Tín dụng tăng 7,75% kể từ đầu năm
Tính đến ngày 25/5, tín dụng trong hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng 7,75% so với cuối năm 2021, tương đương tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã rút ròng gần 400 tỷ đồng trên thị trường mở. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước bơm 1,4 ngàn tỷ đồng, thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5% trong khi có 1,8 ngàn tỷ đồng đáo hạn và đưa khối lượng tín phiếu đang lưu hành giảm xuống còn 2,3 ngàn tỷ đồng.
Trạng thái thanh khoản được cải thiện giúp lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm trong tuần giảm xuống dưới 1% - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và bật tăng nhẹ trở lại vào cuối tuần. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 1,1% (giảm 76 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần 1,5% (giảm 63 điểm cơ bản). Các kỳ hạn dài hơn hầu như đi ngang hoặc tăng nhẹ, phản ánh áp lực về lãi suất vẫn còn hiện hữu.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/5, tín dụng trong hệ thống ghi nhận mức tăng 7,75% so với cuối năm 2021. Mặc dù tín dụng tăng gần gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng đã có phần chậm lại nếu tính theo tháng, tháng 3 tăng 16,9% so với cùng kỳ.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, nguyên nhân một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng).
Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra đầu năm và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn. Nhìn chung, việc tín dụng chậm lại cũng đã giảm bớt áp lực về mặt thanh khoản và giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh đồng VNĐ chịu áp lực mất giá.