Thị trường khan hiếm nguồn cung, môi giới nhọc nhằn tìm hàng để bán
Khan hiếm dự án mới do việc siết chặt cấp phép dự án mới của cơ quan chức năng đã khiến thị trường bất động sản đối mặt với thực trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng trong những năm gần đây. Không chỉ người có nhu cầu mua mà môi giới bất động sản cũng đang gặp khó vì thực trạng này.
Thị trường khan hiếm nguồn hàng trầm trọng
Báo cáo thị trường từ Bộ Xây dựng ghi nhận tính đến thời điểm cuối năm 2021, nguồn cung bất động sản đã sụt giảm mạnh so cùng kì năm 2020, con số sụt giảm là khoảng 50%. Trên quy mô toàn quốc, các dự án phát triển nhà ở thương mại chỉ có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép; 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành. Trong đó, miền Bắc có 84 dự án với 33.857 căn được cấp phép và 83 dự án với 10.347 căn hoàn thành. Miền Trung có 46 dự án với 10.508 căn được cấp phép; 20 dự án với 3.638 căn hoàn thành. Miền Nam có 71 dự án với 40.179 căn được cấp phép; 35 dự án với 1.540 căn hoàn thành. Hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Trong đó, Hà Nội có 19 dự án với 10.791 căn, tại TP. Hồ Chí Minh có 13 dự án với 6.803 căn nhà.
Thách thức này là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà tăng cao, khiến đại bộ phận dân chúng – những người có nhu cầu mua ở thực ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận với giá nhà, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Ước mơ an cư của người nghèo đô thị ngày càng xa vời. Tại hội nghị Bất động sản VRES 2021 do Batdongsan.com.vn tổ chức, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE thừa nhận hiện tượng giá nhà tăng do khan hiếm nguồn cung. Theo bà Dung, tại Hà Nội, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 41% và 42% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 52%. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 89% và 73% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 82%. Giám đốc cấp cao CBRE nhấn mạnh giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai. Cụ thể, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp TP. Hồ Chí Minh tăng 17%.
Đáng nói, khan hiếm dự án mới không chỉ khiến thị trường mua bán nảy sinh nhiều hệ quả mà cũng khiến môi giới bất động sản gặp khó trong việc bán hàng. Nhiều môi giới đã phải bỏ nghề vì thị trường quá ít dự án mới được tung ra.
Chuyển thị trường, chuyển nơi làm việc vì khan hiếm dự án
Anh Nguyễn Việt Hùng, giám đốc kinh doanh một sàn giao dịch bất động sản tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết nguồn cung dự án mới tại Hà Nội trong 2 năm gần đây quá khan hiếm. Do đó, từ một sàn nhiều năm trước chỉ chuyên bán các sản phẩm căn hộ, đất nền Hà Nội thì từ năm 2021, do quá ít dự án mới, sàn anh đã phân phối thêm các dự án ở thị trường tỉnh. Chi phí vận hành doanh nghiệp từ đó tăng lên do phải mở rộng văn phòng, tuyển thêm quân tại thị trường tỉnh. Do mới chuyển hướng về các tỉnh nên việc kinh doanh trong năm của sàn anh Việt Hùng cũng chưa trơn tru. Năm qua, tính ra sàn anh vẫn đang phải bù lỗ cho quá trình thay đổi này.
Chị Nguyễn Thị Huyền, một môi giới bất động sản tự do chia sẻ, năm 2020, chị nghỉ việc ở sàn cũ sau 2 năm gắn bó. Nguyên nhân là do Hà Nội ít dự án, sàn chị đang làm chuyển sang phân phối các dự án ở Thanh Hóa, Nghệ An. Sức khỏe yếu lại có con nhỏ nên chị Huyền không thể thường xuyên đi thị trường tỉnh để dẫn khách thực tế dự án. Từ khi nghỉ việc đến nay, chị Huyền làm môi giới tự do, chuyên tâm bán các sản phẩm thứ cấp của thị trường căn hộ Hà Nội ở các dự án mà công ty cũ từng phân phối hàng sơ cấp.
Tương tự như chị Huyền, chị Thanh Nhàn, môi giới bất động sản một sàn giao dịch tại Cầu Giấy cũng nghỉ công ty cũ để sang một công ty mới trong năm 2021. Trước đó, công ty cũ của chị là một sàn nhỏ. Do quy mô nhỏ nên khó có cơ hội phân phối các dự án lớn. Bởi vậy mà hàng hóa rất ít ỏi và càng ít ỏi hơn khi thị trường hiếm dự án. Do đó, chị Nhàn nghỉ việc, xin sang sàn lớn với mong muốn có nhiều nguồn hàng để bán hơn. Tuy nhiên, tại nơi làm việc mới dù sản phẩm để bán nhiều hơn nhưng cạnh tranh cũng rất khốc liệt do đông nhân viên.
Anh Nguyễn Việt Hùng cho biết thực trạng khan hiếm dự án mới khả năng cao sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2022. Các sàn giao dịch, các môi giới bất động sản sẽ tiếp tục đối diện với một năm khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hàng. Hoàn cảnh này sẽ buộc các sàn, các môi giới tham gia vào thị trường, tùy năng lực tài chính, kinh nghiệm, kiến thức phải linh hoạt tìm hướng đi riêng để tồn tại và phát triển.