Thị trường bất động sản Hà Nam: Gần Hà Nội nhưng vẫn chưa thể “bứt phá”?

Mặc dù có vị trí gần Hà nội, và thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nam có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn chung nơi này vẫn chưa thực sự “bứt phá” và phát triển được như kỳ vọng.

Thị trường bất động sản Hà Nam: Gần Hà Nội nhưng vẫn chưa thể “bứt phá”? - Ảnh 1

BĐS Hà Nam giàu tiềm năng…

Hà Nam là một tỉnh nằm tại phía Tây - Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế Bắc Bộ.

Tỉnh Hà Nam cách thủ đô Hà Nội hơn 50 km, là cửa ngõ phía nam của thủ đô, tiếp giáp với các tỉnh: Phía bắc giáp với tỉnh Hà Tây; Phía đông giáp với Hưng Yên và Thái Bình; Phía nam giáp Nam Định và Ninh Bình; Phía tây giáp Hòa Bình.

Vị trí địa lý này tạo rất nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh. Với việc nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài gần 50 km và các tuyến đường giao thông quan trọng khác như quốc lộ 21, quốc lộ 21B, quốc lộ 38. Hơn 4.000 km đường bộ bao gồm các đường quốc lộ, tỉnh lộ cùng các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, thị xã, thị trấn đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa, hơn 200 km đường thủy có luồng lạch đi lại thuận tiện với 42 cầu đường đã được xây dựng kiên cố và hàng nghìn km đường giao thông nông thôn tạo thành một mạng lưới giao thông khép kín, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại và vận chuyển hàng hóa cho các phương tiện cơ giới.

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hà Nam dự kiến tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,4%; phấn đấu duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 87 triệu đồng vào năm 2025, đạt trên 159 triệu đồng vào năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2035, đưa Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó thị xã Duy Tiên được định hướng trở thành trung tâm kinh tế về công nghiệp, dịch vụ phía Bắc của tỉnh, là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, là thị xã đô thị loại III trực thuộc tỉnh, văn minh, phát triển bền vững vào năm 2025, hướng đến đô thị loại II vào năm 2040.

Theo số liệu của UBND tỉnh Hà Nam, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư 231 dự án thương mại dịch vụ, đô thị, trong đó thị xã Duy Tiên có nhiều danh mục nhất với 72 dự án (chiếm hơn 68%). Cũng trong giai đoạn này, tỉnh kêu gọi đầu tư 21 dự án hạ tầng khu công nghiệp với tổng diện tích 3.015ha và 12 dự án trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Thị trường bất động sản Hà Nam được đánh giá đang nằm ở thời điểm vàng để đầu tư.

Theo số liệu của UBND tỉnh Hà Nam, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư 231 dự án thương mại dịch vụ, đô thị, trong đó thị xã Duy Tiên có nhiều danh mục nhất với 72 dự án (chiếm hơn 68%). Cũng trong giai đoạn này, tỉnh kêu gọi đầu tư 21 dự án hạ tầng khu công nghiệp với tổng diện tích 3.015ha và 12 dự án trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Chính từ những tiềm năng, lợi thế này, thị trường bất động sản Hà Nam đang nổi lên như một "điểm đến" đầy tiềm năng với các nhà đầu tư. Thừa hưởng vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, kinh tế phát triển mạnh mẽ cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường bất động sản đang ngày càng sôi động.

Sau giai đoạn trầm lắng từ nửa cuối năm 2022, hàng loạt chính sách nhằm gỡ nút thắt vừa được công bố thời gian gần đây đã giúp bất động sản Hà Nam lấy lại niềm tin.

Hiện, thị trường bất động sản Hà Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vô cùng lớn. Đó cũng là lý do thời gian qua địa phương này liên tục ghi nhận sự góp mặt của các “ông lớn” bất động sản như: Sun Group, Vingroup, TNR Holdings, Ceo Group, Kosy Group…

Hàng loạt các dự án khu đô thị đã và sắp ra mắt không chỉ góp phần thay đổi diện mạo Hà Nam mà còn tạo ra lực đẩy lớn, đưa thị trường nơi đây trở thành “điểm sáng” của các nhà đầu tư bất động sản. Trong đó phải kể đến dự án Kosy Lita Ha Nam với quy hoạch đô thị mở khác biệt, vị trí đắt giá nằm trên quốc lộ 38, không gian kết nối đa chiều, hứa hẹn sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ khu vực phía Nam Thủ đô.

Ở một tọa đàm vừa diễn ra, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE), Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhìn nhận giá bất động sản Hà Nam chỉ bằng 1/3-2/3 giá đất tại các địa phương có vị trí và tiềm năng tương đương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

“Mặt bằng giá bất động sản Hà Nam vẫn ở mức rất cạnh tranh, còn rất nhiều dư địa và tăng trưởng trong tương lai. Hơn nữa, Hà Nam là thị trường mới, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư biết đi tắt đón đầu”, bà nói.

…nhưng chưa thể “bứt phá”

Mặc dù thị trường bất động sản Hà Nam tăng trưởng trong thời gian qua, tuy nhiên nhìn chung bất động sản nơi này chưa "bật lên" được do các dự án phát triển vào khoảng thời gian trước có chất lượng và quy mô chưa tương xứng.

Phó Viện trưởng VARS IRE cho biết với Hà Nam, bình quân mỗi năm Hà Nam có 10 dự án bất động sản mới được hình thành (trừ những năm Covid). Tính đến hiện tại, toàn tỉnh chỉ có khoảng 43 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cơ bản hoàn thành.

Đối với phân khúc nhà ở, trong nửa đầu năm 2024, bà Miền thông tin Hà Nam có 7 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, 3 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng quý II, toàn tỉnh chỉ có 1 dự án.

Về giá bán, bà Miền cho biết trong quý I, giá bất động sản Hà Nam duy trì ổn định, đi ngang so với cuối năm 2023. Thị trường chủ yếu là các sản phẩm “cắt lỗ” của các nhà đầu tư Hà Nam do gặp áp lực tài chính, muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư sau thời gian dài bị chôn vốn.

Còn bước sang quý II, giá bất động sản ghi nhận tăng nhẹ, 3-5% so với quý trước, được thúc đẩy bởi các con sóng nhỏ từ hạ tầng, thông tin triển khai dự án quy mô lớn cũng như nhu cầu đầu tư dịch chuyển từ các thị trường khác.

BĐS Hà Nam giàu tiềm năng nhưng chưa thể "bứt phá" (Ảnh minh họa).  
BĐS Hà Nam giàu tiềm năng nhưng chưa thể "bứt phá" (Ảnh minh họa).  

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho biết, toàn bộ Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh và triển vọng của thị trường BĐS Hà Nam thể hiện ở chỗ, đây là một trong những tỉnh được ưu tiên đầu tư và phát triển, bởi sự bùng nổ phát triển sẽ tập trung vào những vùng trọng điểm quốc gia.

Ông cũng nhấn mạnh, Hà Nam là 1 trong 4 tỉnh thuộc vị trí phía nam sông Hồng, có vai trò dẫn dắt, có đà và thế để phát triển mạnh, bùng nổ về công nghiệp, du lịch. Hơn nữa, đây là tỉnh tuy có quy mô dân số nhỏ nhưng đi đầu về đô thị hóa, có đà phát triển mạnh mẽ trong số 4 tỉnh thành với tỉ lệ đô thị hóa ở mức khoảng 30,7% vào năm 2020.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tỉ lệ đô thị hóa có thể cao hơn so với các địa phương nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao. "Đẳng cấp đô thị hóa của Hà Nam chưa cao, nhưng chúng ta có không gian đô thị tương đối tốt đồng nghĩa với việc có dư địa. Đây là lợi thế cho các nhà đầu tư vào Hà Nam", ông nhận định.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh hai điểm đặc biệt quan trọng của Hà Nam từ năm 2021 đến nay. Một là, kết nối phát triển du lịch với khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Thứ hai, Hà Nam đã "mời" được các nhà đầu tư tầm cỡ để định hình "cuộc chơi" đô thị. Với những lợi thế này, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng Hà Nam là vùng đất đang có dư địa rất tốt để bùng nổ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, Hà Nam là vùng đất "vàng", còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh giá bất động sản các tỉnh miền Bắc không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Đây là thị trường tiềm năng cho dòng vốn đầu tư bất động sản ven đô.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống