“Sốt đất” khắp cả nước, giá BĐS tại những “điểm nóng” này đang biến động như thế nào?

Thời gian qua, tình trạng “sốt đất” diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước. Từ việc ăn theo quy hoạch, dự án mới hay chỉ là do “cò đất” tung tin “thổi giá” nhằm trục lợi cá nhân cũng có thể tạo ra những làn sóng đất. Khiến cho thị trường BĐS cả nước rơi vào tình trạng hỗn loạn. Giá nhà đất khắp các tỉnh cũng vì thế mà “nhảy múa”. Có những nơi tăng giá chóng mặt từ 2 – 3 lần chỉ trong thời gian ngắn.

“Sốt đất” khắp cả nước, giá BĐS tại những “điểm nóng” này đang biến động như thế nào? - Ảnh 1

Kể từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán 2021, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng đất. Dẫn đến tình trạng “sốt đất ảo” diễn ra ở khắp các tỉnh thành. Hệ lụy là một số bộ phận người dân hay những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm đã mù quáng mà nhảy vào các “cơn sốt đất”. Thậm trí bỏ cả kinh doanh, buôn bán để cầm tiền đi đầu tư BĐS.

Vấn đề này diễn ra trên khắp cả nước, điển hình một vài khu vực được coi là “điểm nóng” như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Quốc,…Vậy trong bối cảnh “sốt đất” cục bộ như vậy thì tình hình giá BĐS tại những khu vực trên đang ở ngưỡng nào và có sự biến động ra sao so với thời điểm trước Tết?

Thanh Hóa: Giá nhà đất tăng phi mã, lãnh đạo tỉnh cảnh báo

Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,…) đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản đã lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. Dẫn đến tình trạng giá nhà đất tại đây đã có sự “tăng tốc” mạnh mẽ.

Theo tìm hiểu, tại TP Thanh Hóa một khu đất có diện tích 160m2 được rao bán với giá 850 triệu đồng.  Được biết cũng tại khu đất này trước đây chỉ được rao bán với giá 600 triệu đồng. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần sau, giá tại mảnh đất 160m2 này đã lên tới mức 1,3 – 1,5 tỷ đồng (tức chênh lệch gấp đôi so với giá ban đầu là 600 triệu). Cách đó không xa, tại phường Quảng Thành, giá đất thổ cư dao động từ 400 – 600 triệu đồng/100m2 tùy vị trí. Còn đối với loại đất mặt bằng, cùng thời điểm này năm trước có giá khoảng 800 triệu đồng/100m2 thì năm nay đã lên hơn 1 tỷ đồng. Và hiện tượng nhảy giá tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Được biết tình trạng giá đất “nhảy múa” ở tỉnh Thanh Hóa chủ yếu xảy ra tại khu vực TP. Thanh Hóa, khu vực ven biển TP. Sầm Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương. Giá đất tại các khu vực này dao động từ mức 12 – 15 triệu đồng/m2, cao gấp đôi giá thị trường so với cùng kỳ năm trước.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường nhà đất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 4692 về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.  
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường nhà đất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 4692 về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.  

Bắc Giang: Giá đất tăng chóng mặt, có nơi hơn 50 triệu đồng/m2

Thời gian gần đây, cơn sốt đất tại Bắc Giang khiến không ít các nhà đầu tư không khỏi bàng hoàng. Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất Bắc Giang “nhảy múa” đến chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên gấp đôi, gấp 3 lần. Đơn cử như giá đất khu vực Yên Sơn (Lục Nam) hiện được nâng lên theo từng ngày, có nơi giá đất tại đây chạm tới 40 triệu đồng/m2, còn trung bình dao động từ 20-30 triệu đồng/m2. Hay như tại huyện Yên Dũng, nếu trước Tết Nguyên đán, giá đất tại xã Nội Hoàng ở mức khoảng 12-15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 25-30 triệu đồng/m2. Đáng chú ý là tại khu vực huyện Việt Yên, giá nhà đất dao động ở mức trung bình từ 30-40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2.

Hải Phòng: Giá đất tăng mạnh chưa từng có, đặc biệt là tại huyện Thủy Nguyên

Điển hình như giá đất ở khu vực trung tâm thị trấn Núi Đèo lên tới hơn 100 triệu đồng/m2. Tại khu tái định cư Bắc sông Cấm, giá đất tăng từ 35-40 triệu đồng/m² lên 55-70 triệu đồng/m². Hay như khu vực mặt đường 359 qua các xã: Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Đường, An Lư… lên tới 40-60 triệu đồng/m². Ngoài ra tại các xã Lưu Kiếm, Quảng Thanh, Lưu Kỳ, Minh Tân… cũng tăng 30%, lên ngưỡng 25-40 triệu đồng/m²… Ngay cả các xã xa trung tâm như: Liên Khê, Kỳ Sơn, Gia Minh, Gia Đức… tăng bình quân 10 triệu đồng/m²…

Đặc biệt là tại huyện Thủy Nguyên và An Dương, giá đất cũng tăng khoảng 30 – 40%. Đơn cử, một khu đất tại khu vực đầu đường Máng (tuyến 1) trước đây có giá 25 – 30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 40 – 45 triệu đồng/m2. Lý do được cho là bởi thông tin Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc Thành phố và huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.

Đà Nẵng: Cẩn trọng nguy cơ “bong bóng vỡ tan”

Theo bảng giá đất hiện hành, giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng là 98,8 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ cao nhất là hơn 79 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cao nhất là hơn 59,2 triệu đồng/m2.

Các tuyến đường có giá đất cao nhất phải “điểm danh” như: 2 Tháng 9, Bạch Đằng, Bình Minh 6, Bình Minh 5, Bình Minh 4, Đỗ Bá, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt… So sánh với TP biển Nha Trang, mức giá đất cao nhất của Đà Nẵng đang gấp 3 lần “đỉnh” đất ở của Nha Trang là 27 triệu đồng/m2 (theo bảng giá đất định kỳ 5 năm giai đoạn 2020 – 2024 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa), gấp 1,5 lần mức giá đất cao nhất ở Huế (65 triệu đồng/m2), hay hơn 2,5 lần so với giá đất ở Đồng Nai (40 triệu đồng/m2)… Hiện giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng chỉ thấp hơn 2 TP lớn nhất cả nước là Hà Nội (188 triệu đồng/m2) và TP Hồ Chí Minh (162 triệu đồng/m2).

Hiện tại giá đất tại Đà Nẵng đã bắt đầu có dấu hiệu “chững lại”. Tỷ lệ giao dịch khá thấp (đạt chưa tới 20%) so với giai đoạn trước dịch. Điều đó có nghĩa giao dịch đang khá ảm đạm, rất nhiều dự án thậm chí đang đứng yên, không nhúc nhích. Trừ một số dự án lớn, tiềm năng tốt do các nhà đầu tư uy tín phát triển, nhiều dự án đơn lẻ muốn bán được phải hạ giá và hạ rất nhiều.

Đơn cử, một lô đất tại dự án Nam Hòa Xuân đầu năm 2017 mua giá 800 triệu đồng, đến cuối năm 2018, giá lên tầm 1,7 tỉ đồng, cao nhất trong quý 3/2019 lên đến 3,4 tỉ đồng. Hiện tại, sau hơn 1 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng lô đó giá đã xuống 2,5 tỉ đồng, giảm gần 30% so với lúc giá đỉnh.

Khánh Hòa: Đã qua thời sốt đất, BĐS ngoại thành, ven đô vẫn nhộn nhịp

Thời gian qua, đất nền trong khu đô thị và vùng ven TP. Nha Trang vẫn có giao dịch nhưng không đáng kể. Do vậy, trong ngắn hạn thị trường đất nền ven đô, ngoại thành vẫn là kênh đầu tư hiệu quả. Đặc biệt là những khu vực đã có quy hoạch, hạ tầng tốt hoặc có định hướng phát triển trong tương lai.

Đơn cử như Căn hộ hạng trung có giá từ 20-25 triệu đồng/m2, căn hộ hạng cao cấp thì có giá từ 45-75 triệu đồng/m2. Giá đất nền dự án hạng trung có giá từ 18-25 triệu đồng/m2, đất nền hàng cao cấp có giá từ 40-60 triệu đồng/m2 và đất nền ven đô 10km có giá từ 5-10 triệu đồng/m2. Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thì đang tạm thời trầm lắng không có giao dịch vì ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và việc điều chỉnh lại nguồn gốc đất của các dự án Condotel.

Đồng Nai: Đất nền giá rẻ chiếm ưu thế, khu vực vùng trũng hút nhà đầu tư

Với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP Hồ Chí Minh và việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, giá đất bình quân trước đó khoảng 12-14 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 22 triệu đồng. Đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng đến 100 triệu đồng/m2.

Đồng thời những sản phẩm giá rẻ từ 300 – 800 triệu (đất sào mẫu, đồng sở hữu, đất nền giá rẻ) đang chiếm ưu thế. Một số khu vực vùng trũng như: Cẩm mỹ, Trảng bom, Thống nhất đang thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ bất chấp việc các sản phẩm không được đẹp. Bên cạnh đó, giá BĐS trong khu vực Trung Tâm Biên Hòa giao động nhẹ 2-5% trong Quý I, các thị trường vùng trũng tăng rất mạnh từ 10% – 20% kể từ cuối năm 2020.

Cần Thơ: Giá đất sôi động cục bộ tại một số khu vực

TP Cần Thơ hiện nay cũng có rất nhiều thông tin về quy hoạch các dự án lớn có tính quyết định đến sự phát triển của thành phố cũng như của vùng ĐBSCL trong tương lai, như: Dự án kè sông Cần Thơ, cầu – đường Trần Hoàng Na, khu trung tâm hành chính thành phố, hay Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, quy hoạch đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ,…

Tuy nhiên hiện nay, TP Cần Thơ không còn quỹ đất như các nơi để giới đầu cơ BĐS thu mua rồi “thổi giá” trục lợi. Các quy hoạch ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy hầu hết đã hình thành dự án khu dân cư, quy hoạch các khu chức năng và việc điều chỉnh quy hoạch 1/5000 ở các quận, huyện này cũng mới được công bố hồi cuối năm 2020. Do đó không còn nhiều cơ hội để đầu tư mua đất công (diện tích lớn) giá thấp để đón đầu quy hoạch, còn mua đất nền khu dân cư để “lướt sóng” hiện nay đã không còn giá rẻ như 4-5 năm về trước.

Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số nơi thuộc quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy giao dịch đất nền dự án cũng diễn ra khá sôi động. Tại một số dự án cụ thể như Khu dân cư Ngân Thuận (quận Bình Thủy), Khu dân cư Hồng Loan (khu 6A và 5C)… đã tăng giá từ 5-10% so với cuối năm 2020. Nhưng hầu hết các khu dân cư còn lại dù có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhưng giao dịch vẫn trầm lắng.

Phú Quốc: Giá đất Nông nghiệp tăng vù vù, gần 20 triệu đồng/m2

Sau khi Phú Quốc được nâng cấp lên thành phố, thị trường bất động sản tại “đảo Ngọc” bắt đầu sôi động trở lại. Theo khảo sát, giá đất nông nghiệp tại Phú Quốc ở mức khá cao, từ vài triệu đến hơn chục triệu/m2. Đơn cử như một mảnh đất nông nghiệp ở xã Cửu Dương, TP Phú Quốc có diện tích 163 m2 được rao với giá 2,8 tỷ, tương đương với giá 17,1 triệu đồng/m2. Theo người bán, đất sẽ được quy hoạch thổ cư và đã được lên sẵn hơn 30m2.

Tương tự một mảnh đất nông nghiệp có diện tích 125m2 ở TP Phú Quốc được rao với giá 1,5 tỷ đồng, tương đương 12 triệu đồng/m2. Hay như một mảnh đất nông nghiệp ở Đường Trung Đoàn, Ấp Búng Gội, Cửa Dương, đã có sổ riêng rộng 500 m2 được rao với giá 3,2 tỷ, tương đương với 6,4 triệu đồng/m2.

Trước tình hình đó, GS.,TSKH. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, Phú Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư phát triển. Dư địa là rất lớn và chỉ cần sau 10 năm nữa, tôi tin là giá đất có thể gấp 2 – 3 lần hiện nay. Nhiều yếu tố nhìn vào sẽ thấy đầu tư ở Phú Quốc đang có lợi đến như thế nào.

Cao Lãng

Theo Kinh doanh & Phát triển