Tâm lý chờ đợi vẫn đeo bám thị trường bất động sản

Tâm lý giằng co giữa người mua và người bán khiến giao dịch trên thị trường bất động sản còn khá yếu. Hiện, người bán có tâm lý chờ thị trường phục hồi, không muốn giảm giá bán thêm và người mua ở trạng thái nghe ngóng mức lãi suất vay mua, và kì vọng giá bất động sản còn giảm thêm nữa mới xuống tiền.

Mặc dù lãi suất đã giảm, nhưng nhiều người vẫn cho rằng con số hiện tại còn quá cao. Theo ghi nhận, lãi suất vay ngân hàng mua nhà trong tháng 8 tại các ngân hàng hiện dao động từ 4,99 – 11,8%/năm. Mức lãi suất vay ngân hàng dưới 10% chỉ áp dụng trong 3 – 6 tháng, cao nhất là 1 năm, hết thời gian ưu đãi, hầu hết các ngân hàng đều tính theo lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 13 – 14,5%.

Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, khoảng 44% người được khảo sát cho rằng, mức lãi suất vay mua nhà dưới 8% là hợp lý để họ có thể xoay xở tài chính. Trong khi đó, 33% số người được hỏi chấp nhận đi vay nếu lãi suất vay dao động từ 8 – 10%. Chỉ có 14% số người còn lại đồng ý vay tiền với mức lãi suất từ 10 – 13%.

Tâm lý chờ đợi vẫn đeo bám thị trường bất động sản - Ảnh 1

Việc lãi suất vay chưa giảm rõ nét khiến nhiều người mua tiếp tục động thái “chờ”, nuôi kỳ vọng lãi suất vay ngân hàng thả nổi hạ thấp hơn. Đây cũng là một trong các lý do khiến đà phục hồi của thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ nét.

Ông Marc Townsend, Cố vấn cấp cao của Công ty TNHH Arcadia Consulting Việt Nam cho rằng, thị trường truyền thống của thế giới sẽ theo chu kỳ tăng - giảm - tăng. Tuy nhiên ở thị trường bất động sản Việt Nam có một sự khác biệt đó là đóng băng - tan băng - đầu cơ - đóng băng - khó khăn - tan băng.

Theo ông Marc Townsend, thị trường bất động sản đang đóng băng sẽ dần tan băng một phần nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách thông thoáng của Chính phủ như đấu giá đất yêu cầu quyền phát triển dự án, giải phóng mặt bằng được đàm phán trực tiếp giữa chủ đầu tư và người dân, cắt giảm thủ tục hành chính, đôn đốc các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất hạ nhiệt...

Cùng với đó, những điểm nghẽn của thị trường, của doanh nghiệp địa ốc đang dần được giải quyết, nhất là bộ phận cấp phép và phê duyệt dự án đã nhanh hơn.

Ông Townsend nhận định, tâm lý đầu tư toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng thuận lợi cho Việt Nam. Trong khi dân số Việt Nam là dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, khả năng chi trả cho nhà ở ngày càng cao sẽ là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản trong 50 năm tới vẫn còn tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung phát triển các trung tâm đô thị mới đi đôi với cơ sở hạ tầng đầy đủ tiện ích phục vụ cuộc sống, sinh hoạt, học tập, giải trí, làm việc toàn diện cho người dân. Giá nhà thứ cấp sẽ tiếp tục tái cân bằng. Nhu cầu đang tăng lên với các điều khoản thanh toán hợp lý hơn và lãi suất thấp hơn.

“Khi người mua bắt đầu thấy giá và nhu cầu bắt đầu tăng trở lại, điều đó sẽ tạo ra sự cấp bách, được củng cố bởi nhu cầu dài hạn bền vững. Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có tầm nhìn xa có thể tận dụng lợi thế của người đi đầu khi đà thị trường quay trở lại. Chiến lược “mua thấp – bán cao” lâu đời rất có thể được áp dụng tại thị trường bất động sản ngay bây giờ”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Thanh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển