, anh Hiếu cho biết thêm.
Theo anh Hiếu tìm hiểu, giá trị các căn nhà phố thương mại tại khu vực này đang đồng loạt giảm giá 20 - 25% trên thị trường thứ cấp. Nguyên nhân chủ yếu do chủ sở hữu gặp khó khăn về tài chính trong khi thanh khoản ở phân khúc này sụt giảm mạnh. Cho nên dù giảm giá nhiều nhưng không tìm được khách mua.
Báo cáo thị trường bất động sản của DKRA Group, trong tháng 10/2022, có 9 dự án nhà phố/biệt thự mở bán, cung ra thị trường 284 căn, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ chỉ được 38 căn, giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 13%, thấp kỷ lục.
Anh Hiếu nhẩm tính, kể cả có thể khai thác cho thuê ngay thì mua căn shophouse này cũng sẽ lỗ.
“Theo tôi tìm hiểu, giá thuê mặt bằng tại khu đô thị Sala hiện tại dao động từ 120 - 200 triệu đồng 1 tháng. Nếu tôi bỏ tiền mua, mỗi năm chỉ lời chưa được 2%. Vậy thì thà gửi tiết kiệm còn lời hơn”, anh Hiếu phân tích.
Giá shophouse vẫn ở “trên trời”
Báo cáo thị trường quý 3/2022 của CBRE Việt Nam, giá bán nhà phố thương mại tại TP.HCM tính từ năm 2019 luôn trong xu hướng tăng.
Cụ thể trong quý 3 năm nay, giá bán sơ cấp đối với sản phẩm nhà phố thương mại hay shophouse đạt 6.909 USD/m2 (xấp xỉ 170 triệu đồng/m2), tăng 7,9% theo quý và 13,2% theo năm. Sức tăng của giá bán đến chủ yếu từ các dự án mới tại khu Đông và khu Nam.
Theo Savills Việt Nam, nguồn cung sơ cấp đắt đỏ là nguyên nhân khiến lượng người mua phân khúc nhà phố, biệt thự hạn chế, nhất là trong bối cảnh tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực bất động bị hạn chế, lãi suất cho vay tăng cao.
Giá bán quá cao khiến sản phẩm nhà phố, biệt thự tại thị trường TP.HCM giảm sức hấp dẫn. Nhu cầu dịch chuyển sang các thị trường lân cận có giá từ 88 - 100 triệu đồng/m2, thấp hơn 70% so với giá bán tai TP.HCM.
Đơn cử một dự án nhà phố, biệt thự rộng hơn 1.000ha tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) do một chủ đầu tư lớn phát triển đang được chào bán với giá chỉ 7 - 9 tỷ đồng/căn. Mức giá này chưa bằng 10% giá bán sản phẩm cùng loại thuộc một dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè, TP.HCM).
“Nguồn cung thấp cùng với giá bán cao đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tỉnh xung quanh”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam nói.
Ghi nhận của Savills cho biết, trong quý 3/2022, sản phẩm nhà phố, biệt thự tại các tỉnh vùng ven TP.HCM có tỷ lệ hấp thụ lên đến 72%, cao hơn 23 điểm phần trăm so với tỷ lệ hấp thụ tại TP.HCM.