Thị trường bất động sản đang ngày một minh bạch hơn

Theo các chuyên gia, những thay đổi liên quan việc điều chỉnh hệ số giá đất như bỏ khung giá đất có thể thúc đẩy bất động sản minh bạch hơn, giá tài sản có thể cao hơn nhưng là giá trị thực tế (không phải là giá ảo) đồng thời quá trình sàng lọc của thị trường trở nên khốc liệt hơn.

Theo Điều 113, Luật Đất đai 2013, khung giá đất là mức giá (cao nhất hoặc thấp nhất) với từng loại đất cụ thể và việc xác định khung giá đất được ban hành định kỳ với kỳ hạn 5 năm. Việc xây dựng khung giá đất nhằm quản lý giá đất trên thị trường, giúp cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế kiểm soát bảng giá đất của các địa phương cũng như xác định các khoản nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất trong quá trình sử dụng.

Tuy nhiên, khi xét trên thực tế, khung giá đất vẫn chưa đáp ứng được toàn bộ mục đích đã được đặt ra ban đầu, thậm chí tạo “cơ chế hai giá” gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai các dự án có sử dụng đất. Đặc biệt, một hệ quả phát sinh thường xuyên của khung giá đất là làm kéo dài tiến độ các dự án do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Do đó khi Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể khi dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 về việc xác định lại phương pháp xác định giá đất sao cho phù hợp với cơ chế thị trường tại thời điểm hiện tại.

Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, việc bãi bỏ khung giá đất là một nhiệm vụ cần phải được chú trọng để có thể khác phục được đầy đủ những hạn chế và bất cập đang phát sinh trong thực tiễn. Việc bỏ khung giá đất đồng nghĩa với việc Nhà nước không áp dụng mức giá tối thiểu và tối đa với từng lại đất mà thay vào đó là trước khi ban hành ra bảng giá đất của từng địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào các nguyên tắc, phương pháp định giá đất, các quy chuẩn và giá đất, sự biến động về giá đất thực tế trên thị trường để xây dựng ra bảng giá đất. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy minh bạch thị trường.

Nhìn nhận về tác động của nội dung này trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, trên thực tế Luật Đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp trong bất kỳ hệ thống pháp luật của quốc gia nào. Lần sửa đổi này được thực hiện nhằm hướng tới việc chuyển định giá đất đai theo khung giá quy định cũ sang khung theo giá thị trường.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam

Theo ông, bước thay đổi này đặc biệt quan trọng vì nó sẽ thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản nói riêng, nền kinh tế nói chung và giúp thu hút các nhà đầu tư.

“Trong giai đoạn hậu Covid-19, việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng được thực hiện nhằm kích thích sự phục hồi của nền kinh tế, tuy nhiên hiện nay quá trình này vẫn diễn ra một cách chậm chạp mà nguyên nhân chính là do các thủ tục đền bù và giao đất. Tôi đánh giá việc sửa đổi Luật Đất đai là vấn đề rất quan trọng để xác định giá đất một cách chuẩn xác hơn”, ông Troy Griffiths bình luận.

Ông Troy Griffiths cũng nhấn mạnh trước đây, khi giao đất, quá trình đền bù được tính toán đơn giản vì đã có khung giá đất quy định sẵn. Tuy nhiên, điều này đôi khi gây ra việc đền bù không thỏa đáng và sinh ra nhiều chi phí phát sinh, dẫn đến chậm trễ kế hoạch phát triển dự án. Với Luật sửa đổi, chủ bất động sản sẽ được nhận giá trị hợp lý hơn (tiệm cận với giá thị trường), đẩy nhanh quá trình đền bù và xây dựng các dự án mới.

“Chúng tôi hy vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp thị trường trở nên minh bạch hơn. Tất cả khu đất giải tỏa và cần được đền bù sẽ được định giá phù hợp với giá thị trường, tạo niềm tin hơn cho các nhà đầu tư và người dân. Ngoài ra, điều này tạo cơ sở để khu đất đó được tính thuế đầy đủ, tránh gây thất thu một khoản lớn cho Nhà nước như trước đây. Những quy định này đã được ứng dụng trên toàn thế giới, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ kinh nghiệm của mọi quốc gia khác và thực hiện một hệ thống pháp luật đất đai thực sự có lợi cho xã hội”, ông Troy Griffiths nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) cho biết thị trường bất động sản có thể bước sang giai đoạn loại bỏ chênh lệch địa tô, hạn chế đầu cơ tràn lan và giảm thiểu các chủ đầu tư "tay không bắt giặc" nếu bỏ khung giá đất.

Ông Nghĩa nhận định, về phía người người dân, bỏ khung giá đất hướng tới kịch bản giúp mọi người được đền bù (thu hồi đất) một cách sòng phẳng theo giá thị trường đồng thời Nhà nước cũng thu thuế được nhiều hơn. Trong giai đoạn đầu bỏ khung giá đất, giá bất động sản có thể đồng loạt tăng cao nhưng đây là giá trị thực tế, không phải giá ảo như các đợt nóng sốt chớp nhoáng.

Theo ông Nghĩa, tác động của việc bỏ khung giá đất đối với các doanh nghiệp bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện thị trường địa ốc. Cụ thể, doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, về lý thuyết có thể thúc đẩy tiến độ tạo lập quỹ đất nhanh hơn, nhưng chi phí sẽ đắt đỏ hơn.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống