Tin bất động sản hôm nay 30/6: Hà Nội rà soát dự án nghìn tỷ của ‘trùm BOT’ Tasco
Hà Nội rà soát dự án nghìn tỷ của ‘trùm BOT’ Tasco; Điều chỉnh dự án Hyatt Regency Ho Tram hơn 2.500 tỷ tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Doanh nghiệp duy nhất đăng ký làm dự án tổ hợp thương mại hơn 4.100 tỷ tại Thừa Thiên Huế; Thanh Hóa có thêm 2 dự án khu dân cư nghìn tỷ;…là những thông tin đáng chú ý.
Hà Nội rà soát dự án nghìn tỷ của ‘trùm BOT’ Tasco
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri quận Nam Từ Liêm về việc đề nghị UBND TP xem xét chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đơn vị ở 2,3 do Công ty CP Tasco (HUT) làm chủ đầu tư – dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương (tên thương mại Foresa Villa) tại phường Xuân Phương đã dừng nhiều năm nay chưa được triển khai, khiến người dân có nhà ở thuộc dự án này không cải tạo, sửa chữa được, dẫn đến nhà xuống cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 4/2/2008, UBND TP có Quyết định số 603 thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT). Công ty CP Tasco (Tasco) là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Theo đó, Tasco được UBND TP đối ứng cho 70ha đất, gồm: 30ha đất tại dự án đơn vị ở số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại đơn vị ở 3 và một phần đơn vị ở 2 Khu đô thị mới Xuân Phương (nay là dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương).
Đến ngày 15/6/2016, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3105 về việc cho phép Tasco tiếp tục sử dụng 370.440m2 đất (37,4ha) tại phường Xuân Phương, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương – giai đoạn 1.
Theo báo cáo của Tasco, dự án triển khai đảm bảo tiến độ được phê duyệt, trong đó giai đoạn 1 gồm 567 căn triển khai từ năm 2015-2018, giai đoạn 2 gồm 246 căn còn lại triển khai từ năm 2019-2025.
“Hiện UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất giải quyết đối với các đơn vị chậm triển khai, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án”, văn bản trả lời của UBND TP Hà Nội cho biết.
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng gồm các khu chức năng như khu cây xanh, hồ nước, các công trình nhà ở thấp tầng, công trình công cộng, đơn vị ở và công trình hạ tầng xã hội.
Hình ảnh của dự án hiện tại là hàng loạt căn biệt thự đã xây dựng bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều tuyến đường xung quanh dự án trở thành bãi tập kết rác thải sinh hoạt, xây dựng.
Điều chỉnh dự án Hyatt Regency Ho Tram hơn 2.500 tỷ tại Bà Rịa – Vũng Tàu
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản liên quan đến việc điều chỉnh dự án đầu tư khu du lịch Mặt trời buổi sáng (khu A) tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Văn bản có nêu rõ, xét công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh dự án, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát việc sử dụng đất của dự án, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các nội dung về thủ tục đất đai liên quan đến khu du lịch Mặt Trời Buổi Sáng (Khu A).
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng được yêu cầu phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn Công ty TNHH Thương mại Du lịch Mặt Trời Buổi Sáng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị điều chỉnh đầu tư dự án, UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh dự án đầu tư theo đúng quy định, thời hạn hoàn thành trong tháng 6.
Bên cạnh đó, các đơn vị, cơ quan liên quan được cũng cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án. Về phía chủ đầu tư, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩ vụ về ký quỹ đầu tư.
Dự án khu du lịch Mặt trời buổi sáng (khu A) được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2002, đến năm 2003 được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Cuối năm 2003, tỉnh đã thu hồi và bàn giao hơn 9ha đất cho Công ty TNHH Thương mại – Du lịch Mặt Trời Buổi Sáng thuê. Dự án này có diện tích hơn 9ha.
Tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh thành 18 tháng, khởi công xây dựng vào quý IV/2021 và đưa vào hoạt động vào hoạt động trong quý IV/2022.
Doanh nghiệp duy nhất đăng ký làm dự án tổ hợp thương mại hơn 4.100 tỷ tại Thừa Thiên Huế
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế vừa mở thầu dự án tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xoay Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu với tổng chi phí thực hiện dự kiến 4.123 tỷ đồng.
Đây là dự án sử dụng đất với tổng diện tích đất 182.601 m2, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế công bố danh mục kêu gọi nhà đầu tư đăng ký thực hiện từ đầu tháng 4/2022 với hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định pháp luật.
Trong quá trình mở thầu dự án, duy nhất nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji – Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Doji Land – Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Blue Star.
Trước đó, dự án tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận chủ trương đầu tư theo quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 21/2/2022.
Dự án sẽ xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở với dự kiến khoảng 160 căn nhà ở dạng thấp tầng và khoảng 2.100 căn hộ thương mại, dân số dự án khoảng 9.000 người.
Dự án nhằm mục tiêu hình thành trung tâm thương mại dịch vụ và khu ở cao cấp tại khu vực trung tâm khu A – khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế. Qua đó, dự án đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và nhu cầu mua sắm, lưu trú cho khách du lịch khi đến Huế, đồng thời góp phần tạo động lực cho tỉnh Thừa Thiên Huế sớm đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương…
Thanh Hóa có thêm 2 dự án khu dân cư nghìn tỷ
Ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định phê duyệt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án khu dân cư hơn 1.446 tỉ đồng tại phường Quảng Thọ, TP. Sầm Sơn và phường Quảng Tâm, TP. Thanh Hóa. Dự án được phê duyệt đầu tư là tòa dịch vụ thương mại cao 9 tầng, khu nhà ở xã hội cao 11 tầng và khu nhà ở liền kề có tổng diện tích đất khoảng gần 12 ha.
Dự án này có tổng chi phí hơn 1.446 tỉ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 44 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ông Mai Xuân Liêm cũng vừa ký quyết định số 2228, chấp thuận chủ trương thực hiện dự án khu đô thị mới Đông Tân Phong với tổng số tiền đầu tư 1.229 tỷ đồng tại huyện Quảng Xương.
Dự án khu đô thị mới Đông Tân Phong có diện tích 21,4ha, được đầu tư 1.229 tỷ đồng với 190 căn liền kề, 20 căn biệt thự; còn lại 264 lô đất liền kề, 24 lô đất biệt thự được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền và 7 lô đất tái định cư.
Trong đó, chi phí thực hiện không bao gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khoảng 1.191,6 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 37,83 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa giới hành chính thị trấn Tân Phong và xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương.
Giá chung cư tại Hà Nội đang liên tục tăng
Câu chuyện tăng giá chung cư tại thị trường Hà Nội trở thành tiêu điểm trong các nghiên cứu, báo cáo thị trường bất động sản thời gian gần đây. Hiện tại, tốc độ tăng giá của chung cư Hà Nội đã vượt TP.HCM, theo báo cáo của Batdongsan.com.vn. Số liệu thị trường tháng 5 mà website này vừa công bố cho thấy, giá bán chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, tỷ lệ này ở TP.HCM là 5%.
Trong báo cáo thị trường tháng 4, website này cũng đưa thông tin giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021, còn tại TP.HCM, mức tăng được ghi nhận là 3,4%.
Báo cáo thị trường quý I của Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá căn hộ Hà Nội tăng khoảng 4-5%, cao hơn so với TP.HCM (ở mức tăng 1-2% so với cùng kỳ).
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, đánh giá thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận xu hướng tăng giá từ quý I/2019 đến nay. Tính đến hết quý I, giá căn hộ trung bình tại Hà Nội đạt mức 1.840 USD/m2 (tương đương 43 triệu đồng/m2).
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, tính từ 2017 đến nay, chung cư ở Hà Nội ghi nhận mức tăng giá nhanh hơn TP.HCM, khoảng cách giá giữa 2 thị trường thu hẹp khoảng 15% mỗi năm. Ông Tuấn nhìn nhận, nếu nguồn cung thị trường Hà Nội tiếp tục khan hiếm như hiện tại, trong 2-3 năm nữa, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM sẽ ngang nhau.
Không chỉ các dự án mới, các chung cư đã đi vào hoạt động trong khoảng thời gian 2-5 năm ở Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng giá cao chưa từng thấy. Chẳng hạn, một căn căn hộ 85 m2 tại chung cư Bohemia đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân chứng kiến mức tăng giá từ 2,9 tỷ đồng lên 3,3 tỷ đồng, còn loại căn hộ 127 m2 tăng từ 4,7 tỷ đồng lên 5,1 tỷ đồng trong vòng 1 năm.
Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen của Tập đoàn đầu tư Hoa Sen sắp triển khai trở lại?
Sau khi đình chỉ toàn bộ hoạt động xây dựng tại dự án, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc rà soát, hướng dẫn Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để đảm bảo điều kiện tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Theo đó, dự kiến sáng ngày 30/6/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức buổi làm việc với nội dung liên quan đến việc tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Công văn số 4197/UBND-VX4 ngày 10/6/2022, Sở sẽ làm việc với UBND huyện Đạ Huoai và các sở ngành có liên quan, cùng Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen về các nội dung có liên quan.
Cụ thể, buổi làm việc nhằm mục đích rà soát, hướng dẫn Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để đảm bảo điều kiện tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen chuẩn bị các nội dung về tình hình thực hiện, tình hình khắc phục các sai phạm tại dự án nêu trên.
Trước đó, dư luận tỉnh Lâm Đồng xôn xao khi báo chí thông tin việc UBND huyện Đạ Huoai có văn bản đề xuất dừng dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen của Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen để xử lý dứt điểm các phát sinh theo đúng quy định.