Tin bất động sản hôm nay ngày 28/9: Bình Phước cảnh báo mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng
Bình Phước cảnh báo mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng; Cam Lâm (Khánh Hòa) hủy nhiều quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; Quảng Ngãi “bác” đề xuất đầu tư Khu đô thị sinh thái ven sông Trà Khúc; Hơn 500 tỷ làm khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà tại Quảng Trị; Giảm quy mô diện tích khu công nghiệp Đức Hòa III – Slico; TP HCM đề xuất cho chuyển 21 dự án có đất lúa sang làm nhà ở là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 28/9.
Bình Phước cảnh báo mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng
Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước vừa có thông báo số 2814 cảnh báo về việc lập vi bằng mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo Sở này, qua nắm bắt thông tin cho thấy, trên địa bàn có hiện tượng người dân thực hiện mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng. Tuy nhiên, việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội ghi rõ người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê.
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở.
“Do đó, việc mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành”, Sở Xây dựng Bình Phước thông tin.
Sở Xây dựng Bình Phước đề nghị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch về nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trước khi thực hiện giao dịch cần yêu cầu chủ dự án (chủ đầu tư) cung cấp đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án, các loại giấy tờ như: giấy đăng ký kinh doanh, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 kèm bản vẽ chi tiết...
Cam Lâm (Khánh Hòa) hủy nhiều quyết định chuyển mục đích sử dụng đất
UBND Huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) vừa ra quyết định hủy 4 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn.
Cụ thể, UBND huyện Cam Lâm hủy quyết định về việc cho ông Lương Công Dân, ông Vũ Đình Chinh chuyển mục đích sử dụng đất tại thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây; hủy quyết định về việc cho phép bà Đỗ Thị Như Trâm chuyển mục đích sử dụng đất tại thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây; hủy quyết định cho phép bà Trần Thị Phương, ông Lương Công Danh chuyển mục đích sử dụng đất tại thị trấn Cam Đức.
UBND huyện Cam Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chuyển thông tin đến Chi cục thuế Khu vực Nam Khánh Hòa hoàn trả lại số tiền thuế và lệ phí trước bạ việc chuyển mục đích sử dụng đất mà các cá nhân trên đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Cam Lâm hủy thông tin chính lý hồ sơ địa chính đối với hồ sơ chuyển mục đích tại các thửa đất nói trên.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa họp, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Trí Tuân (Phó chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021) và bà Lê Phạm Thùy Ngân (Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm); thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Lê Anh Tùng (Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự (nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm) và ông Nguyễn Hữu Hảo (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020-2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021).
Quảng Ngãi “bác” đề xuất đầu tư Khu đô thị sinh thái ven sông Trà Khúc
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành văn bản số 2022 (ngày 26/9/2022) về việc góp ý kiến đề xuất nghiên cứu đầu tư và lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Khu đô thị sinh thái ven sông Trà Khúc.
Ngày 13/9/2022, Sở Xây dựng đã nhận được công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất chủ trương đầu tư Khu đô thị sinh thái ven sông Trà Khúc.
Theo đề nghị của Công ty cổ phần xây dựng Đắc Đạo, vị trí khu đất dự kiến có diện tích khoảng 40ha, tại xã Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi.
Đối chiếu với đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Quảng Ngãi đến năm 2040 (đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt), vị trí đề xuất đầu tư dự án khu đô thị thuộc khu vực được định hướng quy hoạch gồm: đất cây xanh đô thị, đất mặt nước và cảng cá Cổ Luỹ thuộc Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt.
Vị trí đề xuất đầu tư khu đô thị thuộc khu vực được định hướng quy hoạch gồm: đất dự trữ phát triển, đất cây xanh công viên và đất mặt nước.
Nhìn chung, Quy hoạch phân khu và Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đã được duyệt. Do vậy, Sở Xây dựng cho rằng không đủ cơ sở để thống nhất với đề xuất nghiên cứu đầu tư và lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Khu đô thị sinh thái ven sông Trà Khúc của Công ty cổ phần xây dựng Đắc Đạo tại vị trí trên; Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công ty khảo sát lựa chọn vị trí khác phù hợp với các quy hoạch được duyệt để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.
Hơn 500 tỷ làm khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà tại Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Công ty TNHH An Viên về việc thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà.
Công ty TNHH An Viên đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc đề xuất đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà với diện tích 62,58 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 546 tỷ đồng tại phường Đông Lương, TP. Đông Hà.
Sau khi nhận được văn bản, tỉnh Quảng Trị giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh tổ chức thực hiện Dự án theo chủ trương đã được phê duyệt. Nếu Công ty TNHH An Viên quan tâm thì mời Công ty tham gia đấu giá các quỹ đất tại Dự án theo quy định hiện hành. Trường hợp An Viên nghiên cứu có giải pháp quy hoạch thực hiện Dự án phù hợp hơn thì đề xuất UBND Tỉnh xem xét trước 31/10/2022, theo báo Đấu thầu.
Trước đó, ngày 17/6/2022, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký Quyết định số 1595/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà.
Dự án này thuộc một phần trong đồ án đã được phê duyệt với diện tích 62,58 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 546 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2024.
Về doanh nghiệp, Công ty TNHH An Viên thành lập từ ngày 14/1/2005, có trụ sở chính tại đường Trần Thị Sinh, Khu đô thị Đồng Sơn, phường Trưng Trắc, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Anh Tuấn.
Giảm quy mô diện tích khu công nghiệp Đức Hòa III – Slico
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1129/QĐ-TTg chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đức Hòa III – Slico.
Theo đó, điều chỉnh giảm quy mô diện tích khu công nghiệp từ 195,7906 ha xuống còn 157,27 ha (giảm 38,526 ha).
Về tổng vốn đầu tư của dự án, Quyết định giao Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh yêu cầu nhà đầu tư rà soát và xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo phù hợp với diện tích đất thực hiện dự án và chất lượng công trình.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu không chuyển phần diện tích khu công nghiệp được điều chỉnh giảm (38,5206 ha) sang mục đích sử dụng đất khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có vi phạm hoặc chưa đảm bảo đủ điều kiện cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất này thì phải có giải pháp khắc phục theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng phần diện tích đất này phải phù hợp với nhu cầu và thống nhất với kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước đây khi đề xuất điều chỉnh diện tích quy hoạch khu công nghiệp Đức Hòa III. Đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên có liên quan khi chuyển đổi đất khu công nghiệp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.
Việc quản lý, sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại phần diện tích giảm của khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan, không làm thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.
TP HCM: Đề xuất cho chuyển 21 dự án có đất lúa sang làm nhà ở
Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM vừa trình HĐND TP HCM danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, danh mục cần thu hồi đất trên địa bàn để thực hiện dự án.
Theo đó, Sở đề xuất cho 18 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha diện tích hơn 31,74 ha và 3 dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa trên 10 ha với diện tích hơn 170 ha. Trong đó, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án nhà ở khoảng gần 30 ha.
Đơn cử, tại huyện Nhà Bè, khu dân cư An Hưng, xã Nhơn Đức của Công ty CP đầu tư TMDV An Hưng cần chuyển 8,05 ha đất trồng lúa; khu chung cư cao tầng và thương mại, dịch vụ, văn phòng tại xã Phước Kiển của Công ty CP BĐS Sài Gòn Nam Phú cần chuyển 0,93 ha.
Khu dân cư tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn của Công ty CP STC Corporation cần chuyển mục đích 2,38ha diện tích đất trồng lúa. Dự án khu nhà ở Thới An Luxury City tại quận 12 của Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh phát triển nhà Sang Anh cần chuyển mục đích 6,94 ha diện tích đất trồng lúa.
Dự án chung cư cao tầng tại phường Phú Thuận, quận 7 (LuxStar) của Công ty CP đầu tư Đất Viễn Đông cần chuyển mục đích 0,86 ha đất trồng lúa; dự án khu chung cư cao tầng tại phường Phú Thuận, quận 7 của Công ty CP BĐS Sông Hồng Land House cần chuyển mục đích 1,77 ha diện tích đất trồng lúa để thực hiện dự án.
Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Phước, TP Thủ Đức của Công ty Cổ phần phát triển Thành phố Xanh cần chuyển mục đích 8,08 ha diện tích đất trồng lúa; dự án xây dựng khu căn hộ Điền Phúc Thành, phường An Khánh, TP Thủ Đức có 0,07 ha đất trồng lúa cần chuyển mục đích…
Sở Tài nguyên Môi trường cho biết tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2020 là 111.875 ha, giai đoạn 2015 – 2020 diện tích đất nông nghiệp giảm 3.623 ha, trung bình giảm 725ha/năm. Do trong quá trình đô thị hóa đất nông nghiệp chủ yếu chuyển sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và đất ở.
Trong đó diện tích đất trồng lúa năm 2020 là 15.586 ha, giảm 3.089 ha so với 2015 (đất chuyên trồng lúa giảm 1.468 ha). Như vậy, chỉ tiêu đất trồng lúa còn lại để chuyển mục đích sử dụng là 10.172 ha.