Tin bất động sản hôm nay ngày 31/7: Mê Linh đấu giá thành công 33 lô đất "vàng", giá cao nhất 93 triệu đồng/m2
Mê Linh đấu giá thành công 33 lô đất "vàng"; Bộ Công an thu thập hồ sơ 7 dự án của FLC ở Thanh Hóa; Quảng Ngãi đấu thầu dự án khu dân cư Nam Hùng Vương; Gỡ điểm nghẽn khung giá đất; Thanh Hóa phê duyệt đồ án Quy hoạch khu tái định cư xã Đồng Tiến;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 31/7.
Mê Linh đấu giá thành công 33 lô đất "vàng", giá cao nhất 93 triệu đồng/m2
Chiều ngày 30/7/2022, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty đấu giá Hợp Danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá đối với 33 lô đất "vàng" tại điểm X1, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, thu về gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m3, tiếp tục xác lập mức kỷ lục giá mới.
ổng diện tích khu đấu giá là 3.412,7m2 (diện tích thửa nhỏ nhất 67,4m2; thửa có diện tích lớn nhất 193m2), giá khởi điểm từ 32,1 triệu đồng đến 44,2 triệu đồng/m2.
Trong đó, 17 lô băng 1 đường Chi Đông có ký hiệu từ LK-A- 01 đến LK-A- 09 và từ LK-B-01 đến LK-B-08, có diện tích 110 m2 - 193 m2, giá khởi điểm dao động 40.2 triệu đồng – 44.2 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc là 884,4 triệu đồng – 1.7 tỷ đồng/lô.
16 lô băng 2 đường Chi Đông có ký hiệu từ LK-C-01 đến LK-C-08 và từ LK-D-01 đến LK-D-08, có diện tích từ 67,4m2 -141m2, giá khởi điểm 32,1 triệu đồng – 35,3 triệu đồng/m2.
Đây là khu đất "vàng" tiếp giáp với tuyến đường giao thông huyết mạch, gần khu công nghiệp Quang Minh, gần trung tâm hành chính, trường học nên thu hút đông khách hàng tham gia. 33 lô đất đã thu hút 227 lượt khách hàng tham gia đấu giá.
Kết quả, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công. Trong đó, lô LK-B-01 có diện tích 160 m2 có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng, chênh 8,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 01 lô góc ký hiệu LK-A-01 có diện tích 193m3, cũng được đấu thành công với mức trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Bộ Công an thu thập hồ sơ 7 dự án của FLC ở Thanh Hóa
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo một số sở, ngành, đơn vị cung cấp các hồ sơ, tài liệu mà Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương này.
Theo đó, Bộ Công an đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phối hợp cung cấp hồ sơ dự án đất, các tài liệu liên quan đến việc phê duyệt, triển khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại các dự án bất động sản do Tập đoàn FLC là chủ đầu tư.
7 dự án được Bộ Công an thu thập hồ sơ gồm: Dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC; dự án FLC Sầm Sơn Golf Links; dự án khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa; dự án Nhà máy gạch Tuynel FLC; dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long; dự án Xây dựng công trình bến thuỷ nội địa FLC (chưa được giao đất, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư); dự án không gian du lịch ven biển phía Đông.
Mục đích cung cấp hồ sơ các dự án trên là để phục vụ việc điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các doanh nghiệp có liên quan.
Quảng Ngãi đấu thầu dự án khu dân cư Nam Hùng Vương
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư Nam Hùng Vương tại phường Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ. Nhà đầu tư sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu.
Dự án có diện tích sử dụng đất 95.347,9 m2. Trong đó, dự án bố trí hơn 6.500 m2 để xây dựng 65 căn nhà ở thương mại; 181 lô đất liên kế có tổng diện tích hơn 17.400 m2; 38 lô đất ở biệt thự hơn 7.800 m2 và 20 lô đất ở tái định cư 2.000 m2.
Đất thương mại dịch vụ có diện tích 7.576 m2, đất xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội hơn 53.900 m2.
Sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhà đầu tư bàn giao phần công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đất thương mại dịch vụ cho địa phương quản lý.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 178,8 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng là 30 tỷ đồng.
Vốn góp của nhà đầu tư ít nhất chiếm 20% vốn đầu tư dự án. Vốn huy động vay từ ngân hàng thương mại nhiều nhất là 80%.
Dự án được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Gỡ điểm nghẽn khung giá đất
Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, chuyên sâu. Cũng bởi tầm quan trọng đặc biệt của đạo luật này, nên từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi để bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, và từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất nói riêng, một số quy định của Luật Đất đai đã trở nên lạc hậu, cản trở sự phát triển, do đó cần sửa đổi, bổ sung kịp thời để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
Cũng bởi đây là dự án Luật “rất khó, rất phức tạp”, nên cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự án Luật này là Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng đã rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trong quá trình sửa đổi, những khoảng trống pháp lý cần phải được quy định bổ sung, những quy định bất hợp lý cần chỉnh sửa cho kịp thời với thực tiễn đang đòi hỏi. Một trong những vướng mắc hiện nay đó là quy định về khung giá đất trong Luật.
Theo Điều 113 Luật Đất đai quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Thực tế triển khai cho thấy, khung giá đất không theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời, biên độ quá rộng. Chính việc bảng giá đất thấp hơn thị trường đã dẫn đến tình trạng “hai giá”, người mua đất “ghi khống” giá trị để trốn thuế. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng một số dự án bị chậm tiến độ do người dân không đồng tình với giá trị đền bù khi giải phóng mặt bằng. Và đây cũng chính là nguyên nhân của khiếu kiện đất đai gia tăng trong thời gian qua, liên quan đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã quy định bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Nghị quyết đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang và có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương.
Thanh Hóa phê duyệt đồ án Quy hoạch khu tái định cư xã Đồng Tiến
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 2640/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu tái định cư xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Với quy mô diện tích khu đất khoảng 3,3ha, dân số khoảng 600 người.
Theo đó, mục tiêu lập quy hoạch, làm cơ sở pháp lý đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch. Lập Dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tạo quỹ đất tái định cư, phục vụ cho các dự án trọng điểm khác trên địa bàn đô thị Gốm, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ; phù hợp với quy hoạch và kiến trúc cảnh quan, đáp ứng nhu cầu ở của dân cư đô thị.
Định hướng tổ chức không gian; khung giao thông bao gồm 3 tuyến kết nối từ tuyến đường phía Đông Bắc khu đất, kết nối với tuyến phía Tây Nam khu đất (đường hiện trạng giáp ranh với công sở xã Đồng Tiến hiện nay), tạo thành khung giao thông ô bàn cờ. Mặt cắt giao thông nội khu 17,5m, đảm bảo bố trí đường ống kỹ thuật và trồng cây xanh bóng mát trên vỉa hè.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm mới đây cũng đã ký văn bản ban hành về việc thống nhất chủ trương cho CTCP Dịch vụ bay và Du lịch biển Tân Cảng (Tân Cảng Travel) khảo sát, nghiên cứu đề xuất ý tưởng quy hoạch tại bãi bồi cửa Lạch Trường để nâng cao hiệu quả sử dụng đất (phương án lấn biển).
Trước đó, doanh nghiệp này có đề xuất ý tưởng nghiên cứu, khảo sát lập dự án Marina Bay Hải Tiến và xin cập nhật điều chỉnh mở rộng quy hoạch xây dựng đô thị Hải Tiến đến năm 2030.
Về vấn đề này, UBND tỉnh giao UBND huyện Hoằng Hóa rà soá điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đô thị Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa.
Quá trình rà soát điều chỉnh quy hoạch, UBND huyện Hoằng Hóa phối hợp với CTCP Dịch vụ bay và Du lịch biển Tân Cảng để đưa ý tưởng vào điều chỉnh quy hoạch chung đô thị (nếu bảo đảm tính khả thi).
Với vị trí đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch tiếp giáp sông Lạch Trường và biển Đông, gần công trình quốc phòng, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu trong quá trình nghiên cứu ý tưởng quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống thiên tai, thoát lũ; tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật liên quan về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng theo quy định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.