Tiền Giang: Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp triển khai nhanh dự án

Chủ động tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư lớn, tập trung phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp triển khai nhanh dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư… là những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư của Tiền Giang năm 2021.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, năm 2020 là năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, đặc biệt dịch Covid-19 lan rộng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên với lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn có những chuyển biến tích cực, kết quả thu hút đầu tư trong năm qua đã vượt xa so với năm 2019.

Cụ thể, năm 2020, tỉnh đã thu hút được 37 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 17.779 tỷ đồng (trong đó, có 11 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3.209 tỷ đồng), có 10 dự án đăng ký tăng vốn 1.110 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút năm 2020 đạt 18.889 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2019.

Các nhà đầu tư nhìn chung đều quan tâm cả 3 vùng kinh tế của tỉnh, đặc biệt vùng phía Đông - vùng kinh tế biển có sự vượt bậc khi thu hút được 3 dự án lớn: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông I vốn đầu tư 4.465 tỷ đồng, Nhà máy điện gió Tân Phú Đông II vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng, Bến cảng - Tổng kho xăng dầu - Khí hóa lỏng và các sản phẩm sau dầu mỏ DKC Tiền Giang vốn đầu tư 3.646 tỷ đồng.

Tiền Giang tập trung đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2021.  
Tiền Giang tập trung đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2021.  

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, năm 2020 cũng là năm đầu tiên tỉnh Tiền Giang thu hút đầu tư bên ngoài khu, cụm công nghiệp lại cao hơn so với trong các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh kết quả trên, một số dự án có vốn đầu tư lớn cũng đang được nghiên cứu như: Tổ hợp nhà máy công nghiệp huyện Gò Công Đông vốn đầu tư 4.190 tỷ đồng, Khu đô thị mới huyện Cai Lậy vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bình Đông vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Bình Đông vốn đầu tư 900 tỷ đồng, Dự án My Thuan Park Resort tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè vốn đầu tư 756 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, điểm yếu nhất hiện nay của công tác xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang chính là thiếu quỹ đất sạch, kể cả đất công nghiệp cho thuê trong các khu, cụm công nghiệp cũng không còn nhiều.

Nhằm tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sắp tới tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động để mời gọi đầu tư các dự án thuộc Danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng lại phù hợp yêu cầu mới.

Trong đó tập trung mời gọi đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái - tâm linh, dịch vụ. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, phát triển khu dân cư, khu đô thị mới gắn với tập trung khai thác, phát triển hành lang kinh tế dọc theo các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 qua địa bàn tỉnh...

Mục tiêu phấn đấu trong năm nay, tỉnh Tiền Giang sẽ thu hút 6 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 54 triệu USD vào các khu, cụm công nghiệp, lao động tăng thêm khoảng 3.000 người.

Nguyên tắc lựa chọn đối tác sẽ ưu tiên mời doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư có chiến lược, có định hướng rõ ràng, sản phẩm cung cấp cho thị trường đảm bảo sức cạnh tranh và phải là dự án mang tính động lực, không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhất là hỗ trợ đối với các dự án cần giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, thủ tục đất đai…

Kết luận tại phiên họp thành viên UBND tỉnh tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các chủ đầu tư rà soát đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ triển khai các công trình phục vụ xây dựng xã, huyện nông thôn mới, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có lồng ghép các công trình trọng điểm.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, đến cuối tháng 5 cơ bản hoàn thành chủ trương đầu tư cho các dự án. Đồng thời, chuẩn bị các bước tiếp theo để khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ triển khai ngay các dự án khởi công mới, nhất là sử dụng nguồn vốn Trung ương.

Cửu Long

Theo DNVN