Tin bất động sản hôm nay 5/7: Bình Dương ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan

Bình Dương ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan; Đất nền phía Bắc: Mua dễ, bán khó; Biệt thự, nhà phố bỏ hoang “ngáo giá”; Tài Tâm Group muốn làm 3 dự án bất động sản ở Đồng Tháp; Dòng vốn hơn 10.000 tỉ đổ về Bình Định, hé lộ nhiều dự án bất động sản lớn;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 5/7.

Bình Dương ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan

UBND tỉnh Bình Dương vừa thông tin Dự thảo Quy định “Điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất ở Bình Dương”.

Theo đó, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp là 300m2 tại các phường, 500m2 ở thị trấn và 1.000m2 ở các xã.

Đối với đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là lập chung các địa phương, diện tích tối thiểu được tách là 1.000m2 ở các phường, 2.000m2 tại thị trấn và 3.000m2 tại các xã. Phương án 2, quy định theo từng đặc thù của các địa phương khác nhau.

Tin bất động sản hôm nay 5/7: Bình Dương ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan - Ảnh 1

Ở phương án 2, các địa phương còn nhiều đất nông nghiệp như các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo là 2.000m2 ở thị trấn và 3.000m2 ở các xã; các thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và Bến Cát diện tích tối thiểu được tách là 300m2 tại phường, 1.000m2 tại xã.

Dự thảo cũng bổ sung thêm các quy định điều kiện được tách thửa, như: Đối với trường hợp tách thửa đất ở, tách thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp… thì tối thiểu phải đáp ứng đủ 2 điều kiện là tiếp giáp đường giao thông do Nhà nước quản lý và tuyến cấp điện đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện trên cơ sở căn cứ điều kiện thực tế hoặc kế hoạch đầu tư trung hạn để xem xét, giải quyết tách thửa.

UBND tỉnh Bình Dương sẽ tập hợp các ý kiến người dân và xem xét đưa ra Quyết định mới về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đất. Đây cũng là cơ sở để các địa phương trong tỉnh áp dụng, chấn chỉnh lại tình trạng phân lô, bán nền tràn lan.

Biệt thự, nhà phố bỏ hoang “ngáo giá”

Báo cáo gần nhất của Savills cho biết, kể từ quý III/2021, giá bán sơ cấp của phân khúc biệt thự, liền kề và nhà phố Hà Nội liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Quý IV/2021 ghi nhận giá bán trung bình cao nhất ở mức 381 triệu đồng/m2 đất tại quận Tây Hồ. Tuy nhiên, mức giá này đã bị vượt qua trong quý I/2022 với mức 417 triệu đồng/m2 đất đến từ sản phẩm nhà phố tại quận Hoàng Mai.

Khảo sát thực tế cho thấy, không chỉ các biệt thự, nhà phố, liền kề đã hoàn thiện và có tỷ lệ lấp đầy lớn tăng giá, mà loạt biệt thự, liền kề và nhà phố bỏ hoang cũng đang có mức giá “gây choáng”.

Tại Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, từ năm 2018 tới nay trung bình mỗi năm giá nhà đất tăng đều từ 20-30%.

Ở Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức), hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang la liệt, không người ở, nhưng mức giá vẫn tăng gấp 2 lần trong 2 năm dịch bệnh.

Lý giải việc tăng giá liền kề, biệt thự Hà Nội, lãnh đạo Savills cho rằng, phân khúc này có thể sẽ được quan tâm nhiều trong năm nay, thậm chí có nơi tăng giá gấp đôi sau 2 năm. Tuy nhiên, cần phải có những đánh giá thực tế nó là sản phẩm gì bởi nếu dự án tăng mạnh quá thanh khoản sẽ giảm.

Nhiều môi giới thừa nhận, thực tế dù nguồn cung nhiều nhưng thị trường liền kề, biệt thự “sốt” chung nên kể cả biệt thự, nhà phố bỏ hoang tại Hà Nội cũng bị đẩy giá. Tuy nhiên, vì giá quá cao, nhiều nhà đầu tư cũng run tay không dám “đu đỉnh” ở thời điểm hiện tại.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cảnh báo, thời gian qua thị trường biệt thự, liền kề đang có hiện tượng bị đẩy giá, do cầu lớn, hàng khan. Việc này đã tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường vì vậy nhà đầu tư cần tỉnh táo trước cơn “ngáo giá” của thị trường.

Đồng thời, với áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường BĐS chậm lại trong ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư đặc biệt cần lưu ý với những mức giá “ảo”, do được đẩy lên.

Tài Tâm Group muốn làm 3 dự án bất động sản ở Đồng Tháp

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp,  ngày 29/6, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Tài Tâm (Tài Tâm Group) về đề xuất đầu tư 3 dự án tại TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc.

Các dự án này gồm Tổ hợp đô thị – du lịch Tài Tâm – Sa Đéc; Tổ hợp đô thị – Tài Tâm – Cao Lãnh và Tổ hợp Thương mại, dịch vụ, khách sạn, căn hộ Cao Lãnh.

Tài Tâm Group mong muốn tài trợ lập quy hoạch phân khu tại các dự án trên địa bàn hai thành phố nói trên và đăng ký đầu tư tại vị trí lập quy hoạch. Ngoài ra, Tài Tâm Group cho biết, sẽ nghiên cứu đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đồng Tháp.

Tin bất động sản hôm nay 5/7: Bình Dương ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan - Ảnh 21 góc tỉnh Đồng Tháp.

Trước đề xuất của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương để hướng dẫn nhà đầu thực hiện đúng quy định pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Tháp liên tục đón các doanh nghiệp lớn tìm về nghiên cứu đầu tư.

Hồi tháng 5, tỉnh đã thống nhất lập quy hoạch và tiếp nhận tài trợ kinh phí lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Cao Lãnh II và Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Cao Lãnh III của CTCP Đầu tư và Phát triển KCN Phát Đạt (thuộc Phát Đạt Group).

Trước đó, vào tháng 4, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với CTCP Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc và CTCP Xây dựng và Phát triển Thái Dương thực hiện dự án Khu dân cư mới phường Mỹ Phú – TP Cao Lãnh.

Đất nền phía Bắc: Mua dễ, bán khó

Nếu như chỉ cách đây vài tháng, thị trường đất nền Sơn Tây (Hà Nội) vẫn còn “nóng như lửa” khi nhà đầu tư ùn ùn kéo về săn đất vườn, đất đồi nhằm đón đầu bước chân các “ông lớn”, đẩy giá đất tăng cao, thì thời gian gần đây đã hạ nhiệt.

Anh Đức Hoàng, một nhà đầu tư cho biết, từ cuối tháng 3/2022 tới nay, anh đã 2 lần hạ giá bán 2 lô đất giá trị hơn 4 tỷ đồng vốn ban đầu nhưng vẫn chưa chốt được giao dịch. Một số khách hàng có gọi điện hỏi han, nhưng chủ yếu là để thăm dò, chứ không thực sự muốn mua.

Tin bất động sản hôm nay 5/7: Bình Dương ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan - Ảnh 3

Tương tự, tại các thị trường lân cận Hà Nội khác như Bắc Giang, Bắc Ninh… những tháng đầu năm giao dịch đất nền còn sôi động, thì nay cũng trở nên nguội lạnh. Trên các hội nhóm, trang rao bán bất động sản xuất hiện la liệt thông tin “Cần tiền gấp nên bán lô đất…”, “Cắt lỗ lô đất mặt đường…”, “Bán cắt lỗ gấp đất nền dự án…”,…

Số liệu khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, các sản phẩm bất động sản đăng bán trong tháng 5/2022 duy trì đà tăng, nhưng nhu cầu tìm kiếm lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các loại hình bất động sản, đất nền được rao bán nhiều nhất với mức tăng 30%, tiếp đó là nhà riêng và nhà mặt phố với mức tăng 13%.

Ông Lê Đình Hảo, Quản lý Kinh doanh cấp cao Batdongsan.com.vn cho biết, tại khu vực phía Bắc, ngoại trừ xuất hiện sóng tăng nhẹ ở một số nơi có quy hoạch đường vành đai, lượng quan tâm và giao dịch các loại hình đất đều chững lại, rõ nét nhất là phân khúc đất vườn, đất rẫy, đất nông nghiệp ở khu vực ven đô.

Rõ ràng, việc thanh khoản thị trường chững lại đang tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư cũng như người mua nhà ở thực, ngay cả người có nguồn tài chính dư dả cũng thận trọng quan sát, bất chấp những thông tin quy hoạch, đầu tư dự án hạ tầng trọng điểm trên cả nước liên tục được đưa ra.

  1. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cảnh báo, thực trạng “mua dễ, bán khó” đang hiện hữu, tức là bất động sản có thể mua được nhưng muốn bán ra để thu hồi vốn lại không dễ dàng. Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đang dùng vốn vay để đầu tư bất động sản, nên khi tài sản này có thanh khoản thấp sẽ dễ trở thành gánh nặng.

Trong khi đó, mối lo của thị trường không chỉ đối với bên mua, mà còn tác động dây chuyền do việc tắc vốn mang lại với các nhà phát triển dự án, nhà thầu xây dựng. Theo ông Đính, hiện nay, tâm lý thị trường đang xuống thấp, người mua nhà tỏ ra dè dặt nên các dự án khó bán hàng. Hơn nữa, khi nguồn vốn tắc nghẽn sẽ dễ dẫn đến nguy cơ các dự án nhà ở hình thành trong tương lai nói riêng, thị trường bất động sản nói chung rơi vào tình trạng “nằm im, thở khẽ”.

Dòng vốn hơn 10.000 tỉ đổ về Bình Định, hé lộ nhiều dự án bất động sản lớn

Theo Trang tin xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến hết tháng 6/2022 tỉnh thu hút được hơn 10.500 tỉ đồng vốn đầu tư.

Cụ thể, lũy kế từ đầu năm đến nay, tỉnh miền Trung này thu hút mới 38 dự án với tổng vốn đầu tư trong nước 8.092,54 tỉ đồng. Đồng thời có 8 dự án thực hiện tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 2.439,56 tỉ đồng.

Theo đó, có18 dự án được đầu tư trong các Cụm Công nghiệp với tổng vốn đầu tư 355,49 tỉ đồng; 09 dự án ngoài KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 5.622 tỉ đồng; 11 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp (KKT, KCN) với tổng vốn đầu tư 2.114 tỉ đồng.

Phân theo lĩnh vực có 28 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp; 07 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và 03 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản.

Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, 6 tháng qua Bình Định có 02 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng 6,98 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.096,69 tỉ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 846,07 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 250,62 triệu USD.

Một số dự án lớn có thể điểm tên như: Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại – dịch vụ 01 và Khu du lịch nghỉ dưỡng thuộc phần diện tích đất còn lại của dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân của Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Phố với vốn đầu tư 2.378,21 tỉ đồng

Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn của Liên danh Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ, Công ty TNHH Bất động sản Quảng Bình, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang với vốn đăng ký đầu tư 1.646,53 tỉ đồng.

Khu vui chơi giải trí Đầm Thị Nại của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư 795,67 tỉ đồng.

Khu đô thị thương mại – dịch vụ phía Nam đường Đô Đốc Bảo, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn của Liên danh Công ty CP Địa ốc Nam Việt và Công ty CP Xây dựng Sài Gòn với vốn đầu tư 740 tỉ đồng.

Khu đất ở phía Nam đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài tại lý trình Km2+400, Khu kinh tế Nhơn Hội của Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Quy Nhơn, vốn đầu tư 649 tỉ đồng.

BIDV rao bán khoản nợ hơn 471 tỷ đồng bảo đảm bằng loạt bất động sản

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết tổng dư nợ tính đến ngày 21/6/2022 là hơn 471 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là trên 347 tỷ đồng, dư nợ lãi là gần 124 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tài sản bảo đảm của khoản nợ là hàng loạt bất động sản tại Tp. Hồ Chí Minh. Bao gồm: quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ: 63 (tầng 1) Pastuer, P.Bến Nghé, Quận 1, chủ tài sản: ông Hoàng Như Luận; 12 bất động sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Phường An Phú Đông, Quận 12, chủ tài sản: ông Phạm Văn Công và bà Phạm Thị Nhàn; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ: 102 Trần Quốc Toản, P.7, Quận 3, chủ tài sản: ông Trần Văn Thông; Hàng tồn kho theo các hợp đồng thế chấp đã ký.

Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là hơn 471 tỷ đồng, khách hàng tham gia đấu giá đặt cọc 10% tương đương với 47,1 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Vertical Synergy Viet Nam được thành lập từ tháng 7/2021, có địa chỉ tại Phòng 5, Tầng 6, Toà nhà Saigon Centre Số 65 Lê Lợi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nguyên liệu rắn, lỏng, khí, bán buôn xăng dầu ngoại trừ kinh doanh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LPG và dầu nhớt cặn.

Minh Thu (T/H)

Theo Kinh doanh và phát triển