Tâm điểm đầu tư 2021: Mối quan tâm đổ dồn vào bất động sản công nghiệp
Thị trường bất động sản công nghiệp đang có nhu cầu ngày càng lớn và hoạt động vốn gia tăng. Bước sang năm 2021, đây tiếp tục là điểm sáng hứa hẹn thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Thị trường bất động sản công nghiệp đang có nhu cầu ngày càng lớn và hoạt động vốn gia tăng. Ghi nhận từ Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh, thành phố trọng điểm hiện đều ở mức cao. Ở miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy lên đến 90% tại Hà Nội, 95% tại Bắc Ninh, 89% tại Hưng Yên và 73% ở Hải Phòng. Khu vực phía Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 88% tại TP.HCM, 99% tại Bình Dương, 94% tại Đồng Nai, 84% tại Long An và 79% tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi nguồn cầu vẫn liên tục tăng trong bối cảnh thiếu nguồn cung, thị trường có hiện tượng giá đất công nghiệp tăng. Điển hình tại TP.HCM đạt 147 USD/m2 và tỉnh Long An đạt mức 123 USD/m2; tại Hà Nội, giá đạt mức 129 USD/m2 và Bắc Ninh đạt 95 USD/m2.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết: “Việc tăng giá thuê đất sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy do đây là một trong những yếu tố được quan tâm chính của nhiều nhà đầu tư ngành công nghiệp giá trị cao như điện tử và thiết bị công nghệ. Đặc biệt cần chú ý nếu giá thuê đất vượt quá ngưỡng trung bình.
Tuy nhiên, nguồn cung quỹ đất sẽ tăng với 561 khu công nghiệp trong tương lai, dự kiến sẽ tác động nhiều đến luật và giá thuê đất. Hiện tại, các tỉnh trọng điểm đã có tỷ lệ lấp đầy cao, đồng nghĩa với việc quỹ đất còn lại sẽ có giá cao”.
Để thu hút được nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: Khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.
Đồng thời, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc.
Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện hơn cả. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện trong những năm vừa qua, nhưng hiện vẫn còn một số hạn chế. So với các nước trong khu vực ASEAN, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả các phân khúc. Đây là cơ hội rất lớn cho Chính phủ trong việc chú trọng cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vào Việt Nam”.
Tại chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thị trường bất động sản năm 2021: Dự báo xu hướng & Cơ hội đầu tư" được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Trong thời gian tới sẽ có thêm những phân khúc bất động sản mới có nhiều tiềm năng phát triển hơn. Đặc biệt, 5 năm tới sẽ là giai đoạn để bất động sản công nghiệp đón nhiều vận hội mới nhờ xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về Việt Nam. Những địa phương có nhiều tiềm năng là Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng. Ở phía Nam là các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Tiền Giang...".
Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, nhu cầu phát triển bất động sản khu công nghiệp đến từ 3 yếu tố cơ bản.
Thứ hai, xu hướng chuyển dịch đầu tư rời khỏi Trung Quốc đã hình thành trong những năm gần đây và dịch Covid-19 là chất xúc tác thúc đẩy tiến trình này. Việt Nam là một ứng viên sáng giá trong khối ASEAN và Ấn Độ do kiểm soát tốt dịch bệnh, nguồn nhân công giá rẻ hơn và gần Trung Quốc nên tiện cho việc chuyển dịch.
Thứ ba, Việt Nam đã liên tục ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA và gần đây là RCEP. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam./.