Thị trường bất động sản vẫn "nín thở", chờ thời cơ phục hồi vào quý IV/2023
Giữa lúc thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn thì các quyết sách của Chính phủ và các Bộ Ban ngành được xem là công cụ gỡ vướng hữu hiệu giúp khôi phục thị trường. Tuy nhiên, thị trường chưa thể khôi phục được ngay vì cần thời gian ngấm chính sách cùng các yếu tố thuận lợi khác. Giới chuyên gia nhận định, sang quý III/2023 thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng rút lui của các doanh nghiệp và có thể phải bước sang quý IV mới bắt đầu tiến trình hồi phục.
Thị trường liên tục được quan tâm từ Chính phủ
Trong thời gian vừa qua, khi thị trường rơi vào tình trạng đóng băng, nền kinh tế bị ảnh hưởng khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư lao đao. Trước tình trạng đó, Chính phủ đã liên tục ban hành nhiều quyết sách quan trọng để tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường. Bao gồm: Nghị định 08/2023 gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 338 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; và Nghị định 10/2023 hướng dẫn Luật Đất đai, trong đó có đề cập đến việc cấp chứng nhận sở hữu cho một số loại hình BĐS như condotel, officetel…
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thống nhất với 4 ngân hàng thương mại bố trí gói tài chính 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân. Tuy gói tài chính này được đánh giá mức lãi suất chưa thực sự phù hợp với người mua nhà, nhưng lại được xem là vị cứu tinh đối với doanh nghiệp đầu tư.
Một diễn biến khác cũng đang được thị trường BĐS hết sức quan tâm, đó là từ tháng 5 lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm. Nhiều ngân hàng thương mại có thị phần lớn áp dụng mức lãi suất huy động phổ biến quanh mức 8%/năm, 4 ngân hàng lớn (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7,2%/năm...
Trước động thái quyết liệt từ Chính phủ, giới chuyên gia tài chính, xây dựng, bất động sản cho rằng chưa bao giờ thị trường được Chính phủ quan tâm sát sao như hiện tại. Giới chuyên gia cũng nhận định, khó khăn lớn nhất của thị trường do 2 nút thắt lớn nhất đó là vốn và pháp lý. Nhưng đến thời điểm này, những vướng mắc này đang dần được tháo gỡ.
Kỳ vọng sớm được khởi sắc
Nhận định toàn diện về thị trường năm 2023, giới chuyên gia cho rằng, quý I/2023 được coi là khoảng thời gian gần cuối của quá trình “sàng lọc tự nhiên”. Sau thời gian này, thị trường sẽ ghi nhận sự loại bỏ hàng loạt các đối tượng không phù hợp từ doanh nghiệp đến môi giới ra khỏi cuộc chơi. Đây chính là tiền đề cơ sở để thị trường sau đó sẽ phát triển một cách có chọn lọc, minh bạch hơn, bền vững hơn và chắc chắn hơn.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: "Lãi suất cả thế giới đang có xu hướng giảm, tỷ giá cũng đang giảm mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng thị trường bất động sản sẽ phục hồi.
Theo tôi từ quý IV trở đi đà phục hồi sẽ được thể hiện rõ nét hơn, những khó khăn của thị trường trái phiếu, của thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ nhiều hơn. Ngoài ra, những sửa đổi luật cũng được tiến hành để phù hợp hơn với thực tiễn, qua đó giải quyết được những khó khăn của thị trường".
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, bước sang năm 2023 thị trường BĐS nhận được nhiều tác động tích cực: kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bất chấp kinh tế thế giới vẫn đang bất ổn; đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt vào hạ tầng giao thông, tạo động lực cho các dự án BĐS; đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tăng cao, mang đến cơ hội cho BĐS khu công nghiệp, các dự án nhà ở dân cư; những chính sách mới có hiệu lực giúp chuẩn hóa và minh bạch thị trường BĐS; cùng với đó là tiến trình đô thị hóa vẫn phát triển kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao...
Ông Hiển phân tích thêm: “Hiện nay thị trường BĐS phát triển tốt hơn trước đây, ngay cả khi đang ở giai đoạn khó khăn, do tác động tích cực từ các yếu tố vĩ mô. Mặc dù dòng tiền đang gặp khó, nhưng tôi cho rằng sẽ ngay lập tức sôi động trở lại khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt giữ ở mức ổn định và việc giải ngân nhanh hơn. Trong giai đoạn cuối năm 2023, thị trường chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh với giá trị lớn nhưng vào thời điểm cuối năm thị trường sẽ phục hồi cục bộ ở một số phân khúc, khu vực khi nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân”.