Tín dụng bất ngờ tăng đột biến, chủ yếu từ cho vay để rót vào bất động sản?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tín dụng đến 21/3/2022 đã tăng hơn  4%, cao gấp 2,7 lần cùng thời điểm này năm ngoái.

Tín dụng bất ngờ tăng đột biến, chủ yếu từ cho vay để rót vào bất động sản? - Ảnh 1

Cụ thể, tại báo cáo về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê. Về hoạt động ngân hàng, Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến thời điểm 21/3/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).

Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Riêng trong tháng 3, tín dụng tăng trưởng 2,39%.

Tín dụng tăng vọt lên 4,21% vào ngày 23/3/2022.  
Tín dụng tăng vọt lên 4,21% vào ngày 23/3/2022.  

Đáng chú ý, tại nhiều ngân hàng tư nhân hoạt động cho vay với mục đích kinh doanh bất động sản có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian qua.

Đơn cử như tại Techcombank, tính đến thời điểm 31/12/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng đạt hơn 108.000 tỷ đồng, trong đó cho vay bất động sản đạt 95.912 tỷ đồng, tăng 27,61%.

Tương tự, dự nợ cho vay mảng xây dựng và kinh doanh bất động sản của MB Bank tại thời điểm cuối năm 2021 là gần 35.155 tỷ đồng, tăng hơn 7.600 tỷ so với đầu năm.

Hay như tại TPBank, tính đến ngày 31/12/2021 số dư cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 9.762 tỷ đồng, tăng 6,91%. Nếu tính gộp cả dư nợ trong lĩnh vực xây dựng, tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản của TPBank đến hết năm 2021 có thể lên tới hơn 17.527 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý IV/2021, cho vay lĩnh vực bất động sản của VIB đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và chiếm gần 42% tổng dư nợ của ngân hàng.

Với việc cho vay bất động sản tại các ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mới đây, một số ngân hàng như Sacombank và Techcombank đã thông báo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay bất động sản.

Trong đó, Sacombank ngừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022. Còn Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản kể từ ngày 25/3/2022, yêu cầu các đơn vị dời lịch giải ngân sang ngày 1/4/2022.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các Dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bảo Châu (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển