Thị trường bất động sản vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn luật mới

Quốc hội đã đồng ý cho Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Theo chuyên gia, các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm sẽ tạo ra cơ sở hành lang pháp lý để khơi thông những bế tắc của thị trường. Tuy nhiên, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật để thị trường sớm phục hồi.

 

Thị trường bất động sản vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn luật mới - Ảnh 1

Hội Môi giới cho rằng các Luật mới khi có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bất động sản sẽ bắt đầu "rục rịch" chuyển động, các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước; các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng; nhà đầu tư có niềm tin trở lại.

Dù thị trường sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích nhưng nhưn theo VARS, vẫn cần lưu ý nguy cơ phát sinh mâu thuẫn nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và “link” được đầy đủ với các điều luật hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường. ​

Do đó, VARS kiến nghị, ngoài việc cần thực sự quyết tâm để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết, "trải đường sẵn" để các Bộ luật có cơ hội được thực thi ngay khi chính thức có hiệu lực.​

Dưới góc nhìn chuyên giam theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các bộ luật mới khi chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ tác động tích cực, góp phần thúc đấy sự phục hồi và phát triển của thị trường địa ốc.

Bởi lẽ các bộ luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến là nhằm giải quyết triệt đế các khó khăn, vướng mắc này. Trên thực tế, nỗ lực giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn được thể hiện trong các đạo Luật vừa được thông qua, dù chưa đạt tới kỳ vọng, nhưng chắc chắn sẽ phát huy hiệu lực tích cực.

Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn luật

Theo Quốc hội, để đảm bảo các luật được áp dụng, phát huy hiệu quả ngay khi có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ cần chuẩn bị đủ các điều kiện để thi hành luật. Cụ thể, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa luật, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản của Trung ương.

Luật đã được ấn định thời gian thi hành nhưng để tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án BĐS kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, không thể một sớm một chiều, mà còn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, chờ kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Nếu chúng ta không cẩn trọng thì có thể những cái điểm chúng ta đã mở ra thì Nghị định có khi lại bị khóa lại, hoặc thậm chí không cẩn trọng mà có các cái sai lầm thì có thể sẽ không thể nào gỡ bỏ được".

Mong chờ Luật sớm có hiệu lực nhưng quan trọng hơn là chất lượng thực thi. Vì vậy, rất cần sự thận trọng và tập trung của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước liên quan vào xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn nhất là đối với Luật Đất đai.

Thông thường với các Bộ luật sau khi được thông qua sẽ có thêm 1 năm mới có hiệu lực thi hành, mục đích là để Chính phủ và các Bộ ngành liên quan có đủ thời gian soạn thảo, ban hành các Văn bản hướng dẫn chi tiết. Riêng với Luật Đất đai còn phải đồng bộ với các luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, và trực tiếp ảnh hưởng tới hàng trăm bộ luật khác.

"Trong khoảng thời gian khoảng 4-5 tháng, thì những Nghị định, Thông tư ấy hướng dẫn như thế nào để đảm bảo chi tiết, thì chúng tôi cho đây là 1 vấn đề hết sức khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định.

Minh Hương

Theo Chất lượng và cuộc sống