Tin bất động sản hôm nay 8/7: Hà Nội 'chốt' di dời Nhà máy Bia Hà Nội (Habeco) khỏi nội thành

Di dời Nhà máy Bia Hà Nội (Habeco) khỏi nội thành; TP Hồ Chí Minh xây dựng thêm nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; Sẽ thu hồi dự án của chủ đầu tư không đủ năng lực; TP Hồ Chí Minh sẽ hủy hợp đồng với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay 8/7.

Di dời Nhà máy Bia Hà Nội (Habeco) khỏi nội thành

Sáng nay (8/7) tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1).

Theo đó, trong vòng 5 năm tới, 9 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Trong danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội mà HĐND TP vừa thông qua, có nhiều cơ sở nhà đất nằm tại vị trí "đất vàng" nội đô như Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng Công ty CP Bia – rượu- nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Ba Đình hiện đang hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Tin bất động sản hôm nay 8/7: Hà Nội 'chốt' di dời Nhà máy Bia Hà Nội (Habeco) khỏi nội thành - Ảnh 1

Cơ sở nhà máy tại 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân với hơn 64.000m2 đang là hệ thống nhà kho, để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm; nhà xe của cán bộ công nhân viên để đi xe đưa đón đến địa điểm mới tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.

Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, nằm trong danh sách di dời còn có Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000 m2, là văn phòng và cơ sở sản xuất. Theo quy hoạch, khu đất sẽ là đất công cộng khu vực, đất cây xanh, đất hỗn hợp.

Trong 6 cơ sở được đề xuất di dời còn lại, có 2 cơ sở thuộc quận Hoàn Kiếm, gồm: Công ty In báo Nhân dân tại 15 Hàng Tre, diện tích hơn 1.500 m2; Công ty TNHH MTV in báo Hà Nội mới ở 35 Nhà Chung, diện tích hơn 1.800 m2, hiện có nhà máy in.

Hai cơ sở trên địa bàn quận Long Biên là Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 20 ha, hiện là trụ sở Công ty, nhà xưởng sửa chữa toa xe. Cơ sở thứ 2 là Tổng kho xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000 m2, đang là bể chứa xăng dầu.

Quận Đống Đa và quận Bắc Từ Liêm cùng có một cơ sở, lần lượt là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800 m2 và Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000 m2, hiện trạng một phần đã phân cho cán bộ công nhân viên, một phần hoạt động nghiên cứu công nghệ ngành hóa chất, sản xuất thuốc tuyển quặng.

TP Hồ Chí Minh xây dựng thêm nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân

Trong phiên chất vấn về chương trình nhà ở của kỳ họp thứ 6, HĐND TPHCM, bên cạnh các nội dung về quản lý nhà công vụ, cải tạo và di dời nhà trên và ven kênh rạch thì các vấn đề liên quan tới nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, giải quyết tranh chấp giữa ban quản lý, ban quản trị nhà chung cư cũng được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến.

Trước câu hỏi “Đến 2025, số lượng nhà cho công nhân lưu trú tăng bao nhiêu phần trăm so với nhu cầu thực tế?” của Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ CHí Minh cho biết, trong dịp 30/4 thành phố có khỏi công 1 công trình xây nhà trọ cho công nhân thuê, tiếp tục có 4 dự án đang làm thủ tục để triển khai cái này. Thời gian tới, qua sà có 6 dự án đang có nhu cầu xây dựng để cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Hiện Sở xây dựng cũng đang tham mưu cho UBND thành phố quy trình rút ngắn các thủ tục, rà soát lại quỹ đất, tăng cường xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp cùng tham gia, phấn đấu đạt 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, với 3.500 căn nhà giai đoạn 2021- 2025.

Liên quan tới các tranh chấp giữa ban quản lý, ban quản trị chung cư trên địa bàn thời gian qua, nhiều đại biểu cũng đề nghị Sở xây dựng và UBND TPHCM cần xem xét có biện pháp tháo gỡ.

Sẽ thu hồi dự án của chủ đầu tư không đủ năng lực

Tại phiên tái chất vấn diễn ra mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đã chỉ rõ các dự án như: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, dự án 148 Giảng Võ, dự án 31-33-35 Lý Thường Kiệt... hiện đều đang chậm tiến độ. Trả lời chất vấn về Dự án xây dựng trạm tiêu bơm Yên Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết: Dự án này đã chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt của thành phố. Vướng mắc trong GPMB đã ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước của hệ thống ở phía tây Thủ đô. Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quận Hà Đông trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến cuối năm 2022, nếu hộ dân nào không chấp hành GPMB sẽ bị tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Thông tin thêm về Dự án ở 148 Giảng Võ chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, hiện khu đất 148 Giảng Võ đã có chủ trương đầu tư chuyển đổi đầu tư làm trung tâm dịch vụ thương mại, văn hóa với mật độ xây dựng giảm, tăng diện tích cây xanh... Dự kiến, trong năm 2022, thành phố và Bộ Xây dựng sẽ thống nhất lại phương án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dự kiến, đến năm 2023, dự án sẽ được triển khai xây dựng - ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Riêng đối với công trình 31-33-35 phố Lý Thường Kiệt, ông Dương Đức Tuấn cho biết: Theo quy hoạch phân khu đô thị quận Hoàn Kiếm, khu vực phố Pháp cổ, chung cư cũ thì công trình chỉ cao 8 tầng, chủ đầu tư hiện đề xuất được xây dựng 14 tầng. Sau khi xin ý kiến của các đơn vị liên quan, Hà Nội dự kiến 2 phương án: Phương án 1, nếu đồng ý các quy định hiện hành thì có thể xây luôn 8 tầng; phương án 2, xem xét đồ án thiết kế đô thị trên phố Lý Thường Kiệt để quyết định phương án quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu thực tế 2 dự án nhà máy rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên) Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) hiện vẫn chậm tiến độ do đang chờ điều chỉnh quy hoạch rác thải và điều chỉnh chủ trương đầu tư. "Sau 7 năm phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 dự án này vẫn chưa triển khai được. Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư và lãnh đạo UBND thành phố nêu giải pháp để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án"

Trả lời chất vấn trên, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết: Đối với nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, nguyên nhân chậm triển khai do gặp khó khăn trong công tác GPMB. Mặt khác, hiện chủ đầu tư đang có văn bản xin điều chỉnh nâng công suất của nhà máy, tuy nhiên đề xuất này chưa phù hợp với quy hoạch chung về quản lý rác thải của Chính phủ. Hiện tại, các sở, ngành đang kiến nghị UBND thành phố xem xét điều chỉnh, nếu không phù hợp đề nghị thu hồi dự án.

Đối với nhà máy xử lý rác Châu Can, sau khi HĐND thành phố chất vấn, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị thay đổi chủ trương đầu tư nâng công suất của dự án, tăng vốn, điều chỉnh tiến độ… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tiến hành GPMB; chưa lựa chọn được công nghệ xử lý; năng lực của chủ đầu tư hạn chế... Hiện, các đơn vị liên quan đang rà soát, kiểm tra nếu không bảo đảm các quy định đề ra thì đề nghị thu hồi dự án - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ.

TP Hồ Chí Minh sẽ hủy hợp đồng với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

Thông tin trên được ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TPHCM chiều ngày 7.7.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, quy trình chấm dứt hợp đồng sẽ gồm hai bước. Trước tiên, về phía Cục Thuế TPHCM sẽ xem xét thời gian từ ngày ra thông báo thuế đến thời điểm hiện tại đơn vị có liên hệ để thực hiện nộp tiền hay không.

Sau đó, Cục Thuế gửi thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu doanh nghiệp không nộp tiền thì phía Sở sẽ phối hợp với Sở Tư pháp và các sở ngành liên quan chủ trì soạn thảo văn bản chấm dứt hợp đồng, sau đó trình UBND TPHCM ký.

Tin bất động sản hôm nay 8/7: Hà Nội 'chốt' di dời Nhà máy Bia Hà Nội (Habeco) khỏi nội thành - Ảnh 2

Về tiền chậm nộp, tiền phạt của hai doanh nghiệp, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết vấn đề này đã quy định rõ trong các điều khoản của hợp đồng trúng đấu giá. Các bên sẽ căn cứ theo những điều khoản của hợp đồng để xử lý.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng thông tin thêm, trong báo cáo vừa rồi của TPHCM, thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể về đánh giá và rút kinh nghiệm lại đợt đấu giá vừa rồi tổ chức tiếp tục đợt đấu giá tiếp theo.

Trước đó, Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) nên phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.

Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), đóng 4.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.

Đến nay, khoản phải nộp của đợt thanh toán đợt 1 và đợt 2 của hai doanh nghiệp này đều đã quá hạn và thời hạn 180 ngày phải thanh toán cũng đã hết.

Quảng Ngãi sắp có khu dân cư Nhân Hòa gần 50.000m2

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Nhân Hòa tại phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi.

Theo đó, dự án có diện tích 49.607,8m2, có quy mô 20 căn nhà ở thương mại nằm trên trục đường chính, 137 lô đất ở liên kế và 11 lô đất ở tái định cư... với tổng vốn đầu tư 125 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định.

Việc đầu tư xây dựng khu dân cư này nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo quy hoạch chi tiết được duyệt và xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, góp phần xây dựng đô thị hiện đại và tạo cảnh quan kiến trúc đẹp cho khu vực.

Tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Minh Thu (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển