Tin bất động sản hôm nay 11/7: Viva Land trở thành nhà phát triển dự án đảo Tuần Châu
Viva Land trở thành nhà phát triển dự án đảo Tuần Châu; Biệt thự TP HCM lập mốc 700 tỷ đồng một căn; Đồng Nai lên kế hoạch đấu giá 42 khu đất lớn; Địa ốc Cát Tường đầu tư KĐT hơn 1.100 tỷ tại Hậu Giang; “Lùi” ngày bàn giao tại dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay 11/7.
Viva Land trở thành nhà phát triển dự án đảo Tuần Châu
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) vừa công bố trở thành nhà phát triển và vận hành dự án đảo Tuần Châu, TP Hạ Long. Dự án có diện tích 618 ha, được chia thành 31 dự án thành phần, với đầy đủ các sản phẩm bất động sản như villa, resort, shophouse, khách sạn, bán lẻ…
Đảo Tuần Châu là dự án của Tuan Chau Group – một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh theo hướng quy mô, hiện đại. Dự án này gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đào Hồng Tuyển, được thực hiện từ năm 1997.
Viva Land được biết đến trong thời gian qua với nhiều thương vụ M&A dự án đình đám. Theo đó, dù mới xuất hiện trên thị trường nhưng tập đoàn này liên tiếp tham gia vào nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Gần đây nhất, trên khu đất thuộc siêu dự án One Central HCM thuộc khu tứ giác Bến Thành – TP.HCM xuất hiện logo Viva Land làm rộ lên thông tin tập đoàn này sẽ trở thành đơn vị tiếp theo hồi sinh “dự án vàng” này.
One Cental HCM ban đầu có tên gọi The Spirit of Saigon, do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Sau khi xây dựng phần hầm trong giai đoạn 2012-2013, dự án “đắp chiếu” một thời gian dài. Dự án sau đó được Masterise Group triển khai thêm phần khối đế, song cũng đã ngừng thi công từ đầu năm 2022.
Tháng trước, Viva Land cũng công bố dự án trên khu đất vàng rộng 13.000 m2 tại số 4 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Theo thiết kế tại đây sẽ có 3 tòa tháp cao từ 18 đến 44 tầng làm căn hộ và văn phòng cho thuê.
Tại TP HCM, Viva Land đang hồi sinh dự án Saigon One Tower trên đất vàng Quận 1 với tên mới là IFC One Saigon. Ngoài ra, danh mục dự án của tập đoàn này phát triển còn có dự án Mũi Đèn Đỏ – Saigon Peninsula (Quận 7), dự án căn hộ Diamante (Quận 2) và dự án văn phòng tại Bến Vân Đồn (Quận 4)
Hồi đầu năm nay, Viva Land đã chi 550 triệu USD mua lại dự án văn phòng Capital Place tại Hà Nội từ tay tập đoàn CapitaLand. Đồng thời truyền thông Singapore đưa tin Viva Land cũng chi hàng trăm triệu USD để mua lại khách sạn SO/ Singapore và toà nhà văn phòng Robinson Point Tower.
Biệt thự TP HCM lập mốc 700 tỷ đồng một căn
Theo số liệu báo cáo của DKRA Việt Nam về phân khúc nhà phố/biệt thự 6 tháng đầu năm, giá bán sơ cấp tại thị trường TP HCM và các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu có xu hướng ngày càng tăng. Thị trường TP HCM thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá bán cao nhất 700 tỷ đồng/căn, Đồng Nai ghi nhận giá bán cao nhất lên đến 107 tỷ đồng/căn.
Cũng theo báo cáo của DKRA, nguồn cung mới hiện có xu hướng dịch chuyển về khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Long An… Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự nửa cuối năm được dự báo có thể tăng nhẹ so với đầu năm, khoảng 4.000 – 5.000 căn. Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với khoảng 1.500 căn, theo sau là Long An và Bình Dương dao động khoảng 1.000 căn, TP HCM dao động khoảng 600 căn, chủ yếu tập trung ở khu Đông. Mặt bằng giá sơ cấp sẽ tiếp tục xu hướng tăng do áp lực về chi phí đầu vào và lạm phát.
Tính đến hết quý II, DKRA cho biết TP HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 29 dự án mở bán (18 dự án mới và 11 dự án mở bán tiếp theo), tương đương với việc đón nhận 3.142 căn nhà phố/biệt thự, bằng 55% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ tiêu thụ đạt 64% tương đương 2.007 căn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. DKRA cho biết tỷ lệ hấp thụ ở mức trung bình, nhiều chủ đầu tư ban hành các chính sách ưu đãi, lịch thanh toán giãn cách nhằm hỗ trợ khách hàng.
Đồng Nai lên kế hoạch đấu giá 42 khu đất lớn
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, địa phương lên kế hoạch đấu giá khoảng 42 khu đất có diện tích, giá trị lớn để lấy vốn đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng ở các huyện, thành phố.
Các khu đất trên có tổng diện tích gần 750 ha và giá tạm tính theo Bảng giá đất của tỉnh giai đoạn 2020-2024 trên 13.000 tỷ đồng. Những khu đất này sẽ được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh hoàn tất hồ sơ và tiến hành đấu giá công khai.
Riêng trong năm 2022, UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đưa ra đấu giá 15 khu đất có tổng diện tích gần 160 ha, với giá khởi điểm trên 2.800 tỷ đồng. Một số khu đất có giá khởi điểm cao như Khu đất chợ nông sản Dầu Giây giai đoạn 2 (huyện Thống Nhất) hơn 1.000 tỷ đồng; Khu đất gần 37 ha (xã Long Đức, huyện Long Thành) có giá khởi điểm hơn 506 tỷ đồng; Khu đất trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở hơn 2 ha (huyện Trảng Bom) có giá khởi điểm trên 205 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh, những khu đất trên nằm gần tuyến đường giao thông chính của tỉnh, gần khu dân cư nên kỳ vọng khi đưa ra đấu giá có thể thu về số tiền lớn hơn nhiều so với giá khởi điểm.
Địa ốc Cát Tường đầu tư KĐT hơn 1.100 tỷ tại Hậu Giang
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có quyết định chấp thuận nhà đầu tư haidự án khu đô thị tại TP Ngã Bảy và huyện Châu Thành A với tổng vốn đầu tư gần 1.526 tỷ đồng.
Dự án đầu tiên là Khu đô thị mới Ngã Bảy 3 tại TP Ngã Bảy do CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường làm chủ đầu tư. Khu đất thực hiện dự án có diện tích gần 27 ha, địa điểm tại phường Ngã Bảy.
Vốn đầu tư dự án gần 1.119 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường hơn 266 tỷ đồng. Dự án không phân kỳ đầu tư, dự kiến đưa vào hoàn thành, sử dụng sau 36 tháng kể từ khi nhà đầu tư được quyết định giao đất. Thời hạn dự án là 50 năm.
Dự án thứ 2 là Khu đô thị mới Cái Tắc – Thạnh Hòa, huyện Châu Thành A do liên doanh Công ty TNHH Oleco – NQ và CTCP Bất động sản Mỹ là nhà đầu tư. Vị trí dự án nằm ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp với tổng diện tích hơn 14 ha. Dự án sẽ xây dựng 552 căn nhà ở liền kề, trong đó, nhà ở liền kề thương mại 109 căn, nhà ở liên kế 336 căn, nhà ở biệt thự 8 căn, nhà bố trí tái định cư 99 căn.
Vốn đầu tư dự án là 407 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 82 tỷ đồng; vốn huy động 325 tỷ đồng.
“Lùi” ngày bàn giao tại dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh
Theo thông tin từ Báo Đầu tư, nhiều người dân mua căn hộ tại Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, bày tỏ bức xúc về việc Công ty cổ phần Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước tiếp tục xin lùi ngày bàn giao căn hộ.
Người dân cho biết, ngày 7/7/2022, họ đã đến trụ sở Công ty cổ phần Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước để gặp Giám đốc Công ty này nhưng không được.
Cũng tại Thông báo số 1097 ngày 1/7/2022 do ông Nguyễn Phú Quý (chức danh Tổng giám đốc) ký tên, Công ty cổ phần Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước giải trình lý do tiến độ thi công hoàn thiện khối nhà E3, E4 bị chậm so với kế hoạch vì nhiều lý do khách quan, bất khả kháng.
Lý do đưa ra bao gồm sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhà thầu không huy động được đầy đủ số công nhân quay trở lại công trường. Tình hình thời tiết cực đoan, mưa bão, lũ lụt thất thường cũng khiến công trình phải tạm dừng thi công nhiều ngày. Giá vật liệu xây dựng tăng đột biến khiến nhà thầu nhiều lần yêu cầu điều chỉnh bù giá mới tiếp tục triển khai thi công.
Cũng trong thông báo này, ông Quý thông tin thêm “trong thời gian vừa qua, Công ty đã tích cực phối hợp với nhà thầu thi công quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để khắc phục việc chậm trễ tiến độ. Hiện nay, khối nhà E3, E4 đang gấp rút triển khai thi công đồng bộ nhiều hạng mục hoàn thiện như sơn nước, ốp lát gạch, chống thấm, phòng cháy chữa cháy…”
“Công ty cam kết quyết liệt chỉ đạo tổng thầu thi công hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng khối nhà E3, E4 chậm nhất vào ngày 30/11/2022”, ông Quý một lần nữa cam kết.
Chuyển đổi hơn 1.000 ha rừng để làm cao tốc Bắc Nam phía Đông
Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu của dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 – 2025 và thời kỳ 2021 – 2030 gồm 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.054 ha, gồm: gần 112 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; gần 803 ha rừng sản xuất; hơn 135 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ gần 15 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất hơn 120 ha).
Về việc chuyển mục đích sử dụng đất, trên cơ sở báo cáo của các địa phương có dự án đi qua, diện tích đề nghị chuyển đổi là hơn 1.721 ha đất trồng lúa, gồm đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lệ là hơn 1.537 ha; đất trồng lúa còn lại là hơn 184 ha.
Đất rừng dự kiến chiếm dụng là gần 1.864 ha, gồm: đất rừng phòng hộ hơn 138 ha; đất rừng đặc dụng 4,61 ha; đất rừng sản xuất hơn 1.721 ha.
So với sơ bộ diện tích chiếm dụng nêu tại Nghị quyết số 44/2022 của Quốc hội, diện tích đất lâm nghiệp đề nghị chuyển đổi tăng gần 318 ha (đất rừng phòng hộ tăng 28,10 ha, đất rừng sản xuất là hơn 285 ha và đất rừng đặc dụng tăng 4,61 ha); diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 5,23 ha.