Thị trường bất động sản gặp khó, môi giới chuyển hướng sinh nhai
Chuyên gia cho rằng thời gian qua, khó khăn phát sinh sau đại dịch cũng như tác động của kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tín dụng, vốn, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Vừa qua, 4 Công điện của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 4 vấn đề nóng nền kinh tế là: Tín dụng, TPDN, bất động sản (BĐS) và lao động. Theo các chuyên gia, đây là 4 vấn đề phát sinh và nổi lên sau dịch bệnh, nhất là lại vào dịp cuối năm, khi bối cảnh kinh tế thế giới ngày một ảm đạm, trong khi nhu cầu vốn, nhu cầu thanh khoản thị trường chứng khoán, BĐS cũng như vấn đề về lao động, việc làm đều tăng mạnh.
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ được các chuyên gia đánh giá là "rất quyết liệt và kịp thời" trong bối cảnh những khó khăn phát sinh cần khẩn trương khơi thông, để thúc đẩy tăng trưởng cũng như giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng chỉ ra, năm 2022 số doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực. Thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO...
Thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài ra, trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Ngoài vấn đề vốn, doanh nghiệp còn đối diện với lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khách hàng mua BĐS khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Chia sẻ của môi giới bất động sản gắn bó với nghề lâu năm, anh N.T.V cho hay, những người bám trụ với thị trường thời điểm này hầu hết là môi giới lâu năm, có sự tích lũy cả kinh nghiệm lẫn tài chính, chờ đợi sự khôi phục của thị trường bất động sản. Còn với môi giới mới vào nghề hoặc hoạt động trong thời gian ngắn từ 1-2 năm thì hầu hết là rời bỏ thị trường, đổi nghề vì không thể kiên trì khi thị trường bất động sản trầm lắng với rất ít giao dịch, môi giới nhiều tháng không có thu nhập.
Anh V cho biết, từ thời điểm tháng 3/2022 tới nay, nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và một số sàn giao dịch chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn đổ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể. Chính bản thân anh V cũng lâm vào cảnh trong nhiều tháng nay chưa có giao dịch, không có lương vì không bán được hàng, công ty không có dự án mới để bán. Mặc dù cũng đã tìm đủ phân khúc khác từ đất nền, thổ cư, ruộng để môi giới nhưng không có giao dịch.
Trước những khó khăn của thị trường hiện nay, anh V cho biết, bắt đầu từ cuối năm ngoái anh đã lựa chọn một công việc khác để theo đuổi. Anh làm văn phòng lương giao động từ 7-10 triệu thay vì chỉ làm sale bất động sản, nếu không giao dịch được thì sẽ không có đồng nào.
Tương tự, anh Hải, sau thời gian bám trụ với nghề sale bất động sản, mới đây anh đã nghỉ việc ở một công ty bất động sản ở TP.HCM và chuyển sang chạy grab để có tiền trang trải cuộc sống. Theo anh Hải chia sẻ, từ đầu năm đến nay anh không có giao dịch nào thành công nên không có thu nhập, thiếu tiền sinh hoạt khiến anh chán nản và quyết định chia tay với nghề để kiếm công việc khác kiếm kế sinh nhai.
Đồng cảnh ngộ, anh T môi giới bất động tại một sàn ở TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết, từ đầu năm thị trường có chút giao dịch tưởng đâu khởi sắc nhưng bắt đầu tư quý II đến nay, thị trường trầm lắng, thanh khoản không có, nếu có cũng rất ít. Bây giờ người bán nhiều hơn người mua nhưng giao dịch vẫn rất hiếm.
"Làm nghề này nhiều năm nhưng chưa thấy năm nào khó khăn như năm nay, trước đây người mua kẻ bán giao dịch ầm ầm, giờ thị trường chững lại, khách gửi bán nhiều nhưng người mua không có, không biết giờ họ hết tiền hay chờ xuống giá mới mua. Với tình hình như hiện nay mà kéo dài không biết bao lâu nên tôi xin nghỉ làm và hùn với người bạn mở quán nước nhỏ kiếm đồng ra đồng vào", anh T chia sẻ thêm.