Tin nóng bất động sản tuần qua (28/6 – 2/7/2021)

“Bong bóng” bất động sản có xuất hiện nếu lãi suất về 0%, hàng loạt dự án tại các tỉnh “bán lúa non”, TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận Công ty Tân Thuận chuyển nhượng đất công cho Quốc Cường Gia Lai, Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại dự án trên “đất vàng” của Tiến Phước, những sai phạm tại 6 dự án ‘đổi đất’ sân bay Nha Trang,…

Nếu hạ lãi xuất về 0%, thị trường có xuất hiện “bong bóng” bất động sản?

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

Đề xuất này của VAFI ngay sau đó nhận được sự quan tâm từ giới chuyên gia, dư luận. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% là rất “táo bạo” nhưng chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đề xuất này cũng đặt ra giả thiết nếu lãi suất hạ dần về 0% thì sẽ tác động ra sao đến thị trường bất động sản?

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, thông thường, việc hạ lãi suất huy động thì người ta nghĩ ngay đến việc sẽ tăng mạnh đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên liệu có xảy ra “bong bóng” hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Hiện Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý khác đều có quan điểm quản lý thị trường bất động sản là lĩnh vực rủi ro. Tín dụng bất động sản kiểm soát rất chặt, nguồn cung cũng được kiểm soát rất chặt chẽ. Chưa kể, Việt Nam còn đang cân nhắc về một số loại thuế bất động sản.

“Một khi mức độ đánh giá rủi ro bất động sản vẫn vậy, tức là tín dụng vào lĩnh vực này vẫn siết chặt thì ngay cả khi hạ lãi suất về 0% thì dòng tiền tín dụng vẫn khó chảy vào bất động sản gây bong bóng”, ông phân tích.

Loạt dự án Eco Smart City Cổ Linh, Bãi Lữ, Lavender Garden,… “bán lúa non” khi chưa đủ điều kiện

như tại Hà Nội, thời gian gần đây trên các trang mạng xuất hiện hàng loạt thông tin về việc dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội) do Công ty TNHH Thiên Hương làm chủ đầu tư được rao bán rầm rộ.

Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh hiện chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh được rào chắn kỹ lưỡng, đồng thời dựng biển bảng quảng cáo về dự án, mặt bằng căn hộ, tiện ích… mà chưa hề có hoạt động thi công xây dựng nào.

Dự án Eco Smart City Cổ Linh được rao bán dù vẫn chỉ là bãi đất trống.  
Dự án Eco Smart City Cổ Linh được rao bán dù vẫn chỉ là bãi đất trống.  

Cũng tại Hà Nội, ngoài dự án Eco Smart City Cổ Linh còn có dự án Lavender Garden (176 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) dù mới đang trong giai đoạn thi công phần móng. Tuy nhiên dự án đã được rao bán một cách công khai, rầm rộ ngay giữa mùa dịch.

Tại Thái Nguyên, dù đang trong quá trình san lấp, thi công cơ sở hạ tầng nhưng từ nhiều tháng qua Công ty CP BĐS Hải Long Land đã bán “lúa non” dự án khu đô thị Việt Hàn thị xã Phổ Yên bằng cách ký hợp đồng vay vốn và kèm theo Phiếu đăng ký nhu cầu mà bản chất là thỏa thuận đặt cọc, giữ chỗ cho BĐS hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện huy động vốn.

Hay như tại Cần Thơ, mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ Mai Như Toàn đã ký Văn bản số 1877/SXD-QLN gửi Công ty TNHH Bất động sản An Khương về việc xuất hiện loạt thông tin mở bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện tại dự án Khu đô thị mới Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Tại Long An cũng có hai dự án là Hamilton Garden và Khu dân cư Rồng Vàng Long An chưa đủ điều kiện huy động vốn, bị chính quyền gắn bảng thông báo với nội dung dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn rầm rộ thu tiền khách hàng.

Đáng chú ý, Sở Xây dựng Nghệ An thông tin, trên các trang mạng xã hội thời gian qua xuất hiện loạt thông tin về việc dự án Meyresort Bãi Lữ do CTCP Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ làm chủ đầu tư đang diễn ra các hoạt động quảng cáo rao bán các sản phẩm của dự án. Đây là một dự án do Tập đoàn Tân Á Đại Thành là đơn vị phát triển dự án.

Dự án Meyresort Bãi Lữ được rao bán trên các trang mạng thời gian qua.  
Dự án Meyresort Bãi Lữ được rao bán trên các trang mạng thời gian qua.  

TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận Công ty Tân Thuận chuyển nhượng đất công cho Quốc Cường Gia Lai

Thông tin từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, dự án này có quy mô diện tích đất là 11.967,4m2, tổng số căn hộ là 1.212 căn. Dự án đã được UBND thành phố chấp thuận về việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, căn cứ theo Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của UBND thành phố về việc chấp thuận chuyển nhượng 1 phần của dự án.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, ngày 13/12/2017, Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố cũng đã cập nhật nội dung thay đổi chuyển nhượng này cho Công ty Quốc cường.

Tin nóng bất động sản tuần qua (28/6 – 2/7/2021) - Ảnh 1

Theo tìm hiểu, dự án này được Quốc Cường Gia Lai tung ra thị trường vào khoảng đầu năm 2018, với tên thương mại là Lavida Plus. Theo thông tin từ các bài quảng cáo dự án trước đó, đây là khu phức hợp căn hộ thương mại dịch vụ có điểm tọa lạc “chiến lược” nhất nhì trung tâm khu Nam Sài Gòn.

Những sai phạm tại 6 dự án ‘đổi đất’ sân bay Nha Trang

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra 1029/TB-TTCP liên quan các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là các dự án BT được dư luận tỉnh Khánh Hòa quan tâm trong thời gian qua.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, vừa thực hiện thanh tra 6 dự án BT có chủ trương sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang thanh toán cho nhà đầu tư.

Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án BT giao thông do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 3.300 tỉ đồng, diện tích hoàn vốn tại Sân bay Nha Trang hơn 19ha, gồm: dự án BT nút giao thông Ngọc Hội; dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội; Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang.

Tin nóng bất động sản tuần qua (28/6 – 2/7/2021) - Ảnh 2

Ngoài ra, còn có 3 dự án do 3 doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư, gồm: dự án đường số 4 (do Công ty CP VCN làm chủ đầu tư); đường Nguyễn Thiện Thuật (do Công ty Hacom Holdsing làm chủ đầu tư); dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực Bắc Bán đảo Cam Ranh (do liên danh Công ty INCOTEC và Công ty Ngọc Minh làm chủ đầu tư)… có tổng vốn hơn 1.050 tỷ.

Thanh tra Chính phủ cho biết, việc sử dụng quỹ đất ở Sân bay Nha Trang cũ để thanh toán phù hợp với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại dự án trên “đất vàng” của Tiến Phước

Theo tìm hiểu, Dự án khu cao ốc văn phòng và khách sạn Le Meridien Saigon  có địa chỉ tại số 3C đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh do Công ty CP Tiến Phước và 990 làm chủ đầu tư với diện tích 3.604 m2. Dự án có tổng mức đầu tư 120 triệu USD, được khởi công vào cuối năm 2010.

Tin nóng bất động sản tuần qua (28/6 – 2/7/2021) - Ảnh 3

Được biết, dự án trên “đất vàng “ này của Tiến Phước có nguồn gốc là đất quốc phòng – an ninh do Công an TP Hồ Chí Minh quản lý. Theo đó Thanh tra Chính phủ kiến ​​nghị Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh rà soát việc góp vốn, việc chuyển nhượng cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp khác, việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, theo đúng Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan.

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định UBND TP Hồ Chí Minh có Quyết định số 3807/QĐ-UBND ngày 12/8/2009 giao đất cho Công ty CP Tiến Phước và 990 (trong đó, Công ty 990 chiếm 30% vốn điều lệ) không qua đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật.

Hà Linh (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển