Tin bất động sản hôm nay 29/6: Hòa Bình dừng xem xét 5 dự án lớn của FLC và Tân Hoàng Minh
Hòa Bình dừng xem xét 5 dự án lớn của FLC và Tân Hoàng Minh; Bắc Giang tăng tốc giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp; Thái Nguyên mời nhà đầu tư làm dự án khu đô thị hơn 1.700 tỷ đồng; An Phú Land bị phạt; Giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tăng;…là những thông tin đáng chú ý.
Hòa Bình dừng xem xét 5 dự án lớn của FLC và Tân Hoàng Minh
UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Công văn số 1040 gửi các đơn vị liên quan về việc giải quyết các dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình do một số doanh nghiệp đề xuất và đang triển khai thực hiện.
Theo đó, đối với các dự án liên quan đến Tập đoàn FLC, tỉnh này dừng xem xét việc nghiên cứu, khảo sát, lập thủ tục đầu tư đối với 4 đề xuất dự án.
Cụ thể, gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Yên Thủy với diện tích sử dụng đất khoảng 704,8 ha tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; Khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình với diện tích đề xuất khoảng 19 ha tại phường Quỳnh Lâm; Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tòng Đậu với diện tích sử dụng đất khoảng 118 ha tại xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu; Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Thung Nai với diện tích sử dụng khoảng 981,1 ha tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc.
Còn với dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 9/3/2022), Tập đoàn FLC có trách nhiệm thực hiện dự án theo tiến độ, mục tiêu, quy mô dự án,… Trường hợp tiến độ thực hiện không đảm bảo hoặc nhà đầu tư không thực hiện các nội dung đã yêu cầu tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý theo quy định hiện hành.
Đối với các dự án liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề xuất, tỉnh dừng xem xét giải quyết dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Tân Hoàng Minh tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc với diện tích đất đăng ký sử dụng khoảng 355,97 ha.
Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xử lý các thủ tục liên quan đến cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục liên quan đến đất đai theo quy định, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 1/7/2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao xử lý các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 1/7/2022.
Bắc Giang tăng tốc giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp
Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, toàn tỉnh hiện có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó 5 KCN đi vào hoạt động gồm: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu (Việt Yên), Song Khê – Nội Hoàng (Yên Dũng, TP Bắc Giang); KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa). Cơ bản các KCN trên đã được lấp đầy, thiếu quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới.
Khắc phục tình trạng này, các địa phương tập trung phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ GPMB các KCN mới thành lập như: Tân Hưng (Lạng Giang), Yên Lư (Yên Dũng) và KCN Việt Hàn (Việt Yên), KCN Hòa Phú (mở rộng). Cuối tháng 11 năm ngoái, KCN Tân Hưng được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, quy mô hơn 105 ha thuộc địa bàn các xã: Xương Lâm và Tân Hưng.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay địa phương đã GPMB được 102,9 ha, trong đó UBND tỉnh đã cho thuê đất đợt đầu 72,6 ha. Tiến độ GPMB KCN Tân Hưng đáp ứng yêu cầu đề ra. Đối với phần diện tích “xôi đỗ” còn lại, huyện yêu cầu các phòng liên quan và chính quyền xã tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng xong trong năm nay.
Tại KCN Việt Hàn, đến nay huyện Việt Yên đã GPMB được 49,5/50 ha, đạt 99% tổng diện tích. Phần còn lại chưa GPMB liên quan đến 13 hộ có mộ cần di dời. Đại diện lãnh đạo huyện Việt Yên cho biết, trong số này có hộ chưa có quỹ đất di dời mộ và chưa đồng thuận di dời. Địa phương đang tháo gỡ vướng mắc, vận động các hộ di chuyển mộ ra khỏi diện tích đất công nghiệp. Chủ đầu tư san lấp mặt bằng 43/46 ha đất được thuê, phấn đấu thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để đưa KCN vào hoạt động, thu hút nhà đầu tư vào tháng 9 năm nay.
Tương tự, huyện Yên Dũng bắt tay ngay vào việc GPMB KCN Yên Lư quy mô 377 ha ngay sau khi được phê duyệt. Theo lộ trình, giai đoạn 1 địa phương GPMB 163 ha đất thuộc các thôn: Yên Hồng, Yên Tập Bắc, Yên Tập, Yên Tập Bến, Long Trùng Vân xong trước ngày 30/9 năm nay.
Thái Nguyên mời nhà đầu tư làm dự án khu đô thị hơn 1.700 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành thông báo mời quan tâm dự án khu đô thị Bắc đại học Thái Nguyên tại phường Quang Trung, phường Quang Vinh và phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên.
Diện tích khu đất gần 50ha, trong đó có 18ha đất ở; 2.546m2 đất cơ quan; 1.690m2 đất công cộng; 11.493m2 đất trường học; 1.331m2 đất thương mại dịch vụ; 1.519m2 đất y tế; 74.409m2 đất cây xanh; 4.776m2 đất hạ tầng kỹ thuật; 3.964m2 đất bãi đỗ xe và 216.211m2 đất giao thông.
Dự án cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bao gồm đất ở liền kề, nhà ở liền kề, đất ở biệt thự, nhà ở biệt thự, công trình thương mại dịch vụ, đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, cây xanh…
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 1.721tỷ đồng, trong đó tổng chi phí thực hiện dự án không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 1.205 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 516 tỷ đồng.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
Tự ý đặt tên dự án là Căn hộ cao cấp Tecco Felice Homes, An Phú Land bị phạt
Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Thanh tra Sở đã ban hành Quyết định số 41 đối với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản An Phú Land (Công ty An Phú Land). Công ty An Phú Land là chủ đầu tư dự án chung cư An Phú tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Theo Thanh tra Sở, Công ty An Phú Land đã có hành vi vi phạm hành chính là đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Cụ thể, Công ty An Phú Land đặt tên dự án đầu tư xây dựng là “Căn hộ cao cấp Tecco Felice Homes” tại bảng thông tin công trình, thông tin dự án tại dự án chung cư An Phú.
Vì vậy, Thanh tra Sở Xây dựng quyết định xử phạt Công ty An Phú Land số tiền 90 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, yêu cầu Công ty An Phú Land phải thực hiện đặt tên hoặc điều chỉnh tên các khu vực trong dự án theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Sở Xây dựng.
Trước đó, hồi tháng 1/2021, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 11 xử phạt Công ty An Phú Land số tiền 40 triệu đồng vì đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tăng
Sở Tư pháp Lâm Đồng vừa có công văn gửi Sở Xây dựng tỉnh về việc báo cáo giá bán và cho thuê nhà ở và một số loại hình bất động sản khác trên địa bàn tỉnh quý II/2022.
Theo đó, trong quý này, toàn tỉnh Lâm Đồng có 19.669 giao dịch đất nền thành công qua công chứng với hơn 21.283 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu tập trung tại các điểm nóng về hiến đất, mở đường nhằm mục đích tách thửa, số lượng giao dịch. Đơn cử, huyện Lâm Hà có 4.126 giao dịch, huyện Bảo Lâm có 3.660 giao dịch, huyện Đức Trọng có 3.144 giao dịch, huyện Di Linh có 2.640 giao dịch, TP Đà Lạt có 1.398 giao dịch, TP Bảo Lộc có 1.379 giao dịch.
Song song với đó, toàn tỉnh có 1.113 giao dịch nhà ở riêng lẻ thành công qua công chứng. Trong đó, nhiều nhất là tai TP Đà Lạt với 395 giao dịch, tiếp đó là huyện Đức Trọng với 313 giao dịch, TP Bảo Lộc với 216 giao dịch.
Nếu so sánh với quý I, lượng giao dịch nhà đất tại thị trường bất động sản Lâm Đồng trong quý II năm nay ghi nhận tăng mạnh.
Cụ thể, trong quý 1/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ có 12.467 giao dịch đất nền thành công, tập trung P tại huyện Lâm Hà với 3.077 giao dịch, huyện Di Linh (1.826), huyện Đức Trọng (1.648), TP Đà Lạt (1.162),… Còn phân khúc nhà ở riêng lẻ quý I chỉ ghi nhận 899 giao dịch.
Bà Rịa – Vũng Tàu rà soát việc phân lô tách thửa trên đất nông nghiệp
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát phân lô tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp tại huyện Đất Đỏ.
Theo đó, xét báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) ngày 3/6/2022 về rà soát phân lô tách thửa, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp tại thị trấn Đất Đỏ, UBND tỉnh sau đó đã có văn bản số 5903 ngày 25/5/2022 về tình hình thực hiện Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND về tách thửa trên địa bàn tỉnh và văn bản số 279/UBND ngày 26/5/2022 liên quan vụ việc “rải tiền cho đất ăn” xảy ra tại thị trấn Đất Đỏ, “hủy hoại rừng” tại khu vực núi Thị Vải.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Vãn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các sở ngành liên quan rà soát, thống nhất đề xuất phương án xử lý, tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, trên địa bàn huyện Đất Đỏ xảy ra tình trạng phân lô, bán nền tràn lan. UBND huyện Đất Đỏ đã đề nghị Sở TNMT và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện kiến nghị UBND tỉnh không cho tách thửa đối với các lô đất nông nghiệp không có đường.